Lớp học trả góp
co![]() |
Bà giáo Thanh và các học trò của “lớp bán trú trả góp” |
Sài Gòn một buổi trưa hè, nắng hầm hập như đổ lửa. Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng ở cuối con hẻm hẹp trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, bà giáo già Huỳnh Thị Thanh 73 tuổi lụi cụi trên chiếc nạng khung để vo gạo, lặt rau lo bữa cơm cho học trò. Căn nhà vỏn vẹn chỉ có 27m2 với mái tôn đã dột nát và sàn nhà bung tróc nhiều mảng hàng ngày vẫn ê a tiếng lũ trẻ học bài dưới sự chỉ dẫn tận tình của bà giáo tóc đã bạc trắng.
Dấn thân vào nghề “đưa đò” từ những năm 50, tính đến nay, cô Huỳnh Thị Thanh có trên 50 năm trong nghề dạy học và từng được bộ Giáo dục và đào tạo tặng thưởng huy chương Vì sự nghiệp giáo dục. Những ngày đầu mới nghỉ hưu, cô xin đi giúp việc cho gia đình nọ. Trớ trêu thay, đó lại là nhà của một cậu học trò cũ. Trò bối rối mà cô thì cũng thấy đắng cay, nhất là sau mỗi lần vợ của cậu học trò ấy cư xử không phải. Giữ gìn danh tiếng cho nghề, cô thôi không đi giúp việc nữa. Ở đây lại có nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh tội nghiệp, ba mẹ từ quê lên thành phố kiếm kế sinh nhai, phải làm phụ hồ, bán vé số, mua ve chai… cuộc sống bấp bênh, thuê nhà ở rày đây mai đó, tụi trẻ đâu có được học hành gì. Cô thấy vậy, thương quá gom các cháu lại dạy dỗ và chăm sóc.
Học trò nghèo mà hoàn cảnh cô giáo cũng chẳng khá gì hơn. Căn nhà chật hẹp nhưng tấm lòng cô giáo thì lúc nào cũng rộng mở. Phụ huynh nào khó khăn muốn gởi con cho cô trông chừng, chăm sóc, dạy dỗ cô cũng nhận. Gia đình nào “có điều kiện” thì đóng tiền học cho cô 30.000 đồng/tháng, em nào gia cảnh khó khăn thì mỗi ngày đem theo 1.000 đồng góp cho cô. Một số cha mẹ quá bận việc mưu sinh thì gởi luôn con em mình nhờ cô Thanh chăm sóc, mỗi em đóng thêm 2.000 đồng phụ vào bữa cơm trưa gia đình của cô. Tuổi tác khác nhau cộng thêm thời gian nhập học của các em cũng không đồng nhất nên mỗi em học một bài, giáo án của cô Thanh vì thế cũng phải linh động theo từng em.
Học trò cô có cả em bị hội chứng chậm phát triển, như Phạm Trung Hậu. Nhà nghèo, Hậu chỉ quanh quẩn với bốn bức tường ở nhà. Năm Hậu lên chín, bà ngoại thấy tội nghiệp cháu ngày càng khờ câm nên gởi Hậu đến lớp cô Thanh. Ngày mới vào lớp, Hậu học đâu quên đó. Cô Thanh phải nghĩ ra nhiều cách thật sinh động như vẽ con búp bê bên cạnh chữ b, vẽ con cò bên cạnh chữ c… Bây giờ, Hậu đã nhận biết một số mặt chữ, biết làm vài phép tính đơn giản, hát được một số bài hát ngắn và đặc biệt vẽ rất đẹp.
Niềm vui cho một cuộc đời buồn
Chuyện kể rằng, khi cô sinh ra mới được ba ngày tuổi thì mẹ mất với một vốc ký ninh quá liều. Người phụ nữ yếu đuối ấy cũng là một nhà giáo, không chịu nổi cú sốc khi hay tin chồng có vợ bé lúc bà mang thai đứa con đầu lòng. Những tháng ngày chờ con chào đời không có niềm vui mà chỉ là nỗi tuyệt vọng. Bà ngồi may quần áo cho con có thể mặc đến năm bảy tuổi và chuẩn bị cho mình một chuyến đi xa vô định…
Cô bé ba ngày tuổi được đưa về cho bà ngoại và cậu nuôi dưỡng. Người cha vô tâm đã bỏ đi không nhìn nhận đứa con gái bé bỏng. Bà ngoại nghèo, năm đó hơn bảy mươi, mắt đã loà, chân đã run vẫn đi bán hủ tiếu xào để nuôi cháu. Ông cậu là một thầy giáo tiểu học cũng chẳng giàu có gì, lâu lâu vẫn lén gia đình mua sữa cho cháu, dối rằng đó là tiền ba cô gởi cho. Nghèo khó là vậy nhưng thương đứa cháu côi cút tội nghiệp và hơn nữa, bà ngoại và cậu chắt chiu bằng mọi cách để cháu có thể đến trường học con chữ, học đạo làm người.
Năm 1953, cô Thanh 18 tuổi, chuẩn bị thi bằng Thành chung thì được tin ty tiểu học đô thành Sài Gòn đang thiếu giáo viên tùng sự tại Long An. Cô Thanh xin đi dạy và được phân bổ về trường tiểu học Cần Giuộc ở xã Phước Hậu, Long An. Cũng tại đây, cô gặp lại người cha đã đang tâm dứt bỏ mẹ con cô nhiều năm trước. Những mong có lại được tình thương của cha sau bao năm thiếu vắng, mọi việc cô đều nhất nhất theo ý cha, kể cả chuyện cam tâm chấp nhận cuộc hôn nhân ép gả với một người đã có hai đời vợ. Vậy mà duyên cũng chẳng bền, khi cô bắt đầu cấn thai đứa con đầu lòng thì người chồng dứt áo ra đi.
Cách đây ba năm, trong một lần tắm cho học trò, cô bị ngã gãy chân. Việc đi lại của cô giờ phụ thuộc vào chiếc nạng khung nhưng cô vẫn duy trì lớp học “bán trú trả góp” của mình. Bởi cô vẫn ước mong tiếp tục dạy dỗ những học trò bé bỏng của mình cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay.