Một chuyến đi chơi sẽ trọn vẹn hơn nếu chúng ta biết lường trước và chuẩn bị cho những tình huống xấu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe
Trúng nắng (say nắng)
Trúng nắng hoặc say nắng xảy ra khi làm việc hoặc chơi đùa, chơi thể thao trong môi trường nóng bức và ẩm, làm cho cơ thể mất nước – điện giải do toát mồ hôi, dẫn đến nhiệt độ cơ thể tăng lên.
Say nắng là một tình trạng cấp cứu vì có thể đe dọa sinh mạng. Nhiệt độ trong cơ thể tăng cao có thể đưa đến tổn thương não và các cơ quan nội tạng khác.
Trẻ sơ sinh và người cao tuổi dễ bị trúng nắng và say nắng hơn. Một số thuốc có thể làm tăng nguy cơ bị trúng nắng hoặc say nắng như thuốc chống dị ứng antihistamin, một số thuốc dùng điều trị cao huyết áp và trầm cảm. Do vậy, nhớ lưu ý đến những người đang sử dụng các loại thuốc này.
Dấu hiệu cho biết một người bị trúng nắng: da xanh, ẩm và lạnh, toát mồ hôi nhiều, bị vọp bẻ các phần cơ thể, chóng mặt, muốn ngất, nhức đầu, yếu mệt, khát nước, nhiệt độ cơ thể tăng, mạch nhanh. Trường hợp nặng đe dọa sinh mạng, nạn nhân có thể lú lẫn,chậm chạp, da nóng và khô.
Sơ cứu: Nhanh chóng đưa nạn nhân vào nơi có bóng râm, cho uống nhiều nước mát, nới lỏng áo quần, lau mát. Chú ý không được lau mát bằng cồn, không cho uống thức uống có cồn hoặc caffeine.
Trường hợp nặng có lú lẫn, chậm chạp thì phải gọi bác sĩ hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Phòng ngừa: Tránh vận động thể lực gắng sức trong môi trường nóng và ẩm, đặc biệt với những người không quen với khí hậu nóng. Không phơi nắng liên tục quá lâu mà phải có lúc nghỉ ngơi trong bóng râm, thoáng khí, uống nhiều nước. Mặc quần áo bằng loại vải dễ hút nước, màu sáng, rộng rãi. Đặc biệt chú ý những đối tượng như trẻ sơ sinh, người cao tuổi, đang sử dụng một số thuốc như thuốc chống dị ứng antihistamin, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc chống trầm cảm dễ bị trúng nắng, say nắng.
Chấn thương
Chấn thương là nguyên nhân gây tử vong thường gặp cho người trẻ tuổi khi đi du lịch. Những nguyên nhân thường gây chấn thương là tai nạn giao thông và tai nạn sông nước.
Để phòng ngừa tai nạn giao thông: Không nên tự lái xe ở nơi chưa thông thạo địa hình, không quen đường sá và tình hình giao thông, tránh nơi mật độ giao thông đông đúc, tuân thủ các nguyên tắc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, thắt đai an toàn khi ngồi trong xe hơi. Và để tránh những đáng tiếc xảy ra khi bơi lội thì không nên bơi lội vào ban đêm, không nên bơi một mình. Luôn luôn nghiêm túc với bản thân: không sử dụng thức uống có cồn trước khi lái xe hoặc đi bơi.
Tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm
Tiêu chảy là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở khách du lịch. Bệnh xảy ra khi sử dụng thức ăn, nước uống bị nhiễm và đưa vi trùng lạ vào ống tiêu hóa.
Phòng ngừa: Uống nước đóng chai, nước lọc, đun sôi, để nguội. Không dùng nước đá lạnh. Ăn thức ăn mới nấu chín hoặc đã được làm nóng lại đến nhiệt độ sôi.
Hầu hết trường hợp bệnh có thể tự khỏi, chỉ cần uống đủ nước để tránh mất nước. Nước uống thông thường cũng đủ đối với người trẻ. Đối với trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi, có thể cần dung dịch bù nước và điện giải.
Người có triệu chứng nặng hơn (tiêu lỏng ≥ 3 lần/8 giờ) có thể cần uống kháng sinh. Kháng sinh thích hợp thường là Ciprofloxacin.
Tuy nhiên nếu tiêu chảy nhiều, có sốt hoặc mệt lả người thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu.
Phản ứng dị ứng nặng
Phản ứng dị ứng nặng có thể đe dọa sinh mạng trong tích tắc. Trong trường hợp nghi ngờ có phản ứng dị ứng nặng, phải gọi kíp cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức.
Những nguyên nhân thường gặp của choáng phản vệ (Phản ứng dị ứng nặng):
• Sau khi ăn thực phẩm như trứng, hải sản, đậu phộng hoặc sản phẩm có đậu phộng.
• Dùng thuốc kháng sinh.
• Bị côn trùng chích như ong, kiến.
• Dị ứng với phấn hoa.
Du-lich-an-toan-1
Triệu chứng: Cơn khó thở, thở khò khè; nổi mề đay, sưng môi, mặt, mạch nhanh, toát mồ hơi, da xanh tái, chóng mặt, muốn ngất, ngất, huyết áp tụt, đau bụng, buồn nôn, nôn.
Sơ cứu: Gọi bác sĩ/ kíp cấp cứu ngay lập tức. Cho nạn nhân nằm xuống, kéo cao hai chân. Nếu có adrenaline, tiêm ngay lập tức. Tiếp tục gọi bác sĩ/kíp cấp cứu nếu có thể hoặc chuyển nhanh người bị nạn đến bệnh viện gần nhất.
ThS-BS. NGÔ DUY ĐỨC (Nguồn tạp chí SSM)
Những kiến thức cơ bản sẽ giúp bạn đỡ bối rối trước các vấn đề thông thường như say nắng, chấn thương, tiêu chảy… Túi thuốc sơ cấp cứu cần mang theo khi đi du lịch Thuốc tiêu hóa: – Buscopan 10mg: Thuốc giảm co thắt đường tiêu hóa dành cho người lớn và trẻ trên 5 tuổi. – Imodium: thuốc cầm tiêu chảy dành cho người lớn và trẻ trên 5 tuổi. – Smecta: Thuốc cầm tiêu chảy. – Gói Oresol bù nước. – Efferalgan viên sủi 500mg, gói bột 250mg, gói bột 150mg, gói bột 80mg, viên tọa dược 300mg, viên tọa dược 150mg, viên tọa dược 80mg. Thuốc tim mạch: – Lopril 50 mg: Thuốc hạ huyết áp. – Risordan 5mg: Thuốc trị cơn đau thắt ngực. – Nitroderm miếng dán trước ngực 5mg. Thuốc hen suyễn: – Ventolin ống khí dung xịt họng: Dành cho những người có tiền sử hen suyễn hoặc viêm phế quản. Thuốc chống dị ứng: – Clarityne (hoặc Cezil): thuốc chống dị ứng. Các thuốc khác: – Calci Sandoz 500mg: Viên thuốc canxi để ngăn ngừa và điều trị chứng co giật tetani hoặc tê rần tay chân do thiếu canxi. – Tanganil 500mg: Thuốc điều trị chóng mặt xoay vòng vòng do rối loạn tiền đinh. Các loại: Băng thun, băng quấn, băng keo cá nhân, cồn Iode, Oxy-già, bông gòn, que tăm bông, nẹp gỗ, khăn lông, dầu nóng, dầu khuynh diệp, khăn lau mát. |