Ở quê tôi hầu như nhà nào cũng trồng vài bụi chuối sứ quanh vườn. Ngoài việc lấy hoa và quả chuối làm thức ăn thì cây chuối ở quê tôi còn làm nhiệm vụ phân chia ranh giới giữa hai khu vườn thay cho những hàng rào dâm bụt hay những giậu mồng tơi.
Không giống như những loại chuối khác được trồng để lấy quả chín. Người quê tôi trồng chuối sứ để lấy hoa và trái chuối non. Hoa chuối và quả chuối sứ xanh được xem là rau siêu sạch nên rất được ưa chuộng. Khi thưởng thức những món ăn được chế biến từ hoa và quả chuối sứ, người dùng luôn an tâm rằng mình đang được thưởng thức một loại rau siêu sạch. Vì thế cảm giác ngon miệng dường như cũng được tăng lên nhiều lần.

Hoa chuối có thể dùng làm gỏi hay đơn giản chỉ là dùng ăn kèm với các loại rau xanh khác. Nếu bạn thưởng thức mì Quảng mà trong đĩa rau sống dùng kèm không có hoa chuối thái mỏng thì món ngon này chắc chắn không thể trở thành đặc sản của đất Quảng Nam.
Người quê tôi thường hái những hoa chuối vừa mới trổ, chưa hề lõ trái để nấu canh hoa chuối giò heo tẩm bổ cho các bà mẹ sau khi sinh hay người vừa ốm dậy. Người ta chọn hoa chuối vừa mới ló ra khỏi ngọn cây với quan niệm rằng như thế là ăn cả một buồng chuối (với tất cả những gì tinh túy nhất mà đất mẹ ban tặng) sẽ mau chóng được phục hồi sức khoẻ. Món canh thanh tao với vị chát dịu của hoa chuối và béo ngọt của giò heo rất lạ miệng, khiến ai đã từng một lần thưởng thức món canh này sẽ khó lòng quên được hương vị độc đáo của món canh bổ dưỡng này.
Quả chuối sứ cũng được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Thường thì sau khi cắt hoa chuối khoảng hơn hai tuần là lúc quả chuối xanh ngon nhất (không quá già cũng không quá non). Đơn giản nhất là thái mỏng quả chuối xanh làm rau sống ăn kèm với một số loại rau thơm khác. Khi vào bất cứ quán thịt vịt nào của quê tôi, bạn sẽ thấy đĩa rau sống dùng kèm thịt vịt luôn có những lát chuối xanh thái mỏng bên cạnh những loại rau húng, rau mùi, kinh giới hay tía tô. Hương vị đặc trưng của chuối xanh hoà quyện với mùi thơm của các loại rau khác và vị béo ngậy của món vịt quay khiến những vị khách khó tính nhất cũng phải hài lòng.
Ngoài ra trái chuối xanh còn được luộc chín, dầm với dấm, đường và muối cho thấm rồi ép khô nước thành món “cá chuối” ăn với cơm cũng ngon miệng không kém.
Có những khi lơ là, quên mất buồng chuối ngoài vườn đến lúc cần được hái, khi chợt nhớ ra thì chuối đã già. Người quê tôi chờ đến khi chuối chín thì hái vào, cắt lát mỏng, phơi khô rồi ngâm rượu gọi là rượu chuối, thỉnh thoảng các cụ già lại đem ra uống, phòng bệnh đau lưng, nhức mỏi xương khớp và kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng hơn.
Quả chuối xanh cắt khúc, luộc qua nước sôi cho bớt vị chát rồi nấu canh với cá lóc hay thịt bò rất ngon. Gỏi chuối sứ xanh cũng ngon không kém. Chọn quả chuối xanh, còn non, thái sợi, ngâm nước muối loãng cho khỏi bị thâm đen. Thịt heo ba chỉ luộc chín, thái sợi. Chuối vắt nước cho ráo trộn với thịt , vài lát xoài xanh thái chỉ, vài lát khế mỏng, nước mắm chua ngọt và một chút dầu phộng phi hành. Thêm rau thơm, tiêu, ớt và đậu phộng rang chín vào đảo đều là có ngay món gỏi chuối xanh ngon miệng. Vị sần sật, chát dịu của chuối xanh, vị béo của thịt, hương thơm của dầu, đậu phộng và rau thơm, cùng vị cay nhẹ của tiêu, ớt khiến món ăn hấp dẫn vô cùng.
Vào những ngày chạp mã giữa cuối tháng mười một, đầu tháng chạp hằng năm, những người con quê tôi dù sinh sống ở bất kỳ nơi đâu cũng tìm về quê hương viếng phần mộ ông bà. Bữa cơm sum họp những ngày chạp mã không thể thiếu nồi canh chuối hầm xương heo bốc khói nghi ngút, thơm phức. Tình thân dòng tộc cùng tình quê hương nồng ấm là sợi dây gắn bó mật thiết khiến những người con xa quê dù bận rộn đến đâu thì những ngày cuối năm cũng luôn nhớ và tìm về với quê mình.
Phan Thị Kim Loan
Theo LaoDong (Đời sống) – Ngày 7/12/2010