Mũi Hảo Vọng – Mũi đất cuối cùng của Nam Phi, tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử và địa lý, vì đây là điểm tận cùng của Châu Phi, là nơi giao hòa giũa 2 đại dương là Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, đến Nam Phi mà không đến thăm Mũi Hảo Vọng thì coi như chuyến đi mất phần lớn ý nghĩa và giá trị.
Những bãi biển tuyệt vời
Mũi Hảo Vọng
Để đi đến Mũi Hảo Vọng, ô tô chạy về phía nam dọc theo bờ biển Đại Tây Dương. Xe từ từ chạy từ bãi biển này đến bãi biển khác: Clifton, Camps, Liandudno. Mỗi bãi biển có một vẻ đẹp khác nhau, một bên là các bãi cát vàng rực rỡ, một bên là vách núi xen lẫn với những cánh rừng . Trời trong, gió mát, nắng vàng làm sáng bừng mọi cảnh vật. Những ngôi nhà xây cất ven bờ biển có phong cách kiến trúc rất đa dạng, từ cổ kính đến hiện đại. Vịnh Camps là nơi hấp dẫn du khách với nhiều trò chơi lướt sóng. Đứng trên bãi biển, nhìn về phía đông, có thể thấy một dải 12 ngọn núi chạy dài đến vịnh Hout, có tên gọi là Mười hai vị tông đồ (Twelve Apostles), làm thành một dải chắn thiên nhiên bảo vệ Núi Bàn ở phía sau.
Dãy núi Mười hai vị tông đồ
Đặc biệt cung đường Chanpman’s Peak gây ấn tượng rất mạnh vì quãng đường dài 9km nhưng có đến 115 khúc cua ôm lấy vách đá ven biển. Các khúc cua rất ngắn, phải rẽ liên tục, xe vùa mới nghiêng bên phải lại nghiêng sang trái , cảm giác hồi hộp nhưng rất thú vị. Có chỗ vách đá nhô ra như những mái nhà và được cư dân tận dụng để xây nhà bên dưới mà không cần xây mái.
Dọc theo bãi biển, có loại tảo đen nằm dày đặc sát bờ. Anh hướng dẫn viên người Nam Phi cho biết đây là thứ rong biển mà người Nhật thu mua hầu hết để chế biến trong các loại thức ăn như sushi, sashimi.
Thăm đảo hải cẩu, bãi chim cánh cụt
Xe chạy theo các bãi biển và ghé lại vịnh Hout (Hout Bay), nơi có một thị trấn cổ với những nhà nghỉ, quán ăn xinh xắn, đẹp mắt. Tại đây, chúng tôi xuống du thuyền để đi thăm đảo Duiker, vương quốc của loài hải cẩu Nam Phi. Biển lặng không có sóng, gió thổi hiu hiu, đứng trên boong du thuyền nhìn lên các dãy núi trên bờ, quang cảnh thật là ngoạn mục. Thuyền chạy chỉ độ vào kilomet là đến gần đảo, thuyền giảm tốc độ, từ từ lượn quanh đảo để du khách có thời gian chiêm ngưỡng. Lần đầu tiên, tôi tận mắt nhìn thấy một quần thể hải cẩu đông đên thế. Chúng nằm phơi mình dày đặc trên bãi cát, trên các tảng đá trên đảo, nhiều con đưa mõm hếch lên trời, lắc lắc mấy cái râu quanh mõm, trông thật là tiếu. Chúng có vẻ ung dung, bình thản, tỏ ra chẳng quan tâm gì đến những du thuyền chạy sát đảo. Được biết, trên đảo có đến 6.000 hải cẩu. Ngoài ra, nhiều loài chim biển cũng lấy đảo Duiker làm nơi trú ngụ.
Vương quốc chim cánh cụt Nam Phi tại bãi biển Boulders
Rời đảo Duiker, chúng tôi lên xe đến bờ biển phía đông dọc theo vịnh False (False Bay). Chúng tôi ghé lại bãi biển Boulders tham quan vương quốc của chim cánh cụt Nam Phi . Khu bảo tồn thiên nhiên ở đây có khoảng 3.000 cá thể. Đặc điểm của chim cánh cụt là ban ngày bơi ra biển để kiếm ăn, đến chiều tối thì kéo về tổ trên bãi cát. Chúng có thể bơi xa đến 20km, thức ăn của chúng là những loài cá nhỏ li ti. Những nơi chim cánh cụt kéo về, người ta đào thêm những tổ chim trong các bụi rậm ven biển để giúp cho chúng có thêm nhiều nơi trú ẩn. Mặc dù chúng tôi đến vào ban ngày trên bãi cát cũng thấy hàng trăm chim cánh cụt với dáng đi lạch bạch trông rất buồn cười.
Xem thêm: du lịch Châu Phi
Bi hài chuyện ăn tôm hùm
Theo chương trình đã vạch sẵn, sau khi thăm vương quốc chim cánh cụt, chúng tôi trở lại vịnh Hount để thưởng thức bữa ăn trưa với thực đơn là tôm hùm tại nhà hàng nổi tiếng có tên Fish Hock Galley. Đây là chuyện bình thường không có gì đáng nói.
Nhà hàng Fish Hock Galley
Còn đang thơ thẩn ngắm chim cánh cụt ở bãi biển Boulders, bỗng anh hướng dẫn viên hớt hải gọi mọi người lên xe đi ngay, kẻo mất bữa ăn trưa. Thì ra, anh ta vừa nhận được tin một đoàn du khách Trung Quốc 350 người cũng đến nhà hàng tôm hùm. Đoàn du khách Việt Nam chúng tôi chỉ có 25 người, nếu đến sau thì có thể không còn chỗ ngồi trong nhà hàng và tôm hùm cũng chẳng còn mà ăn.
Thật hú vía. Chúng tôi đến trước, vừa yên vị trong nhà hàng, thì đoàn du khách Trung Quốc cũng vừa đến, chật cứng cả nhà hàng, thật là ồn ào, náo nhiệt. Những năm gần đây, số người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài tăng lên rất nhiều. Tôi đi qua một số nước, chỗ nào cũng gặp du khách Trung Quốc. Nếu đoàn du khách các nước thường thỉ có vào chục người, thì đoàn du khách Trung Quốc thường có đến vài trăm người.
Đến Mũi Hảo Vọng
Từ thành phố Cape Town đi về phía nam 50km thì đến Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope). Xe chạy qua những cánh rừng xem lẫn với những cánh đồng nho. Lên đến Mũi Hảo Vọng, đứng nhìn biển trời bao la lộng gió, cảm giác của du khách là xao xuyến, bồi hồi. Thật là hạnh phúc khi được đứng lại đây, đưa mắt nhìn sang trái là Đại Tây Dương, nhìn sang phải là Ấn Độ Dương, bên trên những bầy chim hải yến bay từng đàn.
Người châu Âu đầu tiên đi vòng qua Mũi Hảo Vọng là nhà hàng hải Bồ Đào Nha tên Bartolomeu Dias (1488). Chín năm sau (1497), người châu Âu thứ hai đến Mũi Hảo Vọng cũng là người Bồ Đào Nha, nhà hàng hải Vasco da Gama. Ông đã đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, ghé Mozambique và đến Ấn Độ. Đầu tiên, Bartolomeu Diaz đặt tên cho nơi này là Mũi Bão Tố (Cape of Storms). Về sau, nhà vua John Đệ Nhị của Bồ Đào Nha đổi tên là Mũi Hảo Vọng, với ý nghĩa là nó mở ra nhiều hy vọng với việc khám phá ra con đường hàng hải từ châu Âu đến Ấn Độ và thế giới đông phương.
Đoàn khách DL Hoàn Mỹ tại Cape of Good Hope
Mọi người tranh thủ chụp tấm ảnh lưu niệm nơi tấm bảng ghi dòng chữ Cape of Good Hope. Sau đó, chúng tôi đến một địa điểm tham quan gần đó là ngọn hải đăng trên đỉnh Cape Point. Độ dốc của núi rất cao, phải đi lên bằng xe điện bánh răng cưa. Tại đây, có hai ngọn hải đăng. Ngọn hải đăng cũ ở độ cao 266 mét trên mặt biển, được xây dựng năm 1859, nhưng đặt ở vị trí không thích hợp, thường xuyên bị sương mù bao phủ. Năm 1911, chiếc thương thuyền Lusitiana của Bồ Đào Nha vì đi nhầm luồng nên bị đắm ngoài khơi Cape Point. Sau đó, người ta xây dựng ngọn hải đăng mới ở vị trí thích hợp hơn. Đây là ngọn hải đăng mạnh nhất ở Nam Phi, có thể nhìn thấy từ khoảng cách 63km.
Ngọn hải đăng trên đỉnh Cape Point
Trần Vĩnh An