![]() Chợ họp trên đường Si Savangvong |
Chợ thổ cẩm
Gian hàng nào cũng có khăn trải giường, trải bàn, áo, váy, ví, túi, khăn, mũ bằng thổ cẩm nhưng mỗi nơi được thêu, dệt, pha sợi màu mỗi khác. Có cả những bức tranh dân gian thêu cảnh sinh hoạt của làng bản, có trẻ mục đồng thổi sáo trên lưng trâu, có bun (hội) làng té nước tết năm mới bên đoàn ngựa thồ hàng xuống núi…
Xen giữa hàng thổ cẩm là những ếp đựng xôi bé xíu, nơm cá, đụt cá, khèn bè, sáo trúc, voi, ngựa cũng bé xíu – thứ đồ chơi đậm nét văn hóa dành cho trẻ nhỏ. Bên cạnh hàng ô giấy che nắng được làm khá kỳ công bằng thứ giấy bản tự sản xuất là đủ loại đèn lồng vuông, tròn, đèn lồng lò xo nhiều tầng và đồ gỗ, đồng, nhôm chạm trổ kỳ công.
Anh Nguyễn Hồ, Việt kiều đến từ TP.HCM, cho biết tất cả đồ chạm trổ là sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của dân bản Bò Xiêng ở cách đây chừng 4km, những người từng thạo nghề chạm khắc cung kiếm, mũ mạo cho bao đời vua quan.
Cùng với làng Pha Nôm, Bò Xiêng có nhiều nghệ nhân truyền đời nghề thêu dệt áo quần, mũ mạo phục vụ các triều vua Lào từ năm 1975 trở về trước. Vì thế hàng thổ cẩm, đồ chạm khắc được họ đem ra không chỉ để bán mà còn như để phô diễn tài nghệ với khách phương xa.
18g phố chợ bắt đầu sáng đèn. Từng đoàn khách Tây tràn vào khiến trong chốc lát chợ đã chật người. Điều khiến tôi ngạc nhiên là có những bé gái chừng 10 tuổi nhưng bán hàng cho khách Tây thông thạo chẳng kém người lớn. Khi khách ngã giá xong bé gái nhanh chóng bấm máy tính đổi tiền đô ra tiền kíp.
Theo anh Nguyễn Hồ, đó là những bé gái xuống chợ giúp mẹ bán hàng để mẹ ở nhà lo thêu dệt thổ cẩm cho phiên chợ đêm mai. Có cả những cụ già bán hàng hai bàn tay không ngớt thêu thùa khi rỗi khách. Và không ít trẻ nhỏ theo mẹ đi chợ bán hàng rồi thiếp ngủ trong địu vải sau lưng mẹ.
Chợ ẩm thực
Đây là chợ hàng ăn tự chọn được hình thành từ nhu cầu của du khách khi họ đã đói nhừ sau buổi dạo chợ, mua sắm. Chợ ăn rộn rịp không kém chợ hàng thủ công mỹ nghệ với những mẹt khoai lang luộc, những xâu lạp xưởng, thịt quay, thịt nướng, rồi cá rô rán, cá ngừ kho… Tôi lấy từ bếp than hồng của cô gái trẻ xâu xôi nướng (xôi dẻo vắt thành nắm như bắp ngô, rưới một lớp mỡ mỏng bên ngoài rồi nướng trên bếp than cho vàng, giòn) với giá 1.000 kíp (tương đương 15.000 đồng VN).
Bên cạnh, những du khách người Mỹ chọn cơm trắng hoặc cơm chiên, gỏi đu đủ, măng xào, dưa chua, thịt heo quay vào đĩa. Ọ lam – món đặc biệt của người Lào được khách Tây phải ăn thử và gật gù khen ngon. Ọ lam là thịt trâu hoặc thịt gà nấu cùng cây sạ khan có vị cay thơm tựa bạc hà.
Nghe nói có vị công chúa, con vua Thái Lan, sang đây đi “tàlạt changkhưn” đã không bỏ qua món ọ lam này. Đặc sản Lào còn có món khày phen là những sợi rêu “hái” giữa sông Mekong được chiên, nướng làm mồi uống bia Lào ngon và rẻ hết cỡ. Hoặc món năng nhẩm lạ lẫm làm bằng da trâu giã chày gỗ đem nướng ăn nóng với chẻo ớt.
Trước đây du khách từ Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… sau khi bay đến Luang Prabang thăm thú hoàng cung và ngắm chùa cổ Xieng Thoong nổi tiếng nhất nước Lào sẽ đi mua hàng thổ cẩm bày bán lẻ tẻ khắp các ngả phố. “Nếu cứ như vậy thì chưa thể tạo ra một môi trường du lịch đậm đặc”- ông Bun Hương, tỉnh trưởng Luang Prabang, nghĩ thế và đầu năm 2003 ông quyết định thành lập “tàlạt changkhưng”.
![]() Chùa cổ Xieng Thoong |
Cũng theo ông, từ năm 2006-2010 sân bay quốc tế Luang Prabang sẽ được nâng cấp đạt tiêu chuẩn sân bay khu vực để cố đô Lào sẽ có mức thu từ du lịch – thương mại đạt khoảng 500 triệu kíp/năm, trong đó “tàlạt changkhưn” là một tâm điểm thu hút du khách.