-Kịch bản PHAN TRƯỜNG GIANG

-Đạo diễn HỒ THANH TUẤN

-Quay phim NGUYỄN HỮU TUẤN
Phát sóng vào lúc 21 giờ, thứ hai, ngày 01 tháng 02-2010 và phát lại vào lúc 9 giờ 50, thứ năm, ngày 04-02-2010 trên kênh VTV9

“Ba năm sau khi đứa em gái út qua đời vì bệnh AIDS, vợ tôi thấy trong người có nhiều triệu chứng khác lạ… Cầm kết quả xét nghiệm của bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, cả nhà rụng rời tay chân: vợ tôi bị AIDS thời kỳ cuối. Trong lúc vợ đang nằm liệt giường, đến tôi tiếp tục nhận bản án tử của căn bệnh thế kỷ”.

anh-phai-song
Anh Lâm bên bàn thờ vợ

Giọng nói không buồn, không vui của anh cứ đều đều. Không buồn, có lẽ là vì nỗi buồn ấy đã chôn theo người vợ hiền vắn số. Chỉ thấy trên khuôn mặt rám nắng của người đàn ông ốm yếu bốn mươi mốt tuổi đời là đôi mắt rực sáng đầy nghị lực.

Cái chết báo trước

Anh nhớ lại buổi sáng hôm ấy, chị Thuý vợ anh – trong cơn hấp hối cố thu hết sức tàn đưa bàn tay gầy guộc rờ rẫm khuôn mặt ngơ ngác của hai đứa trẻ… Rồi chị đưa mắt nhìn anh. Trong đôi mắt mờ tối không còn sự sống ấy bỗng vụt lên một tia sáng le lói, như muốn nói: “Anh ơi, anh phải sống! Vì con…” Đó là một ngày của tháng 9.2007, lúc đó thằng bé Trúc được 11 tuổi còn bé Ly mới lên sáu.

Năm 26 tuổi, chàng trai Lê Trúc Lâm của xứ Bạc Liêu rời quê theo chân một đội xây dựng công trình, mong kiếm tiền nuôi mẹ và dành dụm một số vốn chờ cơ hội lập nghiệp. Cuộc sống lang bạt của người thợ hồ đưa anh đến xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Đất cũ đãi người mới – ba năm sau anh cưới được người vợ xinh đẹp, chịu thương chịu khó, công nhân của một hãng giày da ở trong vùng. Kết quả của những tháng ngày hạnh phúc là hai đứa trẻ lần lượt chào đời.

Sự hiện diện của hai thành viên mới trong gia đình tất nhiên kéo thêm những lo toan cơm áo. Hết công việc ban ngày của thợ hồ, anh bắt đầu cuộc mưu sinh về đêm bằng những cuốc ba gác chạy thuê. Rồi một tai nạn xảy đến làm đảo lộn cuộc sống của tổ ấm vừa mới nhen nhóm. Đó là năm 2002, khi chiếc ba gác của anh đang đổ dốc cầu thì một chiếc Honda từ phía sau chạy ào tới, kéo cả anh lẫn xe đổ chổng kềnh. Sau khi gây tai nạn, người kia bỏ chạy luôn, để lại anh trên đường với cái chân gãy. Mười tám tháng điều trị, dưỡng thương là những ngày dài lê thê, lại tốn kém viện phí, tiền thuốc men, ăn uống… trong khi mười tám tháng không lao động của anh là ba phần tư thu nhập của cả gia đình trong ngần ấy thời gian bị mất trắng. Mọi công việc từ trong tới ngoài đều do một tay chị Thuý lo liệu… Đến khi anh bình phục, cầm được chiếc bay leo lên giàn giáo cũng là lúc các món nợ bắt đầu vây bủa. Vậy là phải đành lòng bán căn nhà nhỏ để trang trải nợ nần, rồi vợ chồng con cái dọn đến căn nhà thuê.

Anh tiếp tục câu chuyện đời mình bằng giọng đắng chát: “Lúc tôi trở lại công việc được vài tháng thì cô em gái út của vợ tôi được bệnh viện trả về nhà – cổ bị AIDS giai đoạn cuối. Cha mẹ thì đã quá già. Vậy là vợ tôi mỗi khi hết ca làm phải trở về túc trực bên giường bệnh để săn sóc cho cổ. Rồi cô út chết, bỏ lại một đứa con nhỏ. Sau đó không bao lâu, vợ tôi bỗng ngã bệnh, một thứ bệnh kỳ lạ gây sốt liên miên, người xanh rớt như tàu lá chuối và sụt cân nhanh chóng. Khi đưa cô ấy đi xét nghiệm, thì đã quá muộn! Trong thời gian săn sóc vợ, tôi bỗng cảm thấy lo lo. Nếu lỡ mình có bề gì… Mà đúng như thế thật, anh ạ…” Anh nói nhiều đêm ngắm nhìn gương mặt ngây thơ của bọn trẻ đang say ngủ mà trái tim anh tuồng như có bàn tay ai thò vào bóp nghẹt. Chúng còn quá nhỏ dại…

Cuộc chiến của người cha

Lo xong việc hậu sự cho vợ, rồi cũng đến lúc anh bình tâm để đối mặt với thực tại. Điều trước tiên là dù bất cứ giá nào thì bé Trúc và bé Ly cũng không thể bỏ dở việc học hành. Kế đến là cái ăn, cái mặc, là cuộc sống của ba cha con anh. Và vì thế anh phải sống – có nghĩa là phải chiến đấu với số phận, với căn bệnh hiểm nghèo để thực hiện lời gởi gắm dặn dò của người vợ hiền lúc lâm chung.

Sợ mình sẽ lây bệnh cho các đồng nghiệp, anh thôi làm thợ hồ rồi vay mượn sắm chiếc xe ba gác tự chế. Hành nghề không bến, nhưng anh tìm được một mối chở hàng mỗi tuần ba buổi từ xã đến Chợ Lớn, trừ tiền xăng nhớt còn lời được khoảng 80 ngàn/chuyến. Còn lúc xe đậu ở nhà, hễ có mối gọi là đi, bất kể giờ giấc. Ở cái khoảng sân nhỏ trước hiên nhà, anh cho thằng em kết nghĩa cùng xóm mượn làm chỗ sửa xe gắn máy. Lúc nào anh trống việc, đứa em nhường việc vá xe để anh kiếm thêm chút đỉnh. Tại đây còn thấy có một “cây xăng con” – anh Lâm giải thích: của một người khác đến đặt. Dịp hè này bé Ly “giành” đứng bán để tự kiếm tiền mua tập, viết. Cứ bán được 1 lít, chủ cho 500 đồng.

Anh nói làm quần quật bất kể ngày đêm, nhưng thu nhập mỗi tháng cũng chỉ xấp xỉ hai triệu đồng, không đủ chi phí ăn ở, học hành cho hai đứa nhỏ. Chỉ riêng tiền thuê nhà, mỗi tháng đã mất đứt 600 ngàn. Từ lúc gia đình anh gặp chuyện buồn, người chủ cảm thông bớt cho 100 ngàn. “Mặc dù vậy, tôi cũng cảm thấy được an ủi rất nhiều bởi cả hai đứa nhỏ đều chăm ngoan, học tốt, nhất là bé Ly. Năm lớp hai, Ly đạt hạng giỏi. Năm lớp ba rớt xuống còn tiên tiến, nó buồn lắm và hứa với tôi năm lớp bốn sẽ lấy cái giấy hạng giỏi để ba mẹ vui”. Hàng xóm khen vợ chồng anh Lâm sinh được những đứa con có hiếu. Năm trước, hai anh em Trúc – Ly thương cha cực khổ, chúng nó rủ nhau lãnh se nhang để đỡ đần giúp cha. Anh biết được và bắt chúng thôi ngay để chú tâm vào việc học hành. Mắng con, nhưng anh rơi nước mắt!

Đang giữa câu chuyện thì bé Ly ngồi nép sau lưng cha tíu tít khoe: “Anh hai mới cho con con “heo” đất Đôrêmon dễ thương lắm, con bỏ ống được bảy ngàn rồi… Tới tết con đi chợ mua đôi giày để đi chơi…” Khuôn mặt hồn nhiên, trong trẻo của đứa trẻ dễ khiến người ta chạnh lòng.

Anh vẫn đang ngồi đó, trong căn nhà chật chội, cũ nát và đầy bóng tối.

bài và ảnh: Phan Trường Giang ( Theo dac danh )