
Khách du lịch thăm chợ cỏ
Chợ cỏ diễn ra hằng ngày ở khu vực trung tâm bến xe huyện, song vào phiên chợ Chủ nhật là thời điểm nhộn nhịp nhất. Chợ thường họp từ rất sớm khi mặt đất vẫn còn hơi sương, đến khoảng 8 giờ sáng là khu chợ cỏ rất đông vui.
Có tới khoảng 30 chị em phụ nữ người Phù Lá, Tày, Nùng, Mông thồ ngựa chở cỏ về bán. Cỏ được bó thành từng bó, xếp thành một khu chợ riêng cạnh khu chợ bán củi. Màu xanh mới, mùi nồng nồng của cỏ mang đến một không khí rất đặc trưng của bến xe phố huyện.
Người mua đến từ khắp các xã ở khu vực trung tâm và thượng huyện, người mang ngựa, đi xe máy chở cỏ mua về. Chị Chảo Chử Pấy, 38 tuổi, dân tộc Phù lá, ở bản Chìu Cái, xã Na Hối đã gắn bó với chợ cỏ từ những ngày đầu, cho biết:
“Chợ cỏ diễn ra quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là vào dịp tháng 6-7 trở đi. Lúc ấy là thời điểm mùa cấy và gần Tết, thời tiết rét đậm, nhiều nơi cỏ bị chết, thiếu cỏ, người dân hay mua cỏ về dự trữ cho trâu, ngựa ăn. Đến lúc giao mùa vẫn thiếu cỏ vì cỏ trồng đã bị chết rét, cỏ tự nhiên ở khu vực thượng huyện chưa kịp mọc nên người dân phải mua cỏ về để vỗ béo cho gia súc sức cày cấy vụ mùa”.
Chỉ tay vào bó cỏ khoảng 15 kg, chị Pấy cho biết, mấy năm trước chỉ có giá khoảng 30 ngàn đồng/kg, còn bây giờ là 50 – 60 ngàn đồng/kg. Giá cỏ tăng vì nguồn cỏ ngày càng khan hiếm và tiền bị mất giá. Chị Pấy còn cho biết thêm mỗi phiên chợ Chủ nhật, chị bán từ 10 – 15 bó, thu về 500 – 750 ngàn đồng, mỗi tháng thu trên dưới 2 triệu đồng từ nghề này. Đây là số tiền lớn đối với gia đình nông dân vùng cao.
Còn anh Vàng Văn Tỉnh, 28 tuổi, ở thôn Na hối Tày, xã Na hối cũng làm nghề này được gần 3 năm. Anh cho biết, tranh thủ mùa rét là lúc nông nhàn, vợ chồng anh đi tìm cỏ về bán, có tháng thu nhập cũng được gần hai triệu đồng, có đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống.
Nhiều người bán cỏ ở đây cho biết, họ phải đi xuống gần khu vực hạ huyện nơi có khí hậu ấm áp để cắt cỏ. Ở đây có đủ các loại cỏ… nhưng có khi cả ngày mới cắt được 1 – 2 bó cỏ.
Nếu chịu khó đi xuống thung lũng sâu, vào các khu tràng cỏ, thì có thể cắt được 3 – 4 bó cỏ. Nhưng ở khu vực này nhiều bụi rậm nguy hiểm, có khi không cẩn thận có thể xảy chân rơi xuống vực! Chưa kể có thể bị rắn độc, côn trùng độc cắn! Cắt cỏ tưởng an toàn nhưng hóa ra lại rất cực nhọc và nguy hiểm!
Anh Giàng Seo Lù thồ cỏ về nhà
Anh Giàng Seo Lù, dân tộc Mông, ở xã Bản Phố là khách hàng thường xuyên của chị Pấy. Anh cho biết, năm nào vào mùa cấy hái và mùa rét cũng phải đi mua trên dưới 10 bó cỏ về cho trâu ngựa ăn.
“Cỏ ở Bản Phố khan hiếm, còn ít nào người nào nhanh đi cắt mất, mặc dù nông nhàn có dư thời gian nhưng không biết chỗ để kiếm cỏ, chẳng lẽ để trâu ngựa chết đói, hay gầy gộc khi đến vụ mùa? Gia đình nghèo nhưng đành phải bán gà, ngô đi để lấy tiền mua cỏ nuôi ngựa”, anh Lù nói.
Những phiên chợ đậm sắc màu văn hóa vùng cao luôn nhộn nhịp bởi váy áo sặc sỡ của những cô sơn nữ, của tiếng khèn và cả bếp lửa đỏ của nồi thắng cố. Chợ cỏ làm cho phiên chợ vùng cao thêm màu sắc mới, màu sắc của sự hồn nhiên, tươi mới như cây cỏ mỗi độ Xuân về.
Nguồn Doanh nhân sài gòn – Ngày 10/12/2011