>> Du lịch Đà Lạt – Bình yên Trại Mát
>> Chương trình du lịch Đà Lạt tham khảo
Du lịch
Đà Lạt – thành phố cao nguyên thơ mộng có nhiều danh thắng đã làm say mê nhiều du khách. Ngoài việc ngoạn cảnh, nghỉ dưỡng, nhiều người còn đến Đà Lạt để viếng chùa.Chùa Linh Phước cùng với chùa Linh Quang, Linh Sơn, Linh Phong, Linh Thứu tạo thành “Ngũ Linh tự” nổi tiếng ở xứ sở hoa hồng. Tọa lạc tại số 120 Tự Phước, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 8km, chùa Linh Phước được khởi công xây dựng từ 1949 và hoàn thành 1952, đến nay đã trải qua năm đời sư trụ trì.
Từ một ngôi chùa nhỏ trên vùng đất rộng, năm 1990, dưới thời đức Thích Tâm Vị trụ trì, ngài đã tiến hành trùng tu lại toàn bộ chùa và xây dựng một số công trình mới. Vẫn là một ngôi chùa mang dáng dấp Á Đông với chính điện thờ Phật, các mái cong và rường cột chạm trổ hình các linh vật rồng, phụng, nhưng điểm đặc biệt của chùa Linh Phước là toàn bộ kiến trúc chùa đều khảm bằng mảnh sành tạo thành hoa văn nhiều màu sắc, hài hòa, cân đối. Từ khi chùa có diện mạo mới, không chỉ có Phật tử mà khách thập phương cũng đến đây nhiều hơn để chiêm bái công trình mang tính nghệ thuật đầy công phu và độc đáo này.
Ảnh: Internet
Từ Đà Lạt đến chùa Linh Phước, xe leo dốc trên con đường thoai thoải uốn lượn quanh co. Thông reo vi vút và hoa dã quỳ rải rác nở vàng bên đường đã làm du khách thấy lòng thư thái. Nhưng khi vừa đặt chân đến sân chùa, nhìn nụ cười hiền hòa, ấm áp mà uy nghi, bao dung của đức Quan Thế Âm Bồ Tát tại đài Quan Âm Các là muộn phiền như tan biến, chỉ còn lại sự tĩnh tại, an nhiên. Hình tượng rồng gần như bao quát toàn bộ kiến trúc của ngôi chùa, được chạm khắc, xếp đặt rất tỉ mỉ, công phu trên các hàng cột và mái chùa.
Vì thế, du khách sẽ càng ấn tượng hơn với tượng rồng đặt tại Long Hoa Viên, là hình thế con rồng uốn lượn dài tới 49m, rộng 1,3m quanh tượng đài Phật Di Lặc. Vẩy rồng được làm bằng mảnh vỡ của hơn 20.000 vỏ chai bia. Cạnh thân rồng đang vẫy vùng đầy uy vũ là hồ nước và giả sơn làm thành tiểu cảnh sơn thủy hữu tình. Nhưng Chánh điện và Tiền đàn bảo tháp mới là công trình độc đáo chính. Dọc hai bên Chánh điện là hai hàng cột rồng khảm mảnh sành, trông giống như tại các lăng mộ vua nhà Nguyễn.
Phía trên là những bức phù điêu mô tả lịch sử Đức Phật Thích Ca từ giáng sinh đến nhập niết bàn. Phía sau Tổ đường có bức phù điêu Thập bát La Hán và Thập mục Ngưu đồ cùng nhiều điển tích, tất cả đều được bàn tay nghệ nhân chăm chút tỉ mỉ rất nghệ thuật, sắc nét và sống động. Trước Long Hoa Viên còn có tòa linh tháp bảy tầng, cao 36m cũng được chạm trổ hình rồng.
Đây là bảo tháp cao nhất Đà Lạt hiện nay, tôn trí xá lợi và cũng là bảo tang viện. Bóng nắng chiếu vào những mảnh sành tạo cho tháp một vẻ lung linh, huyền ảo. Chùa Linh Phước còn có Đại hồng chung cao 4,3m, đường kính 2,3m và nặng 8,5 tấn do nhóm nghệ nhân Huế có nhiều đời đúc chuông đến đúc tại sân chùa. Hơn một năm để tạo khuôn, đúc và chạm khắc mới hoàn thành Đại hồng chung vào năm 1999.
Với người dân Đà Lạt, chùa Linh Phước còn gắn với sự huyền nhiệm khi nhiều người đã chứng kiến hai lần ánh hào quang xuất hiện giữa ban ngày trên bảo tháp vào ngày 19 và 22-1-2009. Đó là một vầng sáng khác thường với nhiều màu sắc đẹp như cầu vồng, tỏa rộng khoảng phía trên đỉnh tháp chuông chùa trong nhiều giờ mà hình ảnh đã chụp còn lưu lại, trưng bày cho du khách xem.
Theo Thuần Minh – Báo DNSGCT – Ngày 4/11/2011
Tags: Du lịch trong nước, Du lịch Nha Trang, Du lịch Phan Thiết, Du lịch Đà Lạt, Du lịch Phú Quốc, Du lịch Côn Đảo, Du lịch Đà Nẵng, Du lịch Huế, Du lịch Hội An, Du lịch Hà Nội, Du lịch Miền Trung, Du Lịch Miền Bắc, Du Lịch Miền Nam