Ngoài việc tuân theo các khuyến cáo chung của các tổ chức y tế như trang bị khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế đến nơi đông người… chuyện ăn uống cũng góp phần quan trọng không kém trong các phương thức “tự bảo vệ” trước đại dịch này.

Theo tiến sĩ Nick Phin, chuyên gia đứng đầu trong công tác phòng chống cúm A/H1N1 của Cơ quan Bảo vệ sức khỏe Mỹ (Health Protection Agency) thì một chế độ ăn uống cân bằng với thực phẩm giàu dưỡng chất và uống nhiều nước là cách duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Nhiều loại thực phẩm có khả năng bảo vệ và tăng cường hệ miễn dịch cũng được xem là hiệu quả bảo vệ trước đại dịch cúm A/H1N1.

Vitamin C

Vitamin C là một trong những “chuyên gia” ngăn ngừa cúm vì có tác dụng quan trọng trong quá trình hình thành các mô liên kết ở da, giúp da khỏe mạnh, nâng cao khả năng miễn dịch cho toàn cơ thể. Tuy nhiên, loại vitamin này không thể tự dự trữ trong cơ thể nên cần được bổ sung thường xuyên bằng cách ăn nhiều trái cây, rau củ như cà chua, bắp cải, bông cải, cải xanh, cải bó xôi.

Bí ngô, khoai lang, cà rốt rất giàu beta caroten, giúp tăng cường miễn dịch. Khoai lang còn nâng cao sức đề kháng cho da, được xem như bức rèm đầu tiên cản trở sự xâm nhập của vi khuẩn, mầm bệnh vào cơ thể. Trái kiwi có lượng vitamin C cao vượt trội, kế đến là cam, chanh, bưởi, táo, nho, dâu, quả mọng, nam việt quất… Nên dùng dầu dừa, dầu cọ hoặc dầu ôliu nguyên chất để chế biến thức ăn thay cho các loại dầu khác.

Thịt bò

Thiếu sắt và kẽm dẫn đến một loạt các “lỗi” trong hệ thống miễn dịch chức năng, thường được ví von như là thiếu khóa an toàn và mở cửa ngõ cho virus, vi khuẩn xâm nhập vào. Thiếu kẽm còn làm tăng nguy cơ cơ thể bị nhiễm lạnh và khi đó các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan hơn.

Thịt bò giàu kẽm và sắt, giúp thúc đẩy quá trình sản sinh bạch cầu trong máu và tăng cường miễn dịch, có tác dụng kháng lại vi khuẩn có hại xâm nhập vào cơ thể. Kẽm, sắt còn có thể tìm thấy trong trứng, hải sản (đặc biệt là cua, hàu, cá sardine) và bí đỏ. Riêng cá hồi chứa nhiều omega-3, giúp máu sản sinh ra các tế bào chống cảm cúm. Cá còn chứa nhiều nguyên tố selen (Se) có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch cho cơ thể.

Tỏi

Tỏi có tác dụng rất tích cực đến hệ miễn dịch do giàu phytonutrient, garlicin và selen, giúp cơ thể chống lại bệnh tật, nhất là cảm cúm. Cách tốt nhất là ăn tỏi tươi. Củ hành cũng được khuyến khích dùng, dù công dụng không bằng tỏi nhưng thành phần flavonoid có trong hành có thể kết hợp tốt với vitamin C để giúp diệt sinh vật có hại.

Trà

Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy nước trà xanh và trà đen đều có thể để tăng cường khả năng phòng cúm vì giàu vitamin C và có nồng độ interferon và polyphenol cao (một hợp chất chống oxy hóa rất tốt). Những chất này đặc biệt có tác dụng trong phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, cảm cúm và các bệnh liên quan đến phổi.

Thưởng thức một tách trà nóng cũng là cách để thư giãn và giảm nhịp độ hoạt động của cơ thể, hay nói cách khác là giúp con người giảm stress và sống chậm lại. Đây cũng là điều rất cần thiết để tăng cường hệ thống miễn dịch một cách tự nhiên nhất. Có khuyến cáo nên thay thế cà phê bằng trà xanh, trà đen hoặc trà thảo dược để phòng cúm.

Nấm

Ngoài giá trị dinh dưỡng phong phú, nấm còn có thể giúp nâng cao khả năng miễn dịch vì giúp đẩy nhanh quá trình sinh sản và hoạt động của bạch cầu. Có nhiều cách để chế biến nấm như nấu, hầm, xào, hấp, nướng… cùng với các loại rau, mực, thịt gà, thịt heo.

Khổ qua

Thông thường, những thực phẩm có vị đắng đều ít nhiều có tác dụng giải độc mà khổ qua là một loại quả có chức năng này nhiều nhất. Ngoài khả năng giải trừ một số độc tố, tiêu nhiệt trong cơ thể, làm sáng mắt và phòng ngừa ung thư, khổ qua còn tác động tích cực đến hệ miễn dịch, kích thích chúng phòng ngự tốt hơn trước sự xâm nhập của các loại virus, vi khuẩn.

Nước

Uống nước nhiều giúp cơ thể lọc và bài tiết các chất độc, giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Nên uống đủ nước hàng ngày để cơ thể luôn khỏe mạnh và tươi trẻ. Có thể cho thêm một vài giọt nước cốt chanh tươi vào nước để tăng cường tác dụng chống cúm. Tránh uống nước quá lạnh để ngăn ngừa bệnh viêm họng, giảm khả năng miễn dịch của đường hô hấp.

Sữa chua

Quá trình lên men giúp sữa chua có chứa nhiều vi khuẩn có lợi, vừa bảo vệ đường ruột, vừa ngăn ngừa sản sinh ra các loại vi nấm có hại cho cơ thể. Nhiều loại sữa chua còn chứa khuẩn sữa (vi khuẩn axit lactic) có tác dụng tốt trong quá trình tạo bạch cầu trong máu. Tốt nhất là nên dùng các loại sữa chua không đường (kefir – là loại sữa chua mà người Nga đã sử dụng từ xưa, có nhiều lợi ích cho hệ miễn dịch).

Đường

Nên giảm lượng đường đưa vào cơ thể, đặc biệt là đường mía và đường củ cải vì đó là loại đường dễ hấp thu. Nếu không được giải phóng nhanh, nó sẽ tồn tại trong máu và kiềm chế hoạt động của các tế bào bạch cầu. Điều này hoàn toàn không có lợi trong việc phòng tránh bệnh cúm.

Theo HẢI YẾN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần