Bà mẹ đơn thân, bị thương tật như cánh cò ngụp lặn bên sông nuôi con ăn học. Cò con chưa đủ lông đủ cánh, cò mẹ đã tàn phế vì vết thương cũ làm hoại tử một chân. Tương lai của cô học sinh giỏi trở nên mờ mịt.
concogaycanhbensong1

Bà Nguyễn Thị Thu

Hơn bốn mươi năm trước ở Tân Hào, huyện Giồng Trôm, Bến Tre, chiến tranh diễn ra ác liệt. Lần ấy bà bị một mảnh pháo ghim vào chân. Do điều trị sơ sài, mảnh pháo làm đau thốn ở bên trong, chân bà phải nhót lên, chỉ đi được trên năm đầu ngón chân. Tướng đi không thể lẫn với ai nên tên là Nguyễn Thị Thu mà người trong xóm cứ gọi bà là Hai Nhót.

Năm tháng trôi đi, bà không có cơ hội xây dựng hôn nhân nhưng ước mơ làm mẹ vẫn đeo đẳng. Ba mươi sáu tuổi, bà thoả thuận với một người đàn ông đã đề huề gia thất để xin một đứa con. Khi đứa con gái ra đời, bà khai sinh con theo họ mẹ – Nguyễn Thị Hồng Khuyên.

Hai người em trai của bà lần lượt lập gia đình. Má cho bà khoảng đất có hơn mươi gốc dừa để cất nhà ở riêng. Mấy gốc dừa đủ tiền quần áo sách vở cho con, còn các khoản khác phải nhờ vào việc xúc tép, mò tôm. Dù chân có tật nhưng bà vẫn lội sông được. Bà thường nói vui với mọi người: “Hũ gạo của tôi ở dưới sông”. Bà chắt chiu từng đồng kiếm được cho Hồng Khuyên đi học. Em rất ngoan và thường được xếp loại học sinh tiên tiến. Bà mơ ước con sẽ là cành xinh tươi mọc lên từ cái gốc cỗi cằn, hao gầy là mình.

Khi Hồng Khuyên thi đậu vào lớp 10 trường công lập Phan Văn Trị (Giồng Trôm – Bến Tre), bà rất mừng nhưng lại lo mọi chi phí lại tăng hơn lúc còn học trường xã. Đường đến trường hơn mười cây số, có người bà con ở thành phố cho em cái xe đạp cũ, rồi một người khác cho hai cái áo dài trắng cũ. Được vậy là mừng, em đem sửa lại cho vừa với vóc dáng nhỏ bé của mình. Gần ba năm học cái áo luôn được giặt trắng, ủi phẳng phiu nhưng đã sờn rách cả hai bên vai.

Người đời ví von: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Hồng Khuyên chưa bao giờ biết được công cha nhưng em rất tự hào có người mẹ làm thân cò lặn lội, ngày ngày bươn chải nuôi con. Thấy những đứa trẻ khác có cha mẹ đầy đủ, lúc nhỏ Hồng Khuyên thường hỏi mẹ: “Cha con đâu?”, bà Hai trả lời cho qua: “Cha đi làm ăn xa”. Đến lúc Hồng Khuyên 15 tuổi bà thấy cần phải nói thật về cha để con biết rõ nguồn cội nhưng dặn con phải tuyệt đối giữ bí mật. Thì ra người đàn ông ấy ở không xa, trên đường đi thỉnh thoảng em vẫn gặp. Vậy là cha con vẫn biết nhau trong âm thầm, bề ngoài phải nhìn nhau như hai người xa lạ. Nhiều lúc không tránh được tủi thân, em lén khóc không cho mẹ thấy.

Đi học về Hồng Khuyên thường giúp mẹ róc lá dừa, chặt củi, cho heo gà ăn, chứ mẹ không cho em lội sông nên em không biết bơi. Một hôm nghe người ta nói lúc nước cạn ở đáy sông hến nhiều lắm. Nghe lời rủ rê vậy là đi theo, mải miết với việc cào đãi hến, em bị chìm ngập đầu, ngoi ngóp trong nước xoáy. May sao có người bơi ghe ngang lôi lên kịp.

concogaycanhbensong3

Hồng Khuyên: 18 tuổi, 36kg

Quá lo toan vất vả, lại ăn uống kham khổ, cơ thể bà Hai gầy nhom, không vượt qua 35kg. Còn Hồng Khuyên đã học lớp 12, tuổi 18 mà cũng chỉ cân nặng 36kg. Vì là hộ nghèo nên được giảm phân nửa học phí, còn bảo hiểm tai nạn em không có tiền mua nên thôi. Số tiền 500.000đ của hội Khuyến học hỗ trợ em dùng mua sách vở, sửa xe đạp cũng hết veo chóng vánh.

Bà Hai vay hai triệu đồng để mua heo về nuôi. Gặp lúc heo thịt rớt giá mà giá thức ăn vẫn cao vời vợi, bán heo xong lỗ phân nửa tiền. Ky cóp khoản còn lại bà mua bầy gà con về nuôi thả rông trong vườn, éo le thay lại bị trận cúm H5N1 vốn liếng tan theo mây khói. Bây giờ chỉ còn trơ lại cái chuồng và số nợ hai triệu không cách gì trả nổi.

Một hôm bà nghe đau ở chỗ vết thương do đụng phải bụp lá ở bờ sông. Vết thương mưng mủ đau nhức quá, bà đến bệnh viện huyện điều trị theo diện bảo hiểm y tế hộ nghèo. Ở đó ba tuần không thuyên giảm, khi được chuyển về tuyến tỉnh thì đã quá trễ. Bác sĩ cho biết mảnh pháo bên trong sau thời gian dài không được lấy ra đã gây hoại tử, phải đoạn chi. Người em dâu và người dì thay nhau săn sóc để Hồng Khuyên khỏi phải nghỉ học. Bà Hai dặn mọi người đừng cho con biết. Xuất viện về nhà thấy một chân mẹ không còn nữa, Khuyên khóc như mưa và đòi nghỉ học. Bà động viên con cố gắng, dù sao cũng sắp thi tốt nghiệp. Năm nào cũng tưởng con phải bỏ học nhưng rồi người em giúp chút đỉnh tiền, rồi bà con ở thành phố cho vài trăm ngàn mua sách vở, lại tiếp tục học. Giờ đây một chân bị cưa đến gối, bà vĩnh viễn không bao giờ còn lặn hụp dưới nước. Một nguồn thu bị cắt, chỉ còn trông cậy vào mấy gốc dừa. Mà mé sông tiếp giáp bờ dừa cứ ì ầm vỗ sóng sạt lở ngày đêm. Điều đáng lo nữa là giá dừa từ 5.000đ/trái giờ chỉ còn chưa tới 2.000đ.

Bà Hai tốn 900.000đ để lắp cái chân giả nhưng chỗ tiếp xúc với chân thật làm bà đau buốt từng bước đi. Bà phải tập làm quen với cái mất mát. Nhưng không sao quen được với ý nghĩ con gái mình sẽ phải bỏ học…

Phạm Thị Ngọc Điệp (Theo SGTT)