Ông Bảng “hói” luôn tỉ mẩn chăm chút từng chút một cho đôi giày của khách.
Khi chúng tôi tìm đến góc ngồi quen thuộc của ông Đinh Văn Bảng trước toà nhà của trung tâm Văn hoá Pháp thì ông đang có khách đánh giày. Khách là một người đàn ông ngoại ngũ tuần đang ngồi chờ Bảng “hói” chăm sóc đôi giày cho mình. Chủ tỉ mẩn từng chút một với đủ các loại bàn chải cho từng công đoạn. Thỉnh thoảng khách và người đánh giày lại cà kê dăm ba câu chuyện về thời cuộc như hai người bạn vong niên. Vị khách cho hay mình là khách hàng của ông Bảng đã hơn 20 năm, thay không biết bao nhiêu đôi giày, từ khi còn thanh niên, đến nay con trai chuẩn bị cưới vợ. Và đã thành thói quen, dù thay đổi chỗ làm xa hay gần khu phố này thì ông vẫn cứ tranh thủ tan làm chạy đến chỗ Bảng “hói” đánh giày.
Ký ức những ngày niên thiếu
Ông Bảng kể mình quê ở Hà Nam nhưng ra Hà Nội từ năm 12 tuổi. Cha mẹ chết sớm nên ông lang thang lên đây kiếm sống. Không chỗ dung thân, ông phải đi xin ăn và nằm ngủ ở nhà kèn của vườn hoa Chí Linh. Có những hôm không xin được gì, trời lại lạnh, ông nằm run cầm cập giữa vườn hoa. Rồi ông gặp đại ca Minh, đại ca cho ăn rồi mua cho hộp đánh giày và ông chính thức nhập vào đội quân đánh giày từ đó.
Ông còn nhớ lúc đó thực dân Pháp đang chiếm đóng và Tràng Tiền là khu phố Tây. Ông chạy dọc theo khu Tràng Tiền, ghé từng tiệm càphê chào mời. Khách của ông chủ yếu là người Pháp. Có đủ kiểu khách hàng, có người, ngoài tiền công ba đồng bạc Đông Dương cho một đôi giày thì có người còn “bo” thêm mười đồng, rồi thỉnh thoảng còn gọi cho cốc càphê, cái bánh mì. Nhưng cũng có kẻ đã quỵt tiền lại còn đá đít ông mấy cái. Ức lắm nhưng đành chịu. Cứ 5 giờ chiều, đại ca Minh lượn chiếc xe Mobylette đến vườn hoa Chí Linh thu tiền. Mỗi ngày ông phải nộp 30 đồng trừ ngày thứ hai được miễn. Hôm nào không đủ thì phải nhịn ăn để trả hoặc xin nợ lại hôm sau trả bù. Nếu đứa nào liên tiếp mấy ngày không có đủ thì thế nào cũng bị đánh.
Rồi Cách mạng tháng tám thành công, Hà Nội cờ hoa rợp trời và tưng bừng míttinh. Cứ tưởng Pháp sẽ rút hết nhưng chỉ một thời gian sau, khu Tràng Tiền vẫn đầy người Tây và khách của ông cũng không thay đổi mấy. Ông vẫn tiếp tục đánh giày trên con phố đó. Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, Hà Nội lúc đó mới thực sự thay đổi và hỗn độn. Từng đoàn xe chở lính và thương binh rút khỏi thủ đô xuống Hải Phòng. Nhiều người khách quen chạy ngang qua thấy ông đứng trên vỉa hè còn giơ tay vẫy. Sống ở khu phố Tây nên ông cũng võ vẽ được vài câu tiếng Pháp, đủ để giao tiếp. Ở Hà Nội không còn khách, ông theo Tây xuống Hải Phòng tiếp tục hành nghề. Sáu tháng ở đó ông chứng kiến một xã hội hỗn độn với đủ mọi tệ nạn từ trộm cắp, cướp giật đến đĩ điếm. Ông ở Hải Phòng cho đến khi Pháp rút hết ông mới rời khỏi đó và đi thanh niên xung phong làm đường sắt Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thanh Hoá. Trở về, ông ra Hải Phòng bốc vác một thời gian rồi về quê ở Hà Nam làm ruộng, lập gia đình và sinh con. Năm 1972, cuộc sống quá khó khăn, ông quyết định lên Hà Nội kiếm sống và trở lại với nghề đánh giày tại khu phố Tràng Tiền.
Uy tín làm nên thương hiệu
Hai mươi năm trở lại, con phố Tràng Tiền đã có nhiều thay đổi. Những toà nhà cũ vẫn còn đó nhưng đã đổi chủ. Khách của ông giờ không còn người Tây nữa mà chủ yếu là người Việt. Cuộc sống lúc đó khó khăn nên khách không nhiều, và người ta cũng không “bo” như người Việt nhưng dù là ai thì ông vẫn chăm sóc rất tận tình chu đáo. Mỗi đôi giày ông luôn đánh cẩn thận, chăm chút kỹ từng khâu. Loại xi ông dùng luôn là loại tốt chứ không vì lợi nhuận mà dùng loại kém chất lượng.
Ông trở thành một người thợ đánh giày nổi tiếng đến nỗi khách tự tìm đến ông chứ ông không phải đi mời khách. Có những người từ xa cũng tìm đến và mỗi lần mang đến cả chục đôi giày rồi hẹn ngày quay lại lấy. Khách không chỉ đánh giày mà còn nhờ ông đánh áo da và túi xách. Có nhiều người đã là khách hàng của ông mấy chục năm nay, hôm nào đến, không thấy ông thì về hôm sau quay lại chứ không muốn đánh giày ở chỗ khác.
Lúc đầu, ông còn ngồi trước khách sạn Dân Chủ nhưng ở đó quá đông người đánh giày nên thường xuyên chào mời, chèo kéo khiến ông không thích nên ông chuyển sang ngồi đối diện bên kia đường rồi sau đó lại chuyển qua toà nhà số 24 Tràng Tiền lúc đó còn là một nhà in. Và 15 năm nay, ông chỉ ngồi một góc đó, từng ngày nhìn thấy sự thay đổi của xã hội từ lúc còn bao cấp cho đến khi đổi mới, mở cửa giao thương với nước ngoài. Khách của ông không chỉ là người Việt mà xuất hiện thêm nhiều người nước ngoài. Ngay chính ông người Pháp, giám đốc trung tâm này giờ cũng là khách ruột của ông và thỉnh thoảng rảnh rỗi cũng ra nói dăm ba câu chuyện với ông và cho ông được vào trong rửa mặt mũi chân tay cũng như cho ông chỗ trú những lúc trời mưa. Ông bảo dấu ấn của mở cửa cho nước ngoài nhìn rõ nhất chính là hàng sấu của khu phố này. Chỉ cây sấu trước mặt mình, ông bảo nó được trồng từ năm 1997, nhân có hội nghị thượng đỉnh các quốc gia nói tiếng Pháp lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.
Đã có biết bao sự thay đổi, những người khách của ông nhiều người tóc đã bạc, nhiều người không bao giờ còn quay lại đánh giày nữa. Và bản thân ông giờ đây cũng đã già. Sắp bước sang tuổi 80, ông thấy mình đã già cần phải trở về quê nghỉ ngơi an dưỡng. Con gái ở Buôn Ma Thuột từng tha thiết mời bố vào chơi nhưng ở đó được ba tháng, nhớ nghề quá không chịu nổi ông lại đòi ra và trở lại khu phố Tràng Tiền… Ông bảo bây giờ vấn đề mưu sinh không quan trọng nữa nhưng cái nghề đã vận vào thân, gắn bó với khu phố này bấy lâu nay, ông thực sự không muốn rời xa. Có lẽ, đến lúc mắt đã mờ, chân không bước nổi nữa, lúc đó ông mới trở về quê sống nốt những ngày cuối đời, giã từ công việc đã gắn bó suốt hơn 60 năm qua.
bài và ảnh Hà Dịu
Theo SGTT (Lối sống) – Ngày 26-9-2010