>> Cẩm nang du lịch Nhật Bản – Quy tắc chuẩn khi thưởng thức sushi Nhật Bản
>> Du lịch Nhật Bản – Cập nhật thông tin du lịch Nhật Bản nóng hổi

Du lịch Nhật Bản – Nhà Phật thường nói đến chữ duyên và chúng tôi đã vô duyên. Lên núi Phú Sĩ thì gặp phải ngày mưa gió, gió mạnh đến độ những chiếc xe buýt 50 chỗ không ngớt lúc la lúc lắc, xe đạp bị thổi văng ra khỏi nhà xe. Và Phú Sĩ bế quan tạ khách vì sợ tuyết lở. Hôm sau, đi Osaka đón hoa đào nở, thì vườn đào ở lâu đài Osaka mới nở một vài bông có thể đếm trên đầu ngón tay. Đúng là vô duyên khi mà chuyến đi được tư vấn tới tư vấn lui với nhiều người được cho là am hiểu xứ Phù Tang.

 

Còn may một chút duyên này

Osaka ngoài kỳ quan sân bay Quan Tây (Kansai) do KTS Nhật trứ danh Renzo Piano thiết kế, còn có món thịt bò Kobe nấu theo kiểu teppanyaki – một kiểu beefsteak của người Nhật. Cũng may sau hai cái mất kia còn hai cái được vừa nói. Một buổi tối trong cái lạnh 9 độ C ở Osaka, chúng tôi có dịp kỳ ngộ món bò Kobe teppanyaki tại nhà hàng Rio Teppanyaki trên tầng 7 khách sạn Dai-ichi, rồi sau về lại Việt Nam qua ngả sân bay Quan Tây.

Thịt bò Kobe nổi tiếng thế giới với nhiều huyền thoại, đặc biệt là huyền thoại gần đây nhất khi các đại gia đổ xô đi ăn phở bò Kobe ở Hà Nội với giá cả triệu một tô. Không may lại ăn nhầm bò Kobe nghe nói là hàng xách tay. Mà hàng xách tay thì không mảy may “cầu chứng tại toà”. Bò Kobe vốn dòng Wagyu (hoà ngưu – bò Nhật) – đó là một chủng bò đen với mỡ nạc đều nhau và cho chất béo không bão hoà tỷ lệ cao. Bò được nuôi ở hạt Hyogo trên đảo Honshu theo một truyền thống nghiêm ngặt. Kobe là thủ phủ của hạt Hyogo, nên người ta gọi là thịt bò Kobe.

Giống bò này được du nhập vào Nhật vào thế kỷ thứ 2 như là bò cày ruộng. Do nhu cầu tiêu thụ thịt bò ngày càng cao nên nông dân bắt đầu thuê người mátxa hai bên lưng bò để nâng cao chất lượng thịt. Do địa hình núi non của các đảo ở Nhật tạo ra những vùng chăn nuôi biệt lập, và đàn gia súc các vùng biệt lập cho thịt khác nhau; nhờ bí quyết chăn nuôi riêng và đàn gia súc không lai tạp, trên những vùng đất chật hẹp, đã giúp cho đàn bò ở Hyogo trở thành thượng phẩm nhờ mỡ nạc đều nhau (chắc là không có chất tạo nạc “được dùng cho người mà không được dùng cho thú” như ở xứ ta) và tỷ lệ béo không bão hoà cao so với béo bão hoà. Điểm sôi của mỡ bò Kobe thấp hơn mỡ bò thường, theo báo cáo của văn phòng thị trấn Shin-Onsen.

Và người Nhật – hiệp hội Tiếp thị và chiêu thị phân phối thịt bò Kobe – đã đăng ký quyền sở hữu thương hiệu này. Thịt bò được gọi là bò Kobe phải hội đủ các điều kiện: (1) giống bò Tajima sinh sản tại hạt Hyogo, (2) trang trại chăn nuôi nằm ở hạt Hyogo, (3) phải là bò thiến để thuần chủng, (4) chế biến tại các lò giết mổ ở Kobe, Nishinomiya, Sanda, Kakogawa và Himeji ở hạt Hyogo, (5) tỷ lệ mỡ nạc (gọi là BMS), phải từ 6 trở lên, (6) điểm chất lượng thịt là 4 hoặc 5, (7) trọng lượng hơi của mỗi con bò là 470kg trở xuống.

Ăn bằng mắt mũi và miệng

an-thit-bo-kobe-o-osaka-02

Một trong những điều kiện bắt buộc của thịt bò Kobe là tiêu chuẩn nạc mỡ đều nhau.

Và khi bạn đã an vị trên một cái bàn ăn đặc biệt ở nhà Rio Teppanyaki, bạn sẽ được tận mắt nhìn những khổ thịt bò xắt dày đến hai phân và màn trình diễn nướng thịt bò kiểu teppanyaki ngay trước mắt, trên cái phần bàn trước mặt bạn. Mặt bàn trong tiệm bằng inox, và bên dưới phần bàn trước mặt bạn có gắn lò gas.

Hoả quân sẽ ra ngay bàn, thoa dầu và gia vị lên mặt bàn, nướng vừa chín hai mặt miếng thịt cỡ bàn tay người lớn, rồi xắt bò theo từng thỏi dài bằng chiều ngang miếng thịt và dày hai phân. Sau đó các “thanh” thịt bò này được nướng áp “mặt bàn” (thay vì áp chảo) cho chín đều bốn mặt, xắt thành những thỏi thịt bò còn chừng 20x20x40mm. Rồi một lớp rượu được tưới lên thịt và châm lửa cháy bùng lên.

Sau khi qua tắm lửa, thịt được hoả quân dọn ra dĩa cho từng thực khách trên bàn. Như thế là bạn được thưởng thức bò Kobe từ lúc nướng cho đến lúc ăn, mùi vị và hình ảnh không bị nhà hàng tước đoạt đi như ở những nơi khác.

Miếng thịt bò vốn đã thơm, ngọt và mềm không cần đến ba cái thứ phụ tùng “shiseido” như một vài vị khách đi cùng tôi hôm đó, chỉ có vị tỏi. Nhiều người ăn lần đầu tiên, phải ồ lên vì cái mềm mà không nhão của thịt. Đó không phải là cái mềm của thịt bê như ở quán phở bò gần cầu xe lửa ở Hà Nội, như quán bò Minh ở Sài Gòn.

Có người nói quá: “Miếng thịt bò như muốn tan trong miệng”. Kỳ thực cái mềm của bò Kobe khó tả bằng lời chỉ có thể cảm nghiệm bằng lưỡi. Món salad đi với bò cũng phải thuộc hàng khanh tướng thì mới không lâm cảnh cây quế giữa rừng và thằng mán thằng mường. Đặc biệt ở Rio, ăn chung với thịt còn có một loại củ đặc trưng của Nhật xắt mỏng thành từng miếng dày chừng một phân, cũng được nướng lên như bò. Loại củ này nếu họ không nói là củ thì sẽ ngỡ là một thứ thịt gì đó vừa dai dai cắn sần sật, màu đỏ đậm hơn thịt bò Kobe.

Đó là cuộc hữu duyên thiên lý tương ngộ Kobe hoà ngưu.

Theo Ngữ Yên – Báo SGTT – Ngày 24/04/2012

Tags: Du lịch Châu Á, Tour du lịch Châu Á, Vòng quanh Châu Á, Tư vấn du lịch Châu Á, Ý kiến khách hàng về du lịch Châu Á