Mùa hè nắng như lửa đốt, đất khô nứt nẻ, không có bàn tay chăm sóc của con người mà rau tập tàng vẫn tốt. Mùa đông sương muối rau vẫn thản nhiên xanh. Ngày xưa, chỉ có mỗi tập tàng là không phải mua, toàn thứ rau dễ kiếm, bòn chỗ này chỗ kia, ngoài hàng rào, trong bụi rậm, chỉ cần một nắm là đã có bát canh rau tập tàng (còn được gọi là canh láo nháo). Canh nấu suông ăn với cà cũng thấy ngon miệng.
Mồng tơi, rau dền, rau ngót, rau đay… mỗi thứ một ít là đã có món canh rau tập tàng ngon lành.
Bát canh múc ra có vị ngọt hơi nhơn nhớt của mồng tơi và rau đay, có vị chua dôn dốt của rau sam, vị chát dịu của rau dền, vị ngọt của rau ngót rau lang. Để canh rau tập tàng thêm đậm đà, có thể cho mướp hương vào nấu lẫn. Nhà nào sang hơn thì ăn canh tập tàng có thêm ít thịt tôm giã nhuyễn, ít thịt lợn xay nhỏ hay ít nước cua giã nhỏ và vài chùm hoa thiên lý.
Món canh đơn giản như chính cái tên của nó vậy. Những thứ rau dùng để nấu canh đều là những thứ “cây nhà lá vườn”. Rau tập tàng dễ sống nên cũng dễ ăn. Ai cũng có thể ăn được loại canh này vì canh tập tàng toàn thứ rau mát, bổ như vị thuốc. Những năm còn khó khăn, nó đã theo người dân đi suốt chặng đường dài từ thời còn thơ ấu cho tới tận bây giờ.
Những ngày hè oi bức, khát đến khô cả họng mà có bát canh rau tập tàng húp thì ngon phải biết. Nhìn vào mâm cơm, thấy bát canh rau tập tàng với mấy quả cà muối là muốn ăn ngay vì nó dễ nuốt hơn thịt cá. Nhiều khi bát canh tập tàng còn quý hơn cả sơn hào hải vị. Vì loại canh này không mấy khi có ở nhà hàng. Nếu ai muốn ăn thì ra chợ mua mỗi thứ rau một ít, về nấu ăn có tác dụng giải nhiệt mùa hè.

Canh rau tập tàng vừa ngọt vừa mát ăn với cà muối thích hợp cho mùa hè.
Các cụ ngày xưa thường có câu “Cơm không rau như đau không thuốc” để nói vai trò quan trọng của rau trong bữa cơm. Muốn canh rau tập tàng ngon thì phải biết cách nấu làm sao cho canh vừa chín tới, rau vừa xanh mà không bị nồng. Nấu canh phải đợi nước sôi sùng sục mới cho rau vào, khi canh chín không nên đậy vung.
Một mùa hè nữa đã lại về. Món canh rau tập tàng sẽ lại xuất hiện thường xuyên hơn trong những bữa cơm của gia đình người Việt. Không chỉ nông thôn mà còn cả thành thị. Một thứ canh rau dân dã mang biểu tượng của làng quê Việt Nam. Đơn giản nhưng thật đáng quý. Khi đi xa quê, thấy nó chắc hẳn ai cũng nhớ về một thời tuổi thơ đã gắn liền với thứ canh này.
Phương Lam
Theo www.laodong.com.vn – ngày 16/05/2011