Du lịch Ấn Độ – Pháp hội của Đức Dalai Dama tại Dharamsala

Du lịch Ấn Độ – Đêm trước ngày diễn ra Pháp hội, Dharamsala mưa tầm tã, gió thổi mạnh, như có bão rớt, chúng tôi lo lắng không biết thời tiết kéo dài như thế này có ảnh hưởng đến Pháp hội không? Vậy mà sáng hôm sau chỉ còn những hạt mưa bụi lất phất, trời dần dần quang đãng. Mọi người nói vui, đêm qua trời mưa gió, mây đen vần vũ chắc là chư Thiên, Long thần, Hộ pháp cũng đến nghe pháp. Các Ngài “hô phong hoán vũ” để mừng cơn mưa Pháp mà chúng tôi sắp được nghe từ một vị “Thánh tăng giữa đời thường”.

dharamsala_08
Chánh điện Tsuglag Khang và pháp tòa

Nếu có ai hỏi tôi: Bạn có cảm xúc như thế nào khi được diện kiến một con người nổi tiếng và vĩ đại như Ngài Đạt Lai Lạt Ma, một Thánh tăng giữa đời thường, thành tựu một ước nguyện mà bạn đã ấp ủ trong 12 năm qua ? Tôi chỉ có thể trả lời bằng hai chữ “tuyệt vời “.

Vâng, tuyệt vời như người mẹ đã khuất của tôi, trong giấc mơ bỗng hiện về đặt bàn tay ấm áp trên đầu tôi với nụ cười của một vị Bồ Tát.

Thật vậy, ấn tượng đầu tiên của tôi khi trông thấy Ngài là nụ cười thật hiền hậu, cử chỉ khoáng đạt, thân thiện và đôi mắt tinh anh ẩn sau cặp kính trắng. Sau khi chào hỏi đại chúng, thực hiện các nghi lễ dâng hương, tán thán Phật và nhận sự cúng dường bài Tâm Kinh Bát Nhã của Tăng Ni Phật tử VN và Tây Tạng, Ngài bước lên pháp tòa, chắp tay xá đại chúng với nụ cười thật hoan hỷ, bắt đầu buổi giảng pháp ngày thứ nhất.

Lời nói đầu tiên là Ngài rất vui và vinh dự được đón tiếp đoàn Tăng Ni Phật tử VN lần đầu tiên đến trú xứ của Ngài. Ngài đã từng đặt chân đến hơn 40 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Pháp v..v Ngài cảm nhận dù sống ở nơi đâu, người VN cũng dành cho đất nước Tây Tạng của Ngài sự cảm thông và ủng hộ. Dân tộc VN cũng có truyền thống Phật giáo lâu đời, và Phật tử VN rất tín tâm với Phật pháp. Ngài cũng rất vui khi được biết Tâm Kinh Bát Nhã được đọc, tụng nhiều ở VN giống như ở Tây Tạng.

dharamsala_09

Ngài Đạt Lai Lạt Ma đăng đàn thuyết pháp

Rồi Ngài hỏi thăm đại chúng ngủ có ngon không? Dharamsala là một vùng núi cao, có bị ” lạ nước ” có bị đau bụng không ? Thật chân tình, giản dị và ấm áp biết bao.

Ngài nói tiếng Tạng, người thông dịch sang tiếng Việt là sư cô Nhật Hạnh một Ni sinh đang theo học Kim Cang Thừa tại Dharamsala đảm nhiệm.

Đại chúng bị cuốn hút bởi khả năng biện tài của Ngài, khúc chiết nhưng không thiếu sự khôi hài, bằng những dẫn dụ nhẹ nhàng, hóm hỉnh Ngài kể: “Có người hỏi tôi ở Tây Tạng có nhiều phái: mũ vàng, mũ đỏ, mũ trắng v..v tại sao như vậy? Tôi trả lời: “Đức Phật không có đội mũ “. (Đại chúng cười ồ).

Ngài khuyên mọi người đến với đạo Phật, theo Ngài không phải chỉ có niềm tin mà cần có sự hiểu biết về giáo pháp, cần phải học hỏi và thực hành. Điều này rất quan trọng, bởi đạo Phật cốt lõi là đạo của trí tuệ, là đạo của sự thật.

Ngài nói đại ý là chúng ta sống trong thế kỷ 21, nhiều phát minh khoa học tiên tiến ra đời, là thời đại của internet, mọi thông tin, kiến thức có thể tìm thấy rất phong phú, rất nhanh, hãy lợi dụng những phương tiện hiện đại đó để trau dồi sự hiểu biết về Phật pháp và hãy thực hành Bồ tát đạo, làm lợi ích cho mình và cho người khác. Mỗi người hãy là một vị Bồ Tát, một vị Phật, một Thượng đế, một đấng Sáng tạo của chính mình.

Chúng tôi rất cảm động vì đây là những lời nhắn nhủ tinh túy, tràn đầy lòng từ bi Ngài đã dành cho chúng tôi, những người con của đức Phật đến từ một đất nước còn nghèo, thường xuyên bị thiên tai dịch họa, đang đứng trước nhiều thách thức trong việc xây dựng một xã hội công bằng, đạo đức một cuộc sống hạnh phúc, an vui cho tất cả mọi người.

Theo nghi lễ Tây Tạng, giữa các buổi giảng pháp là lễ cúng dường trà. Các vị tu sỹ Tây Tạng cầm bình trà sữa và những chiếc bánh làm bằng bột mì có vị ngọt rót và mời tất cả mọi người trong chánh điện và cả bên ngoài.

Ngài Đạt Lai Lạt Ma cũng ăn bánh uống trà như chúng tôi, cười sảng khoái, thân thiện và giản dị, sự giản dị tự nhiên xuất phát từ cái tâm phóng khoáng ” tứ hải giai huynh đệ ” và Ngài cũng rất tinh tế, sau khi uống trà nóng xong, Ngài bảo một vị Tăng trẻ điều chỉnh lại quạt máy trong chánh điện cho mọi người mát mẻ hơn, tắt đèn cho mọi người bớt chói vì bên ngoài nắng đã lên.

Chúng tôi cảm nhận mỗi cử chỉ, mỗi hành động, mỗi lời nói và ngay cả sự im lặng của một vị Đạo sư đều là bài pháp vi diệu. Trong đạo Phật gọi là “Thân giáo”.

Chương trình thuyết pháp được tiếp nối bằng phần thính chúng đặt câu hỏi nêu thắc mắc với Ngài. Cũng với phong cách giản dị, Ngài rời pháp tòa, ngồi trên một chiếc ghế thấp để gần với thính chúng hơn, thỉnh thoảng Ngài nói bằng tiếng Anh.

dharamsala_10

Ngài Đạt Lai Lạt Ma cùng với HT Giác Toàn (Việt Nam) trong buổi vấn đáp thân mật

Có một câu hỏi “ngoại điển” rất hay đặt ra cho Ngài : thính chúng muốn biết Ngài có chuẩn bị sự tái sinh của Ngài không?, Ngài sẽ trở thành một Lạt Ma của Tây Tạng hay không ?.

Chúng tôi thật bất ngờ, Ngài trả lời theo cách ẩn dụ thật khéo léo. Ngài nói đến quê hương Tây Tạng Ngài đã ly biệt, đến vai trò chính trị Ngài đã từ bỏ, đến sự phát triển của Phật giáo và Ngài tin rằng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhất là ở phương Tây, vì vậy Ngài có tái sinh không và tái sinh ở đâu, Ngài trả lời với nụ cười: “No answer”.

Hai ngày trôi qua, pháp hội kết thúc bằng lễ Cầu Trường Thọ cho Ngài.

Được cúng dường chụp ảnh kỷ niệm với Ngài là vinh dự và hạnh phúc hiếm có, nên ai cũng muốn đứng thật lâu, nhưng rồi cũng phải đãnh lễ tạm biệt Ngài, có người với nụ cười rạng rỡ, có người với đôi mắt đỏ hoe.

Nhưng đột nhiên tất cả đều vỡ òa trong vui mừng khi Ban tổ chức thông báo về một tin bất ngờ, một đặc ân hy hữu chưa từng có : Ngài Đạt Lai Lạt Ma lần đầu tiên cho phép Tăng Ni Phật tử VN đến viếng và đãnh lễ nhục thân của Vị Thánh Sư, Giáo Thọ của Ngài : Ling Rinpoche thứ 6.

Nhục thân Thánh Sư được thờ trong một biệt điện nằm trên một ngọn đồi bao bọc bởi những cây thông, cây tùng cổ thụ, tịnh thất đơn sơ của Ngài Đạt Lai Lạt Ma cũng nằm ẩn khuất gần đó, nối tiếp bằng những khoảnh sân vườn trồng nhiều bonsai và hoa, thật nhiều hoa.

dharamsala_14

Thánh Tăng giữa đời thường

Om Mani Pad Me Hum

Ở đây, Ngài sinh hoạt như một tu sỹ bình thường, như Ngài thường nói: Tôi chỉ là một tu sỹ Phật giáo bình thường, không hơn không kém (I am just a simple Buddhist monk, no more no less).

Vào trú xứ của Ngài, an ninh rất nghiêm nhặt, kiểm tra hai vật bất ly thân là hộ chiếu, thẻ an ninh đi lại trong Dharamsala, khám xét người vào các khu vực đặc biệt là chuyện bình thường và bắt buộc. Hành lý to hay nhỏ kể cả điện thoại máy ảnh, máy quay phim đều phải bỏ lại bên ngoài.

Chúng tôi chắp tay im lặng bước vào căn phòng đầu tiên, nơi trưng bày các bức tranh (thanka) đặc trưng mỹ thuật Tây Tạng, các tượng Phật bằng vàng bạc, ngọc quý, các pháp khí đủ loại, kích cỡ khác nhau được chạm trổ rất tinh xão, rât đẹp, đúng là quốc bảo của đất nước Tây Tạng.

Phòng kế tiếp là nơi thờ Thánh Sư. Chiêm bái nhục thân Thánh Sư xả báo thân trong tư thế tĩnh tọa kiết già, chúng tôi quỳ xuống đảnh lễ với niềm xúc động vô cùng : đây là vị Thầy đã khai tâm mở trí cho Ngài Đạt Lai Lạt Ma và Ngài Đạt Lai Lạt Ma, trong sự ngưỡng mộ và kính trọng của Phật tử của những người khác tôn giáo hoặc không tôn giáo khắp nơi trên thế giới, Ngài chính là sự tiếp nối xứng đáng và rạng rỡ nhất.

Đảnh lễ Thánh Sư, chúng tôi càng chiêm nghiệm sâu sắc giáo lý luân hồi của đạo Phật. Riêng Phật giáo Tây Tạng đã chứng minh sự tái sinh bằng hóa thân của các vị Lạt Ma, đây là điểm đặc sắc nhất của Phật giáo nước này.

Chúng ta đã từng chết đi, sống lại nhiều đời, nhiều kiếp, vì thế chết không phải là điều đáng sợ, và sống là có cơ hội tu tập, thành tựu công đức vì lợi ích cho tất cả chúng sanh.

Ngài Đạt Lai Lạt Ma đã và đang thành tựu công đức vô lượng như thế.

Xin đãnh lễ Ngài với lòng tôn kính và tri ân vô hạn.

Theo Internet

BÀI VIẾT KHÁC

Thông Tin Tư Vấn

Vui lòng điền chính xác thông tin
để được đội ngũ Du lịch Hoàn Mỹ hỗ trợ tốt nhất