Ba năm qua, vừa chăn bò vừa làm “điêu khắc gia” là công việc hằng ngày của Lê Trường Giang ở thôn Lệ Kỳ 1 (xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình). Người làng ai cũng trầm trồ thán phục khi thấy những bức tượng Giang làm ra từ các tảng đá lăn lóc trên đồi.

dieukhac

Trong căn nhà nhỏ của gia đình dành hẳn một khoảng trống sát tường cho Giang đặt các bức tượng đã hoàn thành. Các bức tượng đều được làm khá kỹ, đường nét tuy chưa thật rành rẽ nhưng đã bộc lộ rõ ràng năng khiếu điêu khắc của chủ nhân.

Trong khi chờ Giang đi chăn bò về, ông Lê Hải Hưng, ba của Giang, kể căn bệnh thoái hóa cột sống đã làm khổ Giang từ 20 năm qua. Năm 1989 khi vừa tròn 9 tuổi, trong một buổi cùng bạn bè chăn bò trên vùng đồi Vườn Cậu, Giang đã dùng đá ném vào một quả bom bi gỉ sét để vui chơi. Bom nổ. Những viên bi đã xuyên vào lưng cậu làm tổn thương đến tủy sống. Các bác sĩ ở một bệnh viện lớn tại Hà Nội cho biết Giang sẽ phải sống với tình trạng thoái hóa xương suốt đời.
Gắng học xong lớp 9 thì Giang bị cứng đơ từ đùi đến cổ, không ngồi, không quay đầu được, chỉ đứng hoặc nằm thẳng, hai chân teo lại. Đi chăn bò, Giang ngồi lên cái đèo hàng của chiếc xe đạp rồi dùng gậy đẩy xe chạy. Chiếc xe đạp là đôi chân của Giang. Cái gậy là cơ bắp đưa “đôi chân” ấy đi. Bao lần Giang chịu không nổi những cơn đau, lại thấy mình không còn gì ở tương lai cả nên có ý định tự tử…

“Đấu tranh tư tưởng mãi” thì “Sau đó thấy trên tivi chiếu nhiều người tàn tật đã vươn lên sống tốt được nên tôi lại tự an ủi mình và dẹp những ý nghĩ đen tối đó đi để tiếp tục chăn bò giúp ba mạ” – Giang bộc bạch.

Hằng ngày loanh quanh dưới chân đồi với lũ trẻ chăn bò, Giang thường nhặt những tảng đá bùn nhỏ rồi ghè đẽo chơi. Đẽo đá chán Giang lại theo bạn bè lấy đất sét nặn chim, hình người, các loại quả… Giang kể: “Càng nặn thấy càng giống, nên đến đầu năm 2006 tôi mới nghĩ là dùng đá mềm khắc tượng coi ra răng. Ngày đầu làm trên đá rất khó vì người không thể cúi xuống được…”. Không cúi được nên ban đầu Giang chỉ dùng những mảnh đá nhỏ rồi đặt lên yên xe đạp, vừa chăn bò vừa khắc thử.
Dụng cụ điêu khắc là những que sắt xây dựng phi 6, phi 10 đập dẹp một đầu rồi mài sắc, hoặc là những que sắt nhỏ hơn kiếm được đâu đó trong làng. Cứ thế những bức tượng nhỏ dần hiện ra hình thù qua bàn tay khéo léo của Giang. Mọi người trong làng thấy đẹp nên ai cũng động viên Giang cố làm.

Không thể tự mình vác đá về nhà được, Giang nhờ đám bạn chăn bò khiêng về giùm. Ông Hưng lấy cột nhà cũ ra cưa đôi và chôn xuống ngang tầm tay của Giang làm nơi điêu khắc. Thế là hôm thì nhờ ba, hôm nhờ bạn chăn bò đặt đá lên đỉnh cột, Giang mày mò khắc đá thành hình theo cách của mình. Giang cho hay: “Khó nhất là khắc nét mặt người. Đêm nằm phải thao thức hình dung ra từng nét phù hợp với từng chủ đề của tượng. Nhiều khi làm đến giữa chừng, phải đứng nhắm mắt lại tưởng tượng ra hình thù, đường nét rồi mới làm tiếp”.

Giang nghĩ ra khá nhiều chủ đề như ông già ngồi hóng mát dưới gốc đa, anh bộ đội và thiếu nhi, thiếu nữ, ông già quăng chài, ông già hút thuốc lào…, trong đó nhiều nhất là về thiếu nữ, phụ nữ.

Ngoài 20 tác phẩm hiện Giang đang cất giữ tại nhà, nhiều tác phẩm Giang đã đem tặng bạn bè. Đám bạn chăn bò ấy vài ngày lại kéo nhau đến nhà nhờ Giang bày cho cách đục gọt đá tìm niềm vui, sự sẻ chia ấy tiếp thêm cho ước mơ cháy bỏng của Giang về nghề điêu khắc sau này.

dulichhoanmy.com LAM GIANG