Chốc chốc, trong 3 căn nhà sàn lụp sụp cách nhau vài trăm mét ở xã Ia RBol, thị xã Ayun Pa (Gia Lai) lại phát ra những tiếng la hét, kêu gào, cười nói… vô hồn. Thứ âm thanh này đã trở nên quen thuộc với người Jrai ở đây hơn chục năm nay.
Trên con đường nhỏ vào xã Ia Rbol, nơi có 5 thanh niên khỏe mạnh bỗng nhiên phát điên, ngày ngày phải sống chung với xiềng xích, ông Ksor Thiên, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị xã Ayun Pa không ít lần chép miệng tiếc nuối: “Thương lắm anh ạ! Trước khi phát bệnh chúng nó đều là đứa khỏe mạnh, chăm làm, học tập ngoan ngoãn”.
Mặt trời khuất dần, bà Nay H’Lát (50 tuổi), ở buôn Bôn Krái, mẹ của 3 người con bị điên, đi hái rau rừng ngoài suối mới về đến nhà. Trong căn nhà sàn nhỏ lụp xụp, tối om, bà chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình. Chốc chốc, bà lại chạy ra thăm chừng 3 người con bị tâm thần đang xích mỗi người mỗi góc trong căn chòi nhỏ bên cạnh. H’Lát chỉ có thể nói được tiếng J’rai, nên cán bộ Thiên trở thành phiên dịch.
Căn chòi nhỏ nhốt Nay H’Nhơn. Ảnh: Minh Thảo.
Vợ chồng bà H’Lát có 6 người con thì đến 3 người mắc bệnh tâm thần. Tai họa bất ngờ giáng xuống khi cô con gái thứ Nay H’Nhơn (sinh năm 1978) đang bước vào tuổi cập kê, một hôm bất ngờ bị sốt cao dài ngày.
“Nó tự nhốt mình suốt ngày ở trong nhà hát hò, cười nói lảm nhảm rồi đập phá đồ đạc tan tành như điên dại”, bà H’Lát kể lại.
Thương con, gia đình đưa H’Nhơn chạy chữa nhiều nơi nhưng không có kết quả, bệnh tình mỗi lúc một nặng hơn. Để khống chế những cơn điên của Nay H’Nhơn, gia đình đành làm một cái cũi nhỏ ở góc vườn vừa đủ cho Nay H’Nhơn thu mình trong đó rồi khóa chặt cửa lại.
Trong khi tài sản sau bao nhiêu năm tích cóp cứ ngày ngày đội nón ra đi vì chạy chữa bệnh cho con thì một tai họa nữa lại ập đến, anh con trai đầu lòng Nay Nơm (sinh năm 1976), xưa nay luôn khỏe mạnh, tháo vát, bỗng lăn đùng ra sàn nhà rồi điên dại như em gái.
“Nó đi lang thang trong làng, thấy heo gà người ta thả rông là đuổi đâm cho kỳ chết mang về nướng ăn”, bà H’Lát kể.
Đã thế, số vật dụng ít ỏi còn lại trong nhà đều bị Nay Nơm đập phá hoặc đem cho người dưng mỗi khi nỗi cơn điên.
Nỗi đau chồng chất nỗi đau, gia đình Nay H’Lát hằng ngày phải chạy ăn từng bữa cùng với nỗi tuyệt vọng về hai đứa con điên dại. Ấy thế nhưng căn bệnh quái ác chưa chịu buông tha. Cậu con trai út Nay Nhung (sinh năm 1988) đang học lớp 11 trên thị xã, bỗng một ngày, hốt hoảng chạy về cầu cứu gia đình vì bị nóng ran trong người.
“Nó lăn lộn, vật vã co giật trên sàn nhà như con thú trúng tên rồi đau đớn thét lên con cũng bị như anh chị rồi, bố mẹ ơi!”, gạt vội dòng nước mắt đang chực chảy ra nơi hốc mắt già nua, bà H’Lát kể lại những ngày đầu phát bệnh của đứa con thứ 3.
Trong căn nhà sàn nhỏ, tiếng cười nói lảm nhảm của 3 người con bị điên xen lẫn với màn đêm càng trở nên man dại. Bên kia góc nhà, mẹ ruột bà H’Lát, hơn 80 tuổi, mù lòa, nằm liệt một chỗ nhiều năm nay, rên lên từng đợt mệt nhọc.
Còn ông Ksor Dót, cha của 3 đứa con điên loạn, trong chiến tranh, tham gia du kích xã, nếm đủ mùi đạn bom, chất độc hóa học. Rời chiến trường, ông còn mang thêm thương tích trên người khiến 2 chân không thể đi lại bình thường. Đến nay, do chưa làm được chế độ thương binh, Ksor Dót chỉ được hưởng trợ cấp chất độc da cam tháng hơn 1 triệu đồng cộng với 3 đứa con bị điên được tổng cộng hơn 700 ngàn đồng nữa là nguồn sống của cả gia đình họ…
Bên kia hàng rào, trong nhà bà Nay H’Pen cũng đang vang lên tiếng lẩm bẩm cười nói vô hồn của Nay Nhang (sinh năm 1986).
Không một mảnh vải che thân, Nay Nhang quằn quại điên dại dưới sàn nhà, thỉnh thoảng lại cố dùng sức giật mạnh sợi dây xích đang cột chặt tay chân mình vào cột giữa nhà.
Nay Nhang cũng phát điên ngay trong lớp học khi còn là một học sinh giỏi lớp 11 ngoài thị xã. Ngày nhà trường báo tin, gia đình chết lặng không tin đó là sự thật.
“Từ ngày Nhang bị điên, nó không nói tiếng Jrai mà chỉ toàn nói tiếng Kinh với tiếng Anh gì đó. Rồi suốt ngày nó cứ lải nhải cốt với sin gì đó”, bà H’Pen hóm hỉnh.
Nụ cười đôn hậu không thể che lấp được nỗi phiền muộn còn in hằn trên gương mặt hốc hác của người mẹ Jrai này.
Cha mẹ Nay Nhang với cây gậy đẩy cơm cho con. Chàng trai này vẫn luôn lảm nhảm cos, sin và tiếng Anh. Ảnh: Minh Thảo.
“Nhà chỉ có mình nó là con trai thế mà bỗng dưng nó lại phát bệnh. Mới ngày nào, nó còn đem học bổng ở trường khoe với bố mẹ, vậy mà… Hơn 4 năm rồi lúc nào nó cũng trần truồng, sống chung với dây xích”, bà H’Pen đau đớn kể.
Lát sau, bà Nay H’Pen lòm còm dùng gậy lựa đẩy bát cơm tối chan lỏng bỏng với canh rau rừng vào cho con. Ông Ksor Ngốt, cha Nay Nhang buồn rầu: “Từ ngày phát điên, nó trở nên hung dữ. Không ai dám lại gần nó. Cho ăn phải đưa bằng sào. Tắm thì đứng xa mà tạt nước”.
“Có lần thương con, tôi định đến gần đưa quần áo cho nó mặc, ai ngờ nó túm được bóp cổ tôi gần chết, may có người đi qua thấy giằng ra được”, ông Ngốt bàng hoàng kể.
Ksor Ngốt cũng tham gia du kích xã từ năm 1967 cho đến khi giải phóng như người hàng xóm. 8 năm ở căn cứ, ông là tiểu đội trưởng, chỉ huy 10 du kích làm nhiệm vụ vừa đánh địch vừa sản xuất lương thực tiếp tế cho bộ đội. Nhớ cứ mỗi lần địch rải chất độc hóa học là phải chạy ngay ra rẫy chặt ngang thân cây mì để chất độc không theo thân ngấm xuống, củ đắng không ăn được. Song cũng không ít lần ông phải ăn cả củ đã ngấm thuốc đắng ngắt vì đói. Hiện ông chỉ được trợ cấp theo chế độ người tàn tật 120.000 đồng/tháng, cộng với 180.000 đồng của Nay Nhang, cả nhà ông dựa vào đó mà lay lắt qua ngày.
Cách nhà Nay H’Pen và Nay H’Lát chừng vài trăm mét, trên ngôi nhà sàn vắng tanh suốt ngày đóng cửa im ỉm của gia đình ông Ksor Tứt, Nay Síu (sinh năm 1983) đang trần truồng trên sàn nhà, tay chân bị xích chặt vào gốc cột.
Cựu quân nhân Nay Síu quanh năm sống với xiềng xích . Ảnh: Minh Thảo.
“Trước đây mấy năm, Nay Síu là một thằng siêng năng, khỏe mạnh, nó hiền lắm! Thế rồi nó đi nghĩa vụ quân sự ở An Khê, cả buôn chưa hết mừng thì hay tin nó bị điên…”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị xã Ayun Pa Ksor Thiên tâm sự.
Đơn vị đã đưa Nay Síu đi chữa chạy ở nhiều nơi nhưng cái đầu của Nay Síu vẫn không chịu tỉnh táo. Thương con, Ksor Tứt đưa Síu về nhà chăm sóc. Để tránh sự đập phá rồi đi lang lang suốt ngày đêm gia đình đành phải dùng đến sợi dây xích nhờ hàng xóm trói chặt tay chân vào cột nhà.
Để nuôi con bệnh tật, ngày ngày vợ chồng ông quần quật trên rẫy đến tối mịt mới về. Mỗi sáng, trước khi đi làm, mẹ Nay Síu lại chuẩn bị cơm nước cho con cả ngày đẩy vào để khi đói, khi khát anh tự ăn, tự uống. Ấy vậy, nhưng trời thương thế nào, quanh năm vẫn không thấy Síu đau ốm.
“Những gia đình này dù đã được quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và địa phương nhưng hoàn cảnh vô cùng khó khăn vì gần như không còn sức lao động. Họ đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng”, bà Phạm Thị Vân, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Ia RBôn, chia sẻ.
Đêm. Ngoài trời se lạnh, bóng tối như nuốt chửng lấy buôn nghèo. Bất giác vang lên một tiếng thét xé toang màn đêm. Nơi cuối buôn, Nay Síu lại lên cơn điên.