Từ tháng 9-10 hằng năm là thời điểm Mù Cang Chải đón khá đông du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu, khám phá về văn hóa, ẩm thực, trải nghiệm các loại hình du lịch. Nổi bật là tìm hiểu và chụp ảnh về nét đẹp của danh thắng quốc gia ruộng bậc thang. Hằng năm Mù Cang Chải đón trên 40.000 lượt khách, trong đó có trên 3.000 lượt khách quốc tế. |
Nhiều tiềm năng du lịch
Từ trung tâm của TP Yên Bái, vượt qua gần 200km theo quốc lộ 37, du khách sẽ tới Mù Cang Chải. Trên con đường trải nhựa phẳng phiu, vượt qua những gấp khúc, quanh co của đèo và dốc, du khách hết sức ấn tượng bởi cảnh đẹp của núi non, những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái, những ngôi nhà giữa lưng chừng núi và trên đỉnh núi của đồng bào dân tộc Mông. Ngoài đỉnh Pú Luông hùng vĩ cao 2987m, thứ nhì Đông Dương, trên đường lên Mù Cang Chải du khách đi qua đèo Khau Phạ dài 32km, được coi là nơi gặp gỡ giữa đất và trời, bởi con đèo này luôn chìm trong sương trắng bồng bềnh mây bay gió thổi, nhưng cũng có những mùa đông trắng xóa tuyết rơi, có lúc trời nắng, nhìn những đoạn đường vắt ngang giữa lưng chừng đèo, trông xa như dải lụa trên nền màu xanh của cây rừng trông thật ấn tượng, từ trên đỉnh đèo phóng tầm mắt nhìn thấy cả vùng rộng lớn với núi non trùng điệp ẩn hiện trong mây. Bởi thế, đèo Khau Phạ còn được mệnh danh là một trong ” Tứ đại danh đèo” của miền Tây Bắc. Dọc hai bên đường đi, trên những quả đồi, núi được phủ màu xanh của cây cao su, mỡ, thông, bạch đàn… Nổi bật nhất từ Thị tứ của Tú Lệ , địa danh cuối của huyện Văn Chấn bắt đầu sang huyện huyện Mù Cang Chải, nơi nổi tiếng với những thiếu nữ Thái xinh đẹp và gạo nếp ngon.
Bức tranh thủy mặc ruộng bậc thang
Vào dịp tháng 10 hằng năm, khi đến đây, nhất là vào thăm các xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Zế Xu Phình thuộc huyện Mù Cang Chải, du khách sẽ thực sự ngỡ ngàng, ấn tượng khi được chiêm ngưỡng nét đẹp, độc đáo của ruộng bậc thang trên núi, không phải do thiên nhiên ban tặng mà được kết tinh bởi bàn tay, khối óc sáng tạo của con người. Mỗi một thửa ruộng bậc thang đều có nét đẹp, độc đáo riêng, có thửa ruộng ở ven suối, có thửa ruộng ở trên đỉnh đồi, sườn núi, nhưng có những thửa ruộng chạy dài theo cả quả đồi với những hình dáng, tên gọi khác nhau. Nhiều thửa ruộng bậc thang từ trên cao nhìn xuống giống như những bức tranh thuỷ mặc. Quần thể danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải có tổng diện tích gần 4.000ha đã được Nhà nước công nhận từ năm 2007.
Ngày mới
Ông Tạ Xuân Hiếu – Giám đốc Sở VHTTDL Yên Bái cho biết: Mù Cang Chải có dân số trên 4 vạn người, trong đó chiếm trên 90% là đồng bào dân tộc Mông, còn lại là các dân tộc khác, nơi đây mùa hè mát mẻ mùa đông không quá lạnh. Thời gian qua, Mù Cang Chải làm tốt công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo tồn được nhiều động vật quý hiếm, có nhiều khu rừng tự nhiên, bảo vệ môi trường, chống xói mòn, cung cấp nước đầy đủ cho các thửa ruộng bậc thang. Nơi đây phát triển các loại rừng thông lớn, cây thảo quả là loài cây gia vị, dược liệu, phát triển trồng cây táo mèo có giá trị kinh tế cao có thể dùng ngâm rượu, làm si rô, phơi khô để làm dược liệu… đây là điều kiện để phát triển loại hình du lịch thám hiểm, nghiên cứu vi sinh vật, động vật, thực vật. Cùng với việc làm tốt công tác bảo vệ rừng, ở Mù Cang Chải đã bảo tồn nhiều thác đẹp, nổi bật là thác Mơ, khai thác giá trị các dòng suối để phát triển các loại cá Khuy, cá hồi phục vụ cho du lịch và xuất khẩu.
Thi đập lúa
Bên cạnh đó, khi đến đây, khách có thể dành thời gian đi tìm hiểu nét văn hóa truyền thống về kỹ thuật canh tác ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Mông, tìm hiểu về những giá trị của ngôi nhà trình tường, mái bằng gỗ thông, tập quán làm bờ rào bằng đá, các tục lệ liên quan đến cưới xin.
Cần đầu tư phát triển các sản phẩm Du lịch đặc trưng
Vào những ngày cuối tháng 9/2013, khi lần đầu huyện Mù Cang Chải tổ chức “Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2013″ đã thu hút khá đông du khách đến tham dự, có không ít các bạn trẻ từ Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc đã lên với Mù Cang Chải bằng xe máy, ô tô. Bà Lương Thị Xuyến – Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: ” Để khai thác tiềm năng và lợi thế của vùng đất này, trong thời gian qua, huyện Mù Cang Chải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được những giá trị văn hóa truyền thống có trách nhiệm lưu giữ, bảo tồn, nổi bật là bảo tồn những giá trị của ruộng bậc thang, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu. Đối với việc tổ chức Tuần Văn hóa chúng tôi đã chuẩn bị mọi mặt, theo tiêu chí an toàn, tiết kiệm, tạo cơ hội cho cộng đồng, bà con các dân tộc cùng tham gia. Năm nay, Mù Cang Chải được đón nhiều du khách, chúng tôi rất phấn khởi, tự hào.
Phụ nữ người Mông
Tuy nhiên, toàn huyện có trên 10 nhà khách có thể đón trên 200 người, kèm theo có một số nhà nghỉ của đồng bào dân tộc tổ chức đón khách cũng chỉ đáp ứng đủ nhu cầu của khách. Ở các điểm vui chơi, khu du lịch còn thiếu các nhà vệ sinh, tình trạng xả rác bừa bãi chưa được dọn dẹp kịp. Mặc dù Trung tâm xúc tiến Du lịch Yên Bái có tổ chức quầy giới thiệu về Du lịch Mù Cang Chải, tặng tờ gấp, nhưng còn thiếu đội ngũ hướng dẫn viên, chưa xây dựng được những tour hấp dẫn nhất về những điểm đến khám phá, nơi sẽ chụp ảnh đẹp về ruộng bậc thang. Còn thiếu các quầy dịch vụ bán các sản phẩm đặc trưng của Mù Cang Chải dành cho khách.
Để khắc phục những hạn chế, khai thác những lợi thế vốn có, ông Tạ Xuân Hiếu – Giám đốc Sở VHTTDL Yên Bái cho biết: Trong định hướng phát triển du lịch giai đoạn 2012 – 2020 tầm nhìn 2015, Mù Cang Chải sẽ tập trung tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng mỗi thôn bản một đội văn nghệ, xây dựng các nhà vệ sinh đạt chuẩn, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư nhằm bảo tồn, phát triển nghề thủ công, bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể. Đối với ruộng bậc thang đã được xếp hạng là danh thắng quốc gia sẽ tuyên truyền người dân cùng tham gia trong việc bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn bản sắc, giữ gìn diện tích đã được công nhận, xây dựng Đề án bảo tồn ruộng bậc thang. Nghiên cứu, xây dựng và phát triển các sản phẩm văn hóa, ẩm thực đặc trưng để phục vụ du khách. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá thông qua tranh, ảnh, sách, video Clip để giới thiệu về Mù Cang Chải, về danh thắng ruộng bậc thang, kết nối với các Công ty lữ hành để thu hút du khách.
Bài và ảnh: Mạnh Hà – Theo Báo Du lịch – Ngày 10/10/2013
Tags: Du lịch trong nước, Du lịch Nha Trang, Du lịch Phan Thiết, Du lịch Đà Lạt, Du lịch Phú Quốc, Du lịch Côn Đảo, Du lịch Đà Nẵng, Du lịch Huế, Du lịch Hội An, Du lịch Hà Nội, Du lịch Miền Trung, Du Lịch Miền Bắc, Du Lịch Miền Nam