Mỗi lần về quê tôi lại theo mẹ lên rừng tìm lá chua. Lúc nào mẹ cũng để ra hai cuộn, một cuộn dùng đun cho cả nhà gội đầu còn cuộn kia dành nấu canh cá – món ăn mà tôi thích nhất. Lá chua còn có tên gọi khác là lá nồm, thuộc thân leo, lá nhỏ, vị chua dịu và có nhựa.

canh ca la chua

Vào những ngày nóng nực, có bát canh cá nấu lá chua thật là tuyệt vời, vừa ngon vừa mát. Không chỉ cả nhà tôi thích mà trong bản nhà nào cũng ưa món ăn này. Vào mùa lũ, trẻ con ra ven suối xúc tép, người lớn thì thả lưới được những chú cá chép to bự. Cá nhỏ dành ướp muối hoặc phơi khô cho lên gác bếp để dành, còn cá to dùng nấu canh lá chua.

Có hàng chục cách để chế biến món cá như rán, luộc, nướng, chiên xù, hấp bia…, nhưng không hiểu sao người trong bản tôi chỉ thích nấu cùng lá chua, có lẽ hương vị ấy đã ăn sâu vào trong tâm thức, giản dị mà mộc mạc. Không phải qua những bước cầu kỳ nên món này không mất nhiều thời gian và rất dễ thực hiện. Học hết cấp I, tôi có thể tự nấu canh cá lá chua. Bà dạy tôi tuốt hết lá chua rồi rửa sạch, đợi khi lửa đượm hồng mới bắc chảo lên rán cá, khi cá chín vàng thì thả cá và lá chua cùng muối, hạt nêm vào nồi nước đun sôi. Khi vị thơm và chua của lá đằm lại trong cá và nước sánh vàng thì cho ra tô.

Lấy thìa múc ít nước canh lên đặt vào đầu lưỡi, miệng tôi tan ra bởi vị đặc trưng của lá chua, vị ngọt của cá chép. Bát canh nổi bật giữa chiếc mâm gỗ, cả nhà tôi vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon. Sau ngày làm việc vất vả trên nương về nhà, được sum họp cùng gia đình bên mâm cơm có bát canh cá lá chua thật là ấm áp.

Thật lạ giữa núi rừng có hàng ngàn loại cây nhưng chỉ có lá chua nấu với canh cá là ngon nhất. Đó là sự chọn lựa kết hợp hoàn hảo và khéo léo của ông bà từ thời xa xưa. Dẫu cuộc sống luôn đổi mới và ẩm thực ngày càng phong phú, nhưng tôi vẫn coi canh cá lá chua như một món ăn không thể thiếu. Nó đem lại cho tôi cảm giác về những kỷ niệm tuổi thơ và đặc biệt mang hương vị núi rừng, giúp tôi không để lạc mình giữa phố thị.

(nguồn: tuoitreonline)