Search

Search
Close this search box.

Share

Du lịch Nam Mỹ – Người Việt ở Brazil – Kỳ cuối: “Chúng tôi như một đại gia đình”

Mục lục

Du lịch Nam Mỹ – “Cộng đồng người Việt tập trung đông nhất ở Sao Paulo mà cũng chỉ khoảng 30 gia đình nên chúng tôi như chung một đại gia đình.

ky06_01

Người Việt mặc áo dài truyền thống trong lễ kỷ niệm Quốc khánh 2-9 ở Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil – Ảnh tư liệu

Ai nấy đều biết mặt quen thân nhau hết” – ông Trần Văn Quang, một doanh nhân gốc Việt thành đạt ở Brazil, nói.

Xem thêm: Tour du lịch Mỹ

Gìn giữ nếp Việt

Một ngày cuối tháng 6-2014, David Waldstein – nhà báo thể thao kỳ cựu của tờ The New York Times (Mỹ) đang tác nghiệp ở thủ đô Brasilia – bỗng rất thèm ăn phở Việt Nam và tìm mọi cách để có thể liên lạc với người Việt. Ở Brasilia không có nhà hàng Việt Nam nên cuối cùng David rất hài lòng và mãn nguyện khi được sứ quán Việt Nam mời một tô phở kèm khai vị bằng chả giò được nấu bởi cô Trương Ngọc Quỳnh, một phụ nữ Hà Nội theo chồng công tác ở Brazil từ đầu năm 2014. “Tôi rất vui khi có dịp nấu phở cho người nước ngoài ăn ở Brazil”, cô Quỳnh nói. Hằng ngày cô siêng chăm sóc vườn rau thơm, rau lang… phía sau nhà bếp để những bữa cơm trên đất khách của gia đình mang chút tình quê hương.

Tuy nằm trong bộ ba “nhất Nghĩa, nhì Lê, tam Quang” nổi bật trong cộng đồng nhưng khi gặp PV Tuổi Trẻ, ông Quang không nói về sự thành đạt của mình mà lại nhắc đến những cuộc gặp gỡ của cộng đồng.

Ông cho biết cuộc sống của các gia đình người Việt bao năm qua khá đơn giản: trong tuần đi làm, đến cuối tuần có thói quen hẹn bạn bè, người thân thuộc cùng ra quán để ăn uống, nói chuyện vui vẻ hơn.

Quanh năm suốt tháng dịp vui nhất vẫn là tết cổ truyền dân tộc: “Mỗi gia đình sẽ làm một món ăn và xách tới điểm hẹn bày ra cho mọi người cùng thưởng thức, kể chuyện làm ăn, hát karaoke và lì xì cho các cháu nhỏ”. Ông Quang cho biết bà xã ông thường đảm nhiệm việc gói bánh chưng, bánh tét mang đến chung vui với cộng đồng.

Bàn tiệc Tết Nguyên đán của người Việt ở Sao Paulo thường rất phong phú với các món như chả giò, bánh bèo, xôi, mâm quả truyền thống “cầu, dừa, đu đủ, xoài”.

Theo thống kê của chúng tôi, ngoài khoảng 30 gia đình người Việt ở Sao Paulo, tại các thành phố khác người Việt rất ít ỏi như Porto Alegre có năm người, Belo Horizonte có một người, Rio de Janeiro có năm người… Thế nhưng bằng nhiều cách họ vẫn nỗ lực gìn giữ nếp nhà Việt Nam trên đất khách.

Hoàng Lan – một cựu ca sĩ phòng trà những năm 2005-2010 ở TP.HCM, nay tháp tùng người chồng Pháp làm ở Công ty dầu khí Schlumberger sang Rio de Janeiro sống từ đầu năm 2011 – gọi điện mời chúng tôi về thăm nhà chị bởi “ở đây người Việt rất ít nên có dịp gặp nhau là quý lắm”. Trên bancông nhà chị Lan có một “vườn rau Việt Nam” nho nhỏ trồng các loại sả, rau răm, húng quế…

Chị Lan cho biết mỗi lần đi Mỹ du lịch hoặc về Việt Nam thăm nhà, khi trở sang lại Brazil chị đều chịu đóng phí hành lý quá ký để mang cả 200kg thực phẩm từ mắm cá lóc, ba khía, hột vịt lộn, bắp cải, măng tươi, rau muống đóng hộp và cả sầu riêng để trữ trong tủ lạnh ăn dần.

Chị cũng chia sẻ những thực phẩm “quý hiếm” này cho gia đình chị bạn đang sống ở Rio vốn là cô dâu Việt Nam cưới chồng Brazil. “Đôi khi chỉ là một hộp rau muống nhưng thắt chặt được tình đồng hương nơi xứ người” – chị Lan nói.

ky06_02

Một cửa hàng bán quần áo, túi xách của người Việt rất đông khách ở Sao Paulo – Ảnh: Tr.N.

Thế hệ tiếp nối

Với những người gốc Việt định cư ở Brazil trên 30 năm, con của họ sinh ra và lớn lên ở xứ người được cho ăn học, ra trường đi làm và hòa nhập khá tốt với môi trường bản xứ.

“80% người Việt đủ khả năng đóng học phí cao cho con đi học trường tư như là sự hi sinh cho con em mình được thụ hưởng chất lượng giáo dục tốt nhất” – chị Huỳnh Thị Thúy có một người con 16 tuổi là học sinh trung học ở Sao Paulo cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Cẩn (quê Bình Định, sang Brazil năm 1979) cho biết ông có bốn người con đều sinh ra tại xứ người và đến nay ở tuổi 57, ông vẫn cần mẫn buôn bán ở chợ trời Brás mỗi ngày để có tiền nuôi các con ăn học thành tài.

Doanh nhân Thái Quang Nghĩa có cô con gái Natalina Thái Tâm lập gia đình với người Brazil làm việc cho Hãng thông tấn Reuters tại Sao Paulo. Thái Tâm thể hiện sự hiếu thảo khi nhận lời giúp cha làm quản lý tại xưởng sản xuất giày dép Goóc và nối nghiệp cha về sau này.

Các con trai của cô Nguyễn Kim Dung (cũng ở Sao Paulo) là Võ Thiện Tài (34 tuổi) và Võ Thiện Đức (33 tuổi) học tài chính và công nghệ thông tin. Sau khi phụ việc ba mẹ một thời gian Tài học tiếp ngành công chức nhà nước, còn Đức làm chủ một xưởng sản xuất túi xách, đồ lưu niệm.

Thế hệ cháu của người Việt đã ra đời tại Brazil như Thiện Tài cho biết anh đã lập gia đình với người bản xứ và đã có hai con, trong đó con gái đầu lòng 5 tuổi mang tên họ pha trộn hai dòng máu Việt Nam – Brazil: Anna Clara Kim Navarro Vo.

Những người Việt cũng có ý thức giữ gìn ngôn ngữ nguồn cội khi ở nhiều gia đình, con em họ có thể nói khá tốt tiếng Việt và được ba mẹ đưa về thăm quê hương Việt Nam nhiều lần. “Tôi có con mới 2 tuổi đã tập nói chuyện với con bằng tiếng Việt để khi lớn lên dù đi học tiếng Bồ ở trường và nói tiếng Pháp với ba nhưng vẫn không quên tiếng Việt” – chị Hoàng Lan ở Rio nói.

Lâu nay ít có thông tin về người lao động Việt Nam sang Brazil làm việc, ngoại trừ vào năm 2000 có một nhóm 29 người từ các tỉnh phía Bắc sang miền nam Brazil hợp tác lao động năm năm tại một nhà máy sản xuất mì nhưng bị vỡ mộng vì công ty môi giới đưa họ sang với visa… du lịch chỉ có thời hạn ba tháng. Họ bị bỏ rơi, sống bất hợp pháp gần hai năm, cảnh sát Brazil đóng dấu trục xuất và cuối cùng phải kêu cứu với các cơ quan chức năng mới trở về lại được quê hương.

Tour Liên quan

Không có thông tin

Bài viết tương tự

Các “tín đồ xê dịch” đã có kế hoạch gì cho kỳ nghỉ lễ 30/04 –...
Các “tín đồ xê dịch” đã có kế hoạch gì cho kỳ nghỉ lễ 30/04 –...
Ít ai biết rằng vào mùa xuân, hoa anh đào ở Mỹ cũng mang vẻ đẹp...
Ít ai biết rằng vào mùa xuân, hoa anh đào ở Mỹ cũng mang vẻ đẹp...

@dulichHoanMy