Khi phóng tầm mắt nhìn ra mênh mông nước thẳm hay chiêm ngưỡng những khối băng khổng lồ tích tụ tro bụi núi lửa của ngàn năm trước, khách tham quan Đầm phá Jökulsárlón thường không khỏi ngỡ ngàng khi nghe kể rằng, 80 năm trước ở nơi họ đứng không hề có một vùng nước nào.
Nằm bên dải bờ biển thẳng tắp phía Đông Nam Iceland, Jökulsárlón được xem là một trong những kỳ quan thiên nhiên của đảo quốc này. Ở đó, những khối băng hà tan ra không chỉ những giọt nước, những bọt khí đã đóng băng qua hàng ngàn năm, mà cả những vạt tro bụi phun trào từ những vụ nổ núi lửa thời xưa cổ.
Những vật chất đông tích suốt hàng thiên niên kỷ giờ hòa cùng nước biển hình thành một vùng đầm phá màu lam xám, soi bóng những tảng băng tuổi đến 1.000 năm, cao đến 900m, óng ánh lên dưới nắng. Sau những biến thiên Thật thú vị khi nhận ra rằng tạo nên vẻ đẹp của Jökulsárlón thực ra chỉ có nước, ở các dạng thể khác nhau, rắn và lỏng.
Và không thể tưởng tượng được rằng vùng đầm phá tự nhiên này – nơi chứa khí, nước, và khoáng chất của cả ngàn năm trước – mới chỉ hình thành vào đầu của thế kỷ 20, từ việc nhiệt độ toàn cầu ấm lên – do cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ hai (1871-1914) – làm lưỡi băng lớn nhất của rặng băng hà cổ Vatnajökull bắt đầu tan vào những năm 1900, rồi hình thành vùng lấp xấp nước vào năm 1935.
Nó được gọi là “hồ” trong một số tài liệu khoa học năm 1948. Ban đầu chỉ rộng khoảng 30m2, nhưng đến năm 1970 hồ có diện tích lên đến khoảng 4,5km2, gần bằng Hồ Tây ở Hà Nội. Từng cày xuống đất hàng trăm mét, nền của lưỡi băng hà này khi tan ra đã để lại một điểm -248m, xác lập cho Jökulsárlón kỷ lục là hồ sâu nhất Iceland. Khi Trái Đất càng ấm lên, Jökulsárlón càng rộng ra, thông với biển và trở thành đầm phá có diện tích lên đến 18km2, gấp bốn lần diện tích đo được hồi năm 1970.
Ngày nay, cá tôm nhỏ thường theo các đợt triều dâng trôi vào Jökulsárlón sinh sống. Cùng đến với chúng là những tay săn mồi đủ loại, thỉnh thoảng làm huyên náo vùng tĩnh lặng này. Những con chim biển, đông nhất là loài nhàn Bắc Cực, thường lượn quanh mặt nước tìm bắt cá mòi, cá trứng, tôm tép, và các loại cá hồi. Bọn chim skua hung hăng còn khôn ngoan chiếm cả vùng cát lầy gần đó làm tổ cho tiện.
Trong khi đó, lũ hải cẩu béo tròn vào mùa đông thường kéo đến cửa nước thông ra biển tụ tập và rình săn đủ loại cá hồi. Và sau những bộ phim Từ rất sớm, các đoàn làm phim đã thu lấy cảnh đầm phá trắng xóa này trong những khuôn hình cùng với những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng. Roger Moore đã quay một cảnh truy đuổi trên tuyết ở đây cho tập phim James Bond sản xuất năm 1985 tên là A View to Kill.
Một tập phim James Bond khác là Die Another Day phát hành năm 2002 thì có cảnh các chiếc siêu xe rượt đuổi nhau trên băng. Và Angelina Jolie có cảnh vượt vùng băng giá đi tìm manh mối cổ vật trong phần đầu phim Lara Croft: Tomb Raider phát hành năm 2001. Sau phim A view to a kill, nhiều đoàn du khách đã tìm đến Jökulsárlón ngoạn cảnh. Không ít người đã có dịp đi trên chính những chiếc thuyền từng được quay trong phim Lara Croft: Tomb Raider.
Có người liều lĩnh ngâm mình xuống làn nước lạnh giá, để thử cảm giác mà ca sĩ Justin Bieber trải qua trong video ca nhạc I’ll Show You. Và một số ít cắm trại đêm trong mùa đông ở đây để săn một cảnh tượng li kỳ chưa từng có trong bất cứ bộ phim nào: Bắc Cực quang trải khắp trời, phản chiếu trên băng, và soi bóng trên mặt nước.
Các nhà khoa học dự đoán nếu hiện tượng ấm lên toàn cầu vẫn tiếp tục và tốc độ băng tan không chậm lại, Jökulsárlón một ngày nào đó có thể không còn là đầm phá mà sẽ mở rộng hơn thành một vịnh hẹp. Đó là điều làm cho nhiều du khách đến tham quan vùng nước thiên kỷ này luôn rời đi trong quyến luyến, khi nghĩ rằng, nếu họ có dịp quay lại vào lần sau, những gì họ nhìn thấy hôm nay cũng sẽ không còn nữa.
Từng ngày, từng ngày, băng hà vẫn tan chảy ở Jökulsárlón theo sự ấm lên toàn cầu. Biết đâu, Jökulsárlón mai sau là tên của một vịnh hẹp hùng vĩ, như Mildford Sound ở New Zealand!
THU NGA