Tác động của biến đổi khí hậu dễ nhận thấy ở các lĩnh vực sức khỏe con người, nông nghiệp – an ninh lương thực, đa dạng sinh học, năng lượng, nhưng quan trọng hơn cả là đến tài nguyên nước. Trong khu vực Đông Nam Á, nguồn nước tự nhiên liên quan đến cuộc sống của nhiều quốc gia nhất chính là dòng sông Mekong.
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến nguồn nước sông Mekong, đặc biệt là hạn hán năm nay diễn ra khốc liệt trên diện rộng, từ Trung Quốc đến các nước hạ lưu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, thủy sản, giao thông thủy và nguồn nước sinh hoạt của người dân. Vấn đề không chỉ dừng ở mức độ tác động của tự nhiên mà bức xức nhất, thấy rõ nhất chính là hậu quả do tác động của con người trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mekong, đặc biệt là ở các nước thượng nguồn.
Từ khi Ủy ban sông Mekong (MRC) gồm bốn nước thành viên Thái Lan, Lào, Campuchia và VN thành lập năm 1995, đã có nhiều cuộc họp, nhiều diễn đàn thảo luận về sự hợp tác Mekong, đại diện cao nhất của các nước cũng chỉ đến cấp bộ trưởng, thứ trưởng. Trong nỗ lực hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững khu vực tiểu vùng sông Mekong, Hội nghị cấp cao MRC lần thứ nhất tổ chức tại Hua Hin (Thái Lan) ngày 5-4 có sự hiện diện của thủ tướng bốn quốc gia hạ lưu sông Mekong và các quan chức của đối tác chiến lược của Trung Quốc và Myanmar.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ thực tế hợp tác 15 năm qua cho thấy Hiệp định Mekong là xu thế hợp tác của các dân tộc chung sống trong lưu vực và được sự ủng hộ tích cực của cộng đồng quốc tế. Là quốc gia ở cuối nguồn, VN thấy rõ những biến chuyển của sông Mekong do tác động của tự nhiên và con người. Cam kết thực hiện đầy đủ Hiệp định Mekong, VN sẽ phát huy “tinh thần hợp tác Mekong” nhằm chung sức xây dựng sông Mekong không chỉ là dòng sông kết nối các nền văn hóa, dòng sông của tình đoàn kết và hữu nghị mà còn là dòng sông của hợp tác, phát triển và hội nhập.
Hội nghị cấp cao MRC thông qua tuyên bố chung Hua Hin là một dấu hiệu cho thấy các nước đang hướng tới cùng chia sẻ trách nhiệm phát triển bền vững sông Mekong. Lần đầu tiên các lãnh đạo quốc gia ngồi lại với nhau để thảo luận cơ hội và thách thức trong thời gian tới, nhất trí tầm nhìn lưu vực sông Mekong, cam kết mạnh mẽ tiếp tục hợp tác và thúc đẩy việc sử dụng quản lý hợp lý tài nguyên nước và tài nguyên hạ lưu sông Mekong, xác định các lĩnh vực ưu tiên cụ thể cho kế hoạch hành động giai đoạn tới là tín hiệu rất đáng mừng.
Người dân trong lưu vực có quyền đòi hỏi Trung Quốc với vai trò là nước ở thượng nguồn sông Mekong phải có trách nhiệm đối với các nước hạ lưu theo thông lệ quốc tế như cung cấp thông tin, số liệu thủy văn, kế hoạch xây dựng, chế độ vận hành của các nhà máy thủy điện… Trung Quốc và Myanmar gia nhập MRC càng sớm ngày nào càng chứng tỏ thiện chí và trách nhiệm đầy đủ của mình đối với việc quản lý chung dòng sông Mekong.
Ngay bản thân MRC cũng còn nhiều việc phải làm, đòi hỏi không chỉ có thiện chí mà phải có nguồn lực và giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Thực chất cơ chế hợp tác Mekong hiện nay còn rất khiêm tốn. Hằng năm có hai cuộc họp của ủy ban hỗn hợp cấp thứ trưởng, tổng giám đốc, vụ trưởng và một cuộc họp hội đồng cấp bộ trưởng.
Để giải quyết việc “tranh luận” cứ năm năm phải đổi địa điểm Ban thư ký Mekong, đến tháng 12-2010 MRC sẽ chia tách làm hai bộ phận ở Vientiane và Phnom Penh chỉ làm cho tổ chức này thêm lỏng lẻo cả về mặt hành chính lẫn con người. Mặt khác, năng lực của cán bộ trong ban thư ký kể cả chuyên gia quốc tế vẫn còn là thách đố lớn.
ĐBSCL nằm cuối nguồn sông Mekong, là vựa lúa, đảm bảo an ninh lương thực không chỉ cho VN mà cả thế giới nhưng lại phụ thuộc vào thời tiết và nguồn nước sông Mekong. Nông dân Nam bộ cần cù, năng động nhưng họ không đủ sức và lực để thích ứng với biến đổi khí hậu và tác động của con người trong việc khai thác sử dụng nguồn nước sông Mekong. Vì vậy, chỉ có hành động quyết liệt cho sự hợp tác MeKong mới có thể giúp người dân ĐBSCL lo cái ăn cho nhiều người trên thế giới.
(nguồn: tuoitreonline)