>> Chương trình tour Châu Âu tham khảo
>> Hình ảnh Đoàn khách DL Hoàn Mỹ tại Châu Âu
Du lịch Thụy Sĩ hãy nhớ dành tiền để mua đồng hồ đeo tay, đồng hồ treo tường, dao Victorinox, pho mát và nhiều mặt hàng hấp dẫn khác. Nhiều đồ lưu niệm đáng mê mẫn như vậy nhưng có một thứ không thể thiếu trong hành lý của bạn khi trở về nhà. Đó là… chocolate!

Sức cám dỗ của chocolate rất lớn – Ảnh: Ng.Dũng
Mới hồi hạ tuần tháng Tám, đoàn 13 khách Việt đi một vòng tham quan nhiều địa chỉ du lịch nổi tiếng ở Thụy Sĩ, một đất nước nhỏ bé lọt thỏm giữa châu Âu, không hề có biển nhưng có nhiều núi, nhiều đồi, nhiều thung lũng và nhiều hồ nước rộng lớn tuyệt đẹp.
Khi trở ra sân bay quốc tế Zurich, chuẩn bị tung cánh bay trở về TP.HCM thì hỗi ơi, có đến 12 thành viên bị lố cân hành lý miễn cước, trung bình mỗi vị lố khoảng 4 ký!
Người viết bài này dám chắc rằng, số ký thặng dư ấy là “hệ quả” từ thực tế mọi người đã không thể cưỡng lại nổi sức cám dỗ kinh khủng của chocolate. Vì Thụy Sĩ và Bỉ được công nhận là hai nước sản xuất những loại chocolate thơm ngon nhất thế giới.
Lâu nay, giới sành điệu ẩm thực lâu không tiếc lời ca ngợi hương vị ngọt bùi, thơm thơm nhẹ nhàng của chocolate Suisse (từ chung để gọi tất cả các dòng chocolate sản xuất tại Thụy Sĩ). Ăn đứt chocolate của Pháp, Ý, Đức, Áo… và càng hơn hẳn chocolate Mỹ, Canada, Mã, Sing…
Không thơm ngon nhất sao được khi mà nghệ thuật sản xuất kẹo chocolate của đất nước trên dãy Alps này đã bắt bén từ thế kỷ XVII, phát triển mạnh vào thế kỷ XVIII, xuất khẩu từ nửa sau của thế kỷ XIX rồi trở thành nền công nghiệp luôn tăng trưởng mạnh kể từ thời hậu Thế chiến II.
Đây là chuyện lạ đáng nể khi nhớ rằng trong suốt chiều dài lịch sử, Thụy Sĩ không hề có mảnh đất nào gọi là thuộc địa chuyên trồng cây cacao, nguyên liệu chính làm nên chocolate. Ngày nay, những nghệ nhân sản xuất chocolate Thụy Sĩ còn có quyền tự hào vì đã là những người đầu tiên sáng chế ra nhiều loại chocolate như sữa, có nhân trái cây, hạt dẻ…

Cửa hàng chocolate ở Bern
Nhưng chocolate Thụy Sĩ có ngon cách mấy thì cũng không thể dành hết cho xuất khẩu vì còn phải dành hơn 54% cho thị trường nội địa. Trung bình mỗi năm, mỗi người dân Thụy Sĩ “ngấu nghiến” hết 11,9 ký chocolate, xếp hạng nhất thế giới về mức tiêu thụ món bánh kẹo hấp dẫn này.
Ở các phố chính của những thành phố lớn đoàn chúng tôi đi qua như Zurich, Lucern, Bern, Basel lẫn thị trấn du lịch núi tuyết Engelberg không bao giờ thiếu vắng những cửa hàng chuyên bán chocolate.
Thôi thì đủ loại, từ dạng thanh, dạng viên tròn, dạng đồng xu… đến bán theo từng tảng từ 100 gram đến vài ký. Và ở các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng thực phẩm, siêu thị, chocolate gói sẵn bán giá “mềm” cho du khách thì nhiều vô kể.
Một trong những món ăn thuộc loại “quốc hồn quốc túy” của Thụy Sĩ chính là món fondue (tan chảy), tức là pho mát đặc nấu lỏng với vang trắng ăn với bánh mì.
Nhưng người Thụy Sĩ còn có món chocolate fondue rất hấp dẫn, ăn với trái cây như đoàn chúng tôi đã được mời thưởng thức trong nhà hàng Asian Fondue phục vụ các món Thái, Việt tọa lạc trên tầng một của một khách sạn gần khu phố cổ ở Lucern (nữ chủ nhân là một nữ Việt kiều gốc Hoa). Ngọt, thơm, rất cám dỗ nhưng không dành cho du khách nào đã sẵn quá cân, quá béo.

Đoàn khách DL Hoàn Mỹ tại khu phố cổ ở Lucern, Thụy Sỹ
Trở về khách sạn lúc tối, vài viên kẹo chocolate bày trên gối là món quà “chúc ngủ ngon” mà quản lý khách sạn dành cho bạn đấy. Bữa điểm tâm, thay vì dùng espresso hoặc cappuccino, bạn hãy nhâm nhi ly chocolate nóng thật ấm bụng, đầy đủ lượng calorie cần thiết cho một buổi rong ruổi tham quan phố phường.

Món chocolate fondue với trái cây
“Nếu các bạn cần mua chocolate số lượng lớn mà giá rất rẻ để về làm quà thì nên vào các cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện ích, chẳng hạn như Coop, C&A… Cũng có bán chocolate trong các cửa hàng chuyên doanh quà lưu niệm Thụy Sĩ“, nữ hướng dẫn viên Theresa chỉ dẫn khi đứng ở quảng trường phố cổ tại thành phố Bern, thủ đô liên bang Thụy Sĩ.
“Còn nếu các bạn rất sành ăn ngon, chấp nhận mua những loại chocolate làm thủ công rất nghệ thuật, chất lượng tuyệt hảo nhưng giá cao hơn thì phải tìm đến những cửa hàng đặc biệt”, Theresa bổ sung.
Đứng trước cửa kính của một “chocolatier” như thế ở bên hông khu chợ ngoài trời, gần trung tâm thành phố Basel, trước sự thích thú của cô thợ làm chocolate, chúng tôi đưa máy ảnh lên bấm. Đẹp, thơm, cám dỗ!
Nhưng hàng bán ở các cửa hiệu chuyên ngành có rất nhiều chủng loại, được trộn với rất nhiều loại trái, loại hạt, thậm chí có cả chocolate với nhiều chất rượu mạnh thơm ngất ngây khứu giác, kích thích vị giác khiến túi tiền của bạn có thể nhẹ hẳn đi rất nhiều. Nên cũng khó mà chọn lựa. Và hầu hết còn là chocolate tươi, không nên cất lâu, ủ kỹ.
Chưa kể là để hợp với sức khỏe của người hưởng thụ, bạn còn phải chọn mua đúng loại bao nhiêu phần trăm tinh chất chocolate, đen, trắng hay sữa… Thôi thì để mua chocolate về làm quà, tiện nhất là mua ở không gian duty-free (miễn thuế) tại sân bay.
Cũng có đủ thương hiệu với các mức giá khác nhau để chọn, từ Cailler, Lindt qua Suchard đến Frey (thuộc nhà Migros, năm nay mừng sinh nhật thứ 125), Toblerone, KitKat (nhà Nestlé), Wonka…
Hàng “Swiss made”

Thụy Sĩ nổi tiếng với các loại đồng hồ treo tường
Hàng hóa thiết kế và sản xuất tại Thụy Sĩ đều nổi tiếng chất lượng hoàn hảo, nếu là đồng hồ thì cực kỳ chính xác, xài rất bền. Dấu chứng “Swiss made” (sản xuất theo công nghệ hoặc truyền thống Thụy Sĩ) in khắc trên các sản phẩm được xem như một “dấu cầu chứng tại tòa” được người tiêu dùng toàn cầu tin cậy, chấp nhận.
Nhờ vậy mà mặt hàng đồng hồ (từ những thương hiệu deluxe đắt tiền như Blancpain, Breitling, Jaeger-LeCoultre, Longines, Rolex, Omega, Tag Heuer… đến các hiệu giá phải chăng, nổi nhất là Swatch) của Thụy Sĩ, một đất nước rất khiêm tốn về diện tích lãnh thổ lẫn dân số, nhưng lại sinh lợi lớn hơn số hàng trăm nhãn champagne, vang bordeaux, vang bourgogne của Pháp.
Tổng giá trị xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ trong nửa đầu năm 2012 đã đạt cột mốc lịch sử 10 tỷ franc Thụy Sĩ (khoảng 8,3 tỷ euro) và có khả năng đạt hơn 20 tỷ franc Thụy Sĩ khi năm 2012 kết thúc.