Lễ hội thể hiện văn hóa và đạo đức
Trong những ngày đầu năm, nhiều công ty lữ hành tập trung tiếp thị các tour trảy hội mùa Xuân, đi lễ cầu may ở các đình, chùa nổi tiếng trong Nam, ngoài Bắc.
Chúng tôi tham gia một chuyến hành hương ra Bắc với tâm nguyện gặp đình thì vái, gặp chùa thì lễ nên chuyến đi kéo dài nhiều ngày trong không khí ấm áp của mùa Xuân.
Tôi thật sự xúc động, lắm lúc dường như đắm chìm trong mùi hương trầm phảng phất, say sưa ngắm những bụi cúc kim giản dị ở sân đền thờ An Dương Vương tọa lạc ở phía bắc thành phố Vinh, đền Bà Triệu ở Thanh Hóa. Người dân thường tự nguyện tham dự lễ dâng hương đầu năm ở các đền thờ này với tấm lòng thành kính.
Ghé đền Ghềnh thờ bà Lê Ngọc Hân (Mẫu Thoải), tôi cảm nhận đầy đủ về hành trình đi từ một nhân thần đến phúc thần rồi trở thành mẫu của công chúa Ngọc Hân. Lúc này trong tâm càng hiểu, lễ hội là một phần của văn hóa và đạo đức, thể hiện niềm tôn kính đối với các vị anh hùng dân tộc, với đức Phật và thánh thần.
Lễ hội cũng chính là nơi hội tụ sức sống của dân tộc, của văn hóa Việt từ ngàn đời truyền lại. Cái không khí lễ tiết tháng Giêng cũng rất đặc biệt, dường như nó tích tụ năng lượng xuất phát từ đức tin mà con người tiếp nhận được. Đó chính là nguyên nhân thúc đẩy hình thành lễ hội Xuân từ thủa xa xưa, rồi tồn tại qua hàng nghìn hay hàng trăm năm.
Lễ hội mùa Xuân tạo được ấn tượng nổi bật, những vùng quê thanh bình trở nên sống động, lòng người rạo rực, trước là tạ ơn đức nghiệp tổ tiên, sau là cầu cho năm mới gặp may.
Ý nghĩa thiêng liêng đó đã giữ cho lễ hội chùa Hương, Hội Lim, hội chùa Yên Tử thu hút được hàng vạn lượt người ngay trong chiến tranh giữ nước, và nhiều năm dài thiếu thốn của nền kinh tế bao cấp.
Một năm Việt Nam có hơn 8.000 lễ hội, và hai phần ba số lễ hội đó diễn ra vào tháng Giêng và tháng Hai. Quả là không đủ sức tham dự hết các cuộc vui Xuân.
Nhiều lễ hội còn giữ nguyên vẹn vẻ nghiêm trang, chất phác của ngày xưa. Có những lễ hội ở đền thờ ông Hoàng, một vị tướng Tây Sơn chết trận ở đất Nghệ An, là do người làng tự tổ chức.
Sân đền trở thành sân khấu cho các cuộc chơi cờ người, đấu vật. Giải thưởng cho đội thắng cuộc là cái đầu heo cúng đầu năm. Và chính ở đó, du khách được thả sức xem hội, tha hồ nguyện cầu, thả hồn ngắm cảnh hương sơn tươi đẹp, nếm thử mấy món dân dã bán ngay đầu sân đền. Có được những phút giây tịnh tâm, hồi tưởng về lịch sử, chuyến trảy hội đầu Xuân để lại trong tôi bao kỷ niệm đẹp.
Mặc cả với thần linh
Nếu mọi chuyện chỉ có thế, thì chuyến hành hương cũng đã trọn vẹn, nhưng đã ra đất Bắc thì du khách phải đi hội chùa Hương, Hội Lim, phải đi vay vốn làm ăn ở đền Bà Chúa Kho mới thỏa dạ.
Ngày nay dù cuộc sống đã phồn thịnh hơn, nhiều người vẫn trông ngóng giải quyết khó khăn bằng sự may rủi, do vậy lễ hội cầu may núp bóng danh xưng lễ hội Xuân nở rộ khắp nơi.
Đến với các lễ hội, chúng tôi thật sự dấn thân vào nơi chốn quá nhiễu nhương. Những chiếc xe máy sẵn sàng chạy 20 cây số đuổi theo ô tô để cò mồi dịch vụ, khiến khách không khỏi lo lắng.
Tiếp theo là không khí nhốn nháo, sân si tràn ngập chốn thiêng liêng và với tâm lý trục lợi, ai cũng cố sắm một mâm lễ to hơn của người khác, phải chen vào để đặt bằng được tiền lễ lên bàn thờ chính, bàn tay của họ không chỉ vái lạy mà còn cố vươn đến sờ vào các tượng Phật rồi xoa lên khắp mặt lấy may.
Đó là hành trình chen lấn để đặt nửa bàn chân lên sân chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử. Suốt con đường lên chùa toàn nghe chuyện mất cắp, chuyện bỏ bùa mê lừa lấy tiền, đồ trang sức của khách.
Từ độ cao hàng trăm mét, chúng tôi sợ hãi nhìn xuống cảnh núi non mà nghĩ đến tai nạn, nhìn những đồng tiền rơi vào làn sương mù dưới thung lũng như tan vào hư vô mà thấy buồn. Không có nổi một khoảnh khắc thư giãn để ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), không khí đã rất khác với cách đây hai năm. Sau mùa Phật Đản năm 2009 được tổ chức rầm rộ như tiếp thị đức tin với nhiều nhân vật quan trọng tham dự, chùa Bái Đính nổi tiếng và từ đó một đội quân kinh doanh vô tổ chức xâm lấn không thương tiếc.
Không còn một mét vuông nào để khách hành hương có thể tịnh tâm niệm Phật. Họ luôn bị khuấy động bởi cảnh hơn thua, chen lấn, cảnh bán mua ầm ĩ nơi sân chùa.
Rời ngôi chùa lớn, chúng tôi đến thăm đền vua Đinh, vua Lê cách đó non cây số, lặng lẽ một phong cảnh nông thôn hữu tình, không có cảnh buôn thần bán thánh lộ liễu.
Có lẽ do thân phận lịch sử, rồi hoàn cảnh riêng của các vị vua, nên người phàm trần thời nay chỉ đến thắp hương vọng tưởng, vãn cảnh đền chứ không ai đặt chuyện cầu may ở đây. Nhờ thế ngôi đền mấy trăm năm tuổi vẫn giữ được sự thanh tịnh thủa nào.
TS.Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm) từng gọi những chuyến đi lễ chùa đầu năm của số đông người Việt là một “cuộc mặc cả với thần linh” với những mâm lễ phàm tục (đem vàng bạc, đồ mặn vào chùa), còn người địa phương thì biến sân chùa thành chợ.
Và có cả một guồng máy chụp giựt phục vụ cho cuộc mặc cả, đút lót ấy. Sự vay mượn trục lợi được khuyến khích thay vì tôn vinh sự liêm khiết, chính trực trong đền bà Chúa Kho, những câu khấn kiểu “cho chúng con làm ăn một vốn mười lời” vang lên sỗ sàng ngay trước tượng Phật.
Ở Đền Trần nhiều công chức tranh cướp ấn triện với mong muốn được thăng quan tiến chức. Sự nhiễu nhương ấy đã tạo ra một sân khấu hài quanh các lễ hội khi người ta vào chùa thắp hương khấn Phật, sau đó ra ngay chợ làng ngả mâm đánh chén thịt rừng cũng để… lấy hên, rồi cãi nhau ầm ĩ về các chi phí dịch vụ, và cuối cùng là để lại một bãi rác quanh khu vực chùa.
Không ai nghĩ mình đang tham dự một sự kiện văn hóa đầu Xuân. Thói trục lợi, ích kỷ đã tạo ra một bề nổi phản văn hóa trên diện rộng bất ngờ!
BÍCH HỒNG
Theo www.doanhnhansaigon.vn – Ngày 09/03/2011