
Tan hoang những mỏ khai thác khoáng sản…? Ảnh: internet
Khai thác tài nguyên thiên nhiên là một trong những hoạt động kinh tế góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội và tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, điều này cũng để lại hậu quả cho môi trường, đó là sự biến đổi cảnh quan sau khai thác khoáng sản; gây ô nhiễm không khí, nguồn nước; làm mất đa dạng sinh học; tàn phá rừng; sa mạc hóa đất đai; gây bồi lấp, sụt lún, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử…
Thực tế khi khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, môi trường 1 thì những tác động, ảnh hưởng của nó có thể tới 10, hoặc nhiều lần. Ví dụ khai thác thu được 1m3 đá, sẽ mất nhiều thứ khác như môi trường cảnh quan bị biến dạng; khói bụi, giao thông bị lún sụt, thậm chí là an ninh trật tự và tai nạn lao động.
Thực hiện việc lập dự án cải tạo và ký quỹ phục hồi môi trường là một công cụ quản lý và công cụ kinh tế cần thiết trong quản lý tài nguyên môi trường. Việc làm này cũng là cách thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường ngay sau khi khai thác của các tổ chức, cá nhân bỏ ra 1 phần trong trăm phần lợi nhuận từ tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, môi trường mà họ được hưởng.
Theo Quyết định 71/2008/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ mọi tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản trước khi tiến hành khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường tại Quỹ bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, với việc phân cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản và tình trạng khai thác khoáng sản hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường, ký quỹ phục hồi, hoàn thổ hiện trạng và bảo vệ môi trường.
Không ít doanh nghiệp trốn tránh hoặc chậm thực hiện việc ký quỹ. Lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác khoáng sản khá lớn, trong khi đó nhà nước và địa phương nơi có mỏ khoáng sản phải hứng chụi những hậu quả nghiệm trọng về môi trường.
Số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tăng trung bình hơn 21%/năm, đồng nghĩa với việc tăng nhanh lượng giấy phép được cấp. Hiện nay có trên 5000 điểm mỏ với hơn 60 loại khoáng sản khác nhau, và theo sau đó là môi trường, cảnh quan, cân bằng sinh thái của 5000 vùng đất hoặc hơn thế sẽ, đang và đã bị tàn phá nghiêm trọng.
Với số lượng mỏ trên, nếu thực hiện đúng và đủ các quy định tại Quyết định 71/2008/QĐ-TTg thì không lo về kinh phí để thực hiện việc phục hồi những tổn hại môi trường sau và trong quá trình khai thác khoáng sản, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động sản xuất, kinh tế diễn ra.
LT_Theo www.tamnhin.net – ngày 17/05/2011