>> Du lịch Châu Á – Có một Venice phương đông trên non cao
Du lịch Ấn Độ – Khi tôi vừa chạm mắt thấy mặt trời mọc bên chùa Việt Nam Phật quốc tự (Lâm Tỳ Ni) ở đất nước Nepal, lại vừa chợt thấy con chim hoàng hạc xoè cánh trắng mờ như hai nửa vầng trăng khuyết. Phút giây huyền ảo vụt như ánh chớp loé lên rồi chợt tắt, hoàng hạc cụp cánh. Tôi đã ngồi chết lặng vì nuối tiếc vẻ đẹp ngắn ngủi mà thiên nhiên dành cho đời mình.

Chùa Bồ đề đạo tràng.
Bốn giờ sáng chân mới thập thững ở sông Hằng, chợt gặp giọt mặt trời đỏ lựng nhô lên mặt sông Hằng ngày 16 âm lịch, ánh trăng dát bạc tràn mặt sông. Khoảnh khắc huyền ảo, hiếm có thể quên. Tôi ngồi vớt mặt trời trên sông Hằng.
Đi tới thành phố Sanath
Tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi ba ngọn tháp nhọn hoắt, đen đúa và những đống củi khô còn chất đầy trên sông Hằng. Nơi đó, ba ngọn tháp là ba lò thiêu, cái bến cuối của đời người dân Ấn Độ, có cả người đầy chức sắc, người giàu có lẫn dân đen; nơi đó cho nhân gian thấy sự công bằng của tạo hoá trở lại. Tôi vẫn còn run khi nhìn những túp lều cỏ xiêu vẹo và những người mộ đạo ngồi thiền. Cảnh bán hàng rong, họ cân bằng chiếc cân dĩa cổ lỗ, quả cân còn sót lại của Việt Nam ở thế kỷ 20. Nhớ nhung quê nhà.
Tôi nhớ, khi dừng chân ở Lumbini (Lâm Tỳ Ni), chốn mà Đức Phật sinh ra. Mùa xuân nào cũng có tới hàng vạn người Tây Tạng, hàng vạn người đủ các màu da, trên các châu lục, họ tìm đến đây, họ có thể nhìn. Nhìn thôi. Có người không theo đạo Phật, nhưng họ muốn hiểu biết về văn hóa Phật giáo khác văn hoá Thiên Chúa giáo, khác nữa với văn hoá của đạo Hindu… Còn tôi thì sau khi đọc sách lại rất tò mò với tiểu sử của Đức Phật, khi ngài vừa sinh ra đã nói: ta là người cao quý nhất thế gian/ta là người giỏi nhất thế gian/ta là người kiệt xuất nhất thế gian…
Đức Phật vốn xuất thân là hoàng tử Gautama, là con trai hoàng hậu Maha Maya.
Sau những hành trình tìm kiếm của ngài, và ngài tìm đến sự thật, chân người đã dừng ở Bodh Gaya (Bồ đề đạo tràng), một nơi ngài ngồi dưới gốc bồ đề và giác ngộ. Sau đó ngài trở về Sarnath là nơi người thuyết pháp lần đầu tiên.
Vùng đất thiêng Sarnath này, khi mỗi mùa xuân về, không thể tính có biết bao biển người đổ về đây dâng hương. Là nơi tràn màu vàng của cúc vạn thọ, tràn hoa súng ở các hành lang tường rào bao quanh Bồ đề đạo tràng. Bạn sẽ hiểu thêm miền đất thiêng của văn hoá Phật giáo.
Bình minh ở chùa Việt Nam Phật quốc tự (Lâm Tỳ Ni) Nepal.
Phân bò phơi khô làm củi đem bán.
Vòi nước công cộng.
Quang cảnh ở chùa Bồ đề đạo tràng.
Tôi đã tới tứ thánh địa Phật giáo, niềm uớc mơ của nhiều phật tử châu Á, và ước mơ khám phá của các bạn trẻ. Vùng đất mà sự kỳ bí này cũng vẫy gọi hồn ta nữa. Nơi đây có những vị tu hành tuổi còn rất trẻ, họ ngồi thiền qua ngày với nét mặt bình thản, như không có gì vương vào tâm hồn. Mọi giá trị vật chất đứng phía bên ngoài cơ thể bạn ở nơi này. Còn một câu hỏi hắt lên dưới mặt trời, trái đất: nếu như ai cũng tu hành như thế.
Nếu như, ai cũng không khát vọng thì cuộc sống sẽ ra sao? Sẽ tìm đâu ra các nhà bảo tàng, cung điện, tìm đâu ra những lâu đài cổ và tháp cổ thâm u hút hồn lữ khách? Sẽ lấy đâu ra những kinh kệ vàng ở chùa Phật Ngọc, lấy đâu ra đá dát bạc ở chùa Thái Lan, lấy đâu ra cung điện mùa đông ở Nga thời Nga Hoàng… Một câu hỏi của một nhà văn trẻ Việt Nam đã hỏi sư thầy Từ Tâm, và tôi thấy ánh mắt thầy Từ Tâm tủm tỉm cười. Trong ngôi chùa Bồ đề đạo tràng, tôi cũng xếp hàng và tôi thấy Phật cũng mỉm cười. Không đáp.
Rồi đâu đó trên thuyền, đâu đó trên dương gian tôi cũng gặp không ít kẻ sống đạo đức giả, họ nhìn những người cùng khổ như kẻ bỏ đi. Họ còn tuyên ngôn hùng hồn đứng ở phe người giàu nữa. Chỉ có người giàu làm cho đất nước tiến lên, vững mạnh. Không sai. Nhưng đâu đó trong nhân gian vẫn còn những người Việt Nam lặng lẽ chăm lo cho ngôi trường, cho những ngôi chùa ở Bodh Gaya, họ dạy dỗ và cho chữ cho đời sống các em nhỏ Ấn Độ khá hơn ngày hôm qua.
Họ cười rất hiền. Tôi cũng gặp những người từng hy sinh lặng lẽ, sống không ồn ào, họ không keo kiệt với bạn, họ không mua chim mua cá thả sông, đòi chụp ảnh tự sướng. Mà bởi vì việc làm từ thiện là việc làm nên lặng lẽ và kín đáo cho đời một con người. Có lẽ tâm Phật là ở đó. Kẻ thiển nghĩ này nghĩ vậy.
Khi xe đi lạc đường vài trăm cây số tôi lại thấy Phật đã an ủi tôi, tôi đi lạc vào một làng quê người Ấn ở Sarnath, những cánh đồng hoa cải trải mút mắt. Hoa cải ở Ấn mọc rất cao, rực rỡ nở, rực rỡ lụi tàn. Không mấy ai hay.
Và nông dân Ấn Độ còn một vinh danh nữa họ vinh danh những con bò. Con bò cho họ sữa, cho họ lúa mì khi kéo xe, khi cày vỡ… Con bò cho họ phân, và họ phơi phân khô trộn với rơm làm to như cái bát ăn cơm, rồi họ đội trên đầu đem ra chợ bán làm củi đun.
Ngồi vớt mặt trời ở sông Hằng đã cho tôi những khám phá mới về mùa hoa cải, và dầu hoa cải; về một loại phân bò để đun và nghề dệt vải thủ công ở Ấn Độ tiền lương rẻ mạt. Tiếng thoi ở đâu cũng có âm điệu như nhau, những ngồi vớt mặt trời trên sông Hằng, những ám ảnh về xứ Ấn còn chưa nhoà nhạt, khi ở Sarnath đang mưa, và buổi trưa lại rực nắng trong trưa với hoa cải vàng nao dạ.
Tôi lại mong có dịp trở lại bên sông Hằng, rồi nhớ ngồi vớt mặt trời hay vớt mặt trăng lẻ bóng mà nhìn kỹ vẻ đẹp kỳ bí của Ấn Độ để thấy mình đi xa, cảm xúc rất khác với không gian tĩnh lặng khi ở đất nước mình.
Theo Hoàng Việt Hằng – Báo SGTT – Ngày 26/02/2014
Một vài kinh nghiệm đi Ấn Độ – Nếu hỏi đường nên hỏi cảnh sát, hoặc bí quá phải hỏi bốn người, hai người nói đúng thì hãy cho xe chạy. – Nên mang theo một bình đun nước, hoặc bỏ ra 1 USD mua nước nóng buổi sớm, khi lạnh, kể cả ở khách sạn. – Nên mua vé mang máy ảnh vào Bồ đề đạo tràng. Vào chùa Việt Nam, chùa Hàn, chùa Thái… đều có chỗ ngủ, buổi sớm có người ra thu tiền, khoảng 150.000đ tiền Việt/đêm. – Đến nhà nghỉ, khách sạn nhất thiết phải xin một cardvisit mang theo người. Taxi ở Ấn Độ giá rất rẻ. – Ở Ấn Độ họ nói thách rất cao, gấp đôi, gấp ba, bạn có thể mặc cả thấp không sợ họ quát. Người bán hàng rất hiền. – Nên mang giày thấp, và mua đồ da rất dễ ở Kolkata. Ở vùng đất Phật lại rất hiếm, giá đồ uống rất cao. |
Tags: Du lịch Châu Á, Tour du lịch Châu Á, Vòng quanh Châu Á, Tư vấn du lịch Châu Á, Ý kiến khách hàng về du lịch Châu Á