Loài hoa phương Đông
Tulip trên đường phố Istanbul
Trong thế giới hiện đại vẫn tồn tại vài sự nhầm lẫn, chẳng hạn như việc nhiều người nghĩ là Hà Lan là quê hương của cối xay gió và uất kim hương, tức hoa tulip.
Thực ra tulip có nguồn gốc ở vùng đất nay là Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ bắt đầu xuất hiện tại Hà Lan vào thế kỷ XVI, gây ra cơn sốt đầu tư tulip gieo rắc thiệt hại tài chính trong những năm 1634 – 1637.
Sách sử ghi rằng vua Mehmed II (1432-1481) đã chiếm Istanbul (kinh đô đế quốc Byzantine – Đông La Mã, tên gọi khi đó là Constantinopolis) vào mùa hoa tulip. Nhưng khi ấy, trong thành phố chẳng có một cành tulip nào, vì những người cai trị đế quốc Byzantine không nhận biết vẻ đẹp của loài hoa này.
Sau cuộc chinh phục, mỗi năm, vào mùa hoa tulip nở, vua Mehmed tổ chức các cuộc diễu hành với đèn lồng nhiều màu sắc, cùng hoa tulip bên bờ cảng Sừng Vàng.
Về sau, niềm say mê loài hoa này được thể hiện trong các hoạt động vui chơi giải trí dọc theo bờ Sadabad. Nhờ các lễ hội này, vẻ đẹp của hoa tulip được đề cao, chiếm một vị trí đặc biệt, vì nó thể hiện những biểu tượng của đạo Hồi.
Tulip rụt rè như một cô dâu đỏ mặt, bối rối như một cô gái xinh đẹp trước những lời khen tặng, biểu hiện cho tính nhẫn nại, chung thủy và cho cả tình yêu. Hoa được trồng vào tháng 10 và nở vào tháng 4, sáu cánh hướng ra khắp nơi.
Tulip trên đường phố Istanbul
Mỗi nền văn minh đều có một vật nào đó làm biểu tượng cho các đặc tính cơ bản. Nhìn từ bên ngoài, có thể chỉ là những tiểu tiết, nhưng trên thực tế biểu tượng này đã ăn sâu vào trong tâm thức của công chúng, tác động trên mọi mặt đời sống xã hội, cũng như hoa tulip có thể xem như chỉ dành cho người dân nước Thổ.
Thật vậy, tên của nó đồng nghĩa với một truyền thống, một đối tượng của niềm vui và một nét đẹp cho quê hương Thổ nhĩ Kỳ. Từ những chuyến tham quan các khu vườn tulip tráng lệ, vui chơi tại Sadabad và tụ họp trong vườn hồng…, hoa tulip đã là một phần trong đời sống xã hội của đế quốc Ottoman (1299-1923).
Các nhà thơ đã tô điểm cho câu đối của họ với phép ẩn dụ vay mượn từ hoa tulip và các họa sĩ, thợ chạm, khắc gỗ, điêu khắc gia, thợ làm gạch, thợ sành sứ… đều trang trí, thiết kế hình tượng hoa tulip trên các sản phẩm của mình, hình thành một nền văn minh duyên dáng và thanh lịch.
Đó là Thời đại tulip, từ 1718 đến 1730. Ban đầu, tulip được trồng ít, theo dạng bụi ngắn ngày, cho đến thời Suleyman Đại đế (trị vì Ottoman lâu nhất, 1520-1566) mới trồng dưới dạng củ mang về từ Crimea (Ukraina) và Manisa (Thổ Nhĩ Kỳ).
Hoa đã bén rễ trên đất Istanbul, trở nên xinh đẹp, đầy sức sống, nổi bật về hình dạng và màu sắc như là một món trang sức cho khu vườn.
Những năm đầu tiên sau khi được trồng tại Istanbul, tulip xuất hiện tại các khu chợ với hàng trăm tên gọi, được buộc thành từng bó bằng chỉ vàng, bạc hoặc lụa và giữ gìn một cách trân trọng.
Cuối cùng, cả những người thuộc tầng lớp thượng lưu cũng cạnh tranh nhau để phát triển hoa tulip, trong khi các nhà nghiên cứu dồn mọi nỗ lực để có thể cho ra giống mới mỗi năm. Vườn cây, vườn nho và nông thôn Istanbul ngập tràn hoa, nhưng người Thổ vẫn không ngừng phát triển tulip.
Hơn nữa, hoa tulip dư thừa trồng bên trong các cung điện được bán ra các chợ và tiền thu được dùng để bù đắp các chi phí hoặc trợ giúp những ai cần đến…
Tên gọi tulip
Một du khách và là nhà văn người Áo nổi tiếng, Oghier Ghislain Busbecq, đã tới Istanbul làm đại sứ dưới thời Suleyman Đại đế, viết trong hồi ký: “Từ hoa tulip trong ngôn ngữ phương Tây (Latin: tulipa; Đức: tulpe; Pháp: tulipe; Anh: tulip; Ý: tulipano; và Nga: tul’pan) được người Thổ Nhĩ Kỳ phát âm là “tulipan”, có liên quan tới từ t lbent để gọi loại vải mut-xơ-lin mà họ quấn quanh đầu như một khăn xếp”.
Theo ông, nhờ người Ottoman mà châu Âu đã được biết đến hoa tulip.
Tulip trước đền thờ Hagia Sofia
Theo một trong những truyền thuyết lâu đời nhất của Istanbul, vào một chiều Xuân nọ, có một chàng trai vừa đến tuổi dậy thì, đến bên ngoài một quán cà phê phía trước đền thờ Hagia Sophia (nay là viện bảo tàng thu hút rất nhiều du khách đến ngắm 20.000 tấm ngói được các nghệ nhân thủ công thiết kế theo hơn 50 kiểu hoa tulip) và ngồi vào ghế đối diện Busbecq.
Từ trên khăn xếp, một đóa tulip võng xuống trên tai của anh, biểu lộ tình yêu của anh với một cô gái tên Lâle (tên gọi hoa tulip theo tiếng Thổ).
Busbecq không hề biết tục lệ của người Thổ về việc cài hoa sau tai và cũng chưa bao giờ thấy loại hoa nào như thế. Tiến đến gần, ông chỉ vào đóa hoa và hỏi với âm giọng lơ lớ. “Anh bạn ơi, đaaây là caaái…gì? “.
Chàng trai tưởng ông muốn hỏi tên loại vải quấn trên đầu nên đáp rõ từng âm: T l-bent (Mut-xơ-lin).
Hôm sau, Busbecq bỏ vào một cái hộp các bản viết tay mua từ chợ sách Istanbul để gửi cho một người bạn ở Hà Lan và kèm theo một vài củ giống hoa với ghi chú: “Bạn mến, các củ giống này sẽ cho ra hoa màu hồng ngọc. Người Thổ gọi chúng là Tulipan!”.
Tulip nay được trồng rất nhiều ở Hà Lan, Canada, Anh, Mỹ và Úc. Tại các nước này, vào mùa Xuân đều có các liên hoan hoa tulip. Nhưng trong hơn mấy trăm hãng hàng không của toàn thế giới thì chỉ có Hàng không Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ lấy tulip làm logo.
Ngày 11/01/2012