Người ta gọi Hòn Tre (thuộc tỉnh Kiên Giang) là “quần đảo hải tặc” bởi đây từng là nơi trú ẩn của những toán cướp biển vang danh. Chúng tôi phải vượt chuyến đò ba giờ đồng hồ từ thị xã Hà Tiên, qua vô số đảo nhỏ với muôn trùng sóng biển, chống chọi lại cơn say sóng ngất ngư mới đến được nơi đây.
Đón khách là những ngư dân hồn hậu và trẻ con làng chài với ánh mắt lạ lẫm. Bởi, ở một nơi hoang vắng, bị cô lập giữa trùng khơi, thiếu nước ngọt và điện để sinh hoạt như Hòn Tre thì khách phương xa tới thăm là chuyện khá hiếm hoi
Chuyện học trên đảo xa
Những ngư dân thật thà trả lời khi chúng tôi hỏi thăm chuyện học của trẻ con trên đảo: “Ở đây chỉ có trường cấp một, chúng tôi chỉ cho con học hết lớp 5 cho biết chữ chứ chưa nghĩ đến chuyện đưa chúng ra thị xã Hà Tiên học tiếp. Xa xôi cách trở quá, có trường lớp học là may rồi. Hồi trước, không có trường, không có thầy cô ra đảo dạy, có ai được đi học đâu…”
Theo lời một ngư dân lớn tuổi, “hồi trước” Hòn Tre hoang sơ lắm. Trẻ con lớn lên, đủ cứng cáp thì theo cha mẹ đi ghe cào, đi câu mực, chưa ai nghĩ đến việc tìm trường cho con. Rồi dần dà, một ngôi trường với hai phòng học bằng mê bồ, vách nứa được cất lên giữa đảo, thầy cô lần lượt được đưa về. Giáo viên đến đây, người ở lại thì ít, người trở lại đất liền thì nhiều bởi không chịu được sự buồn tẻ. Trẻ con học “bữa đực bữa cái” theo những chuyến đi biển của mẹ cha, học chỉ để biết mặt chữ. Xa xôi hẻo lánh là vậy, khó khăn thiếu thốn và buồn tẻ là vậy nhưng đã có những thầy cô từ đất liền ra đây, trải qua những cơn cuồng nộ của đất trời, vượt qua những thử thách sinh tử vẫn quyết tâm không rời đảo.
“Ông bố già”
Hơn 20 năm qua hòn đảo này đã in dấu chân của một người thầy có vóc dáng hao gầy. Hàng tháng, thầy Đỗ Hồng Lộc cùng với vợ mình là cô giáo Vũ Thị Loan, vượt chuyến đò từ thị xã Hà Tiên ra đảo, rồi thêm một lần đò nữa để đến dạy ở các điểm trường nhỏ hơn trên Hòn Đước, Hòn Giang… Lần này, đò là những chiếc ghe câu nhỏ xíu. Trên những hòn đảo nhỏ này, điểm trường chỉ có một phòng học, thầy và cô chia nhau ra để dạy: thầy đảm trách lớp một, hai và ba vào buổi sáng, cô Loan chịu trách nhiệm lớp tư và lớp năm, buổi chiều.
Học trò xứ này trìu mến gọi thầy là “bố già”. Mỗi chiều đầu tháng, chúng tíu tít ra bến thuyền, chờ đợi bóng những chiếc thuyền con vượt sóng dữ, đem thầy cô về với chúng. Quà cho thầy cô là những con cá khô mà ba mẹ chúng kiếm được trong những lần đánh bắt xa nhà. Gắn bó với những hòn đảo này, chưa bao giờ có ý định bỏ các em học sinh, về dạy tại đất liền, vậy mà có lúc, thầy đã chuẩn bị tinh thần để xa các em mãi mãi. Đó là khi thầy đột ngột trải qua cơn thập tử nhất sinh…
Khi nhập viện, các bác sĩ khuyên cô nên đưa thầy về quê lo hậu sự, bởi chi phí mổ cho chứng tràn khí màng phổi đã vào giai đoạn nghiêm trọng là rất cao mà khả năng sống không nhiều.
Không đành lòng nhìn thầy ra đi, cô Loan chạy vạy vay tiền khắp nơi, cầm cố căn nhà ở thị xã Hà Tiên, cầm luôn chiếc xe gắn máy. Họ cũng gạt nước mắt, mang chiếc thẻ sinh viên của cô con gái đi cầm để có thêm ít tiền phẫu thuật cho thầy. May mắn sao, thầy có thể gượng dậy. Gần 300 chai nước biển được truyền vào người giúp thầy khoẻ hơn một chút dù không còn lao động nặng được. Đã rất nhiều người khuyên thầy trở về đất liền để có điều kiện sống tốt hơn, bác sĩ cũng khuyên thầy ngừng công việc dạy học để chuẩn bị sức khoẻ cho lần mổ thứ hai sắp đến. Thế nhưng, ngay khi vừa có thể đi lại được, thầy đã vội vàng xin trở lại trường, xin ra đảo. Bởi thầy biết, nếu không có thầy, không có các thầy cô đến từ đất liền, đám trẻ con trên đảo sẽ trở thành những ngư dân mù chữ!
Hòn Tre mùa biển động
Chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến cuộc sống của các thầy cô trong khu nhà tập thể trên đảo. Đó là những căn phòng nhỏ và thấp được ngăn bởi những tấm tôn, không nằm trong khu vực dân cư với những bữa cơm đạm bạc, giản đơn. Mới 20h, mọi sinh hoạt trên đảo dường như ngừng lại, hòn đảo vắng lặng lạ thường, các thầy cô lặng lẽ soạn bài dưới ánh đèn yếu ớt.
Thầy Lộc kể cho chúng tôi một tin vui: Nhiều năm qua, không ít học sinh trên đảo đã vào được đại học và giữ nhiều trọng trách trong xã hội. Có lẽ đó là điều lớn lao, giữ chân những người thầy ở lại với biển đảo mênh mông, đem những con chữ vượt trùng khơi, dạy đám học trò dám ước mơ, dám hy vọng!
Hòn Tre mùa này biển động nhưng bóng con thuyền nhỏ đưa các thầy cô ra đảo vẫn đều đặn cập bờ, mặc sóng to gió lớn.