Suốt hàng ngàn năm người Nhật chưa hề biết trái dâu tây là gì, vì đất nước họ không có loại cây này. Thế mà giờ đây người Nhật đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi tạo ra hàng loạt loại dâu tây hảo hạng.

Các giống dâu tây được trồng tại Nhật Bản hiện nay có nguồn gốc từ Châu Mỹ. Quay lại lịch sử cách nay hơn 200 năm, các thương nhân người Hà Lan đã mang giống dâu tây của Châu Mỹ về Châu Âu để trồng. Sau đó, trong quá trình giao thương, những giống dâu tây ra đời tại Hà Lan được đưa đến Nhật Bản vào khoảng giữa thế kỷ 19, qua hải cảng Nagasaki – cửa ngõ duy nhất tiếp xúc với thuyền buôn phương Tây.

dau tay nhat ban

Dâu tây trắng được người Nhật ưa chuộng làm quà sinh nhật hay quà tặng

Đến năm 1900, những chậu dâu tây đầu tiên cho trái bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản với tên gọi: Dâu tây Fukuba. Giống dâu tây Fukuba được gọi theo tên của người tạo ra nó: nhà nông học Hayato Fukuba. Ông từng là người đứng đầu Vườn Quốc gia Shinjuku Gyoen, nơi trồng và nhân giống các loại hoa quý cũng như cây ăn trái trong nước lẫn du nhập từ nước ngoài.

Giống dâu tây đầu tiên của Nhật Bản được Fukuba cho ra đời tại đây. Trồng dâu tây làm thực phẩm bắt đầu được phổ biến ở quốc gia Châu Á này từ năm 1920. Từng là loại nông sản nhập khẩu, nhưng giờ đây dâu tây lại được nông dân Nhật Bản canh tác trên chính mảnh đất của họ. Đến năm 1960, quả dâu tây có mặt ở khắp các chợ và siêu thị tại Nhật Bản, trở thành loại trái cây được mọi người ưa thích.

japstraw4 zps40ac4ec4

Tochigi và Fukuoka (đánh dấu màu đỏ) là 2 tỉnh trồng dâu nổi tiếng ở Nhậ

Dâu tây hiện được trồng ở 39 trong tổng số 47 tỉnh của Nhật Bản với khoảng 230 cây giống khác nhau đang được canh tác. Mỗi tỉnh trồng vài giống đặc chủng, giúp tạo ra sự đa dạng trên thị trường đồng thời tăng tính đặc thù cho sản phẩm. Nhờ sự phân bố khu vực canh tác trải dài từ Nam chí Bắc nên quả dâu tây chín mọng hiện diện quanh năm trên các kệ hàng của siêu thị nước Nhật. Mỗi năm Nhật Bản sản xuất khoảng 170.000 tấn dâu tây, quy ra tiền Việt Nam có giá trị hơn 30.000 tỷ đồng.

Hầu hết các loại dâu tây Nhật Bản đều ngọt, song hàm lượng đường có khác nhau và kích thước trái dâu cũng không đồng đều. Dâu tây Nhật Bản có nhiều loại, tùy vào giống dâu mà hình dáng và màu sắc khác nhau. Người Nhật đã tạo ra được cả dâu tây trắng – món quà được ưa chuộng trong lễ cưới hoặc sinh nhật.

Dâu tây xuất xứ từ 2 tỉnh Tochigi và Fukuoka nổi tiếng nhất với chất lượng hảo hạng. Tochigi là địa phương trồng dâu tây số 1 ở Nhật Bản. Nơi đây sản xuất loại dâu ngon nhất xứ Phù Tang, tên của nó là Tochiotome. Dâu Tochiotome khi chín có màu đỏ tươi, trái thon dài, hương thơm và vị ngọt đậm đà. Tỉnh Fukuoka đứng hàng thứ 2 trong danh sách xếp hạng các vùng trồng dâu tây ở Nhật với giống dâu Amaou đặc sản. Amauo là giống dâu tây cho trái lớn (20 – 30 gram/trái), có hình dáng hơi tròn, hàm lượng đường cao, là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của tỉnh Fukuoka.

dau tay nhat

Giá sinh hoạt ở Nhật thuộc vào hàng đắt nhất thế giới và trái dâu tây cũng không phải ngoại lệ. Trong các siêu thị tại Nhật Bản, mỗi khay dâu tây nhỏ xinh loại phổ thông, đựng khoảng 10 trái (tổng trọng lượng khoảng 150 gram), có giá bán quy ra tiền Việt hơn 100.000 đồng/khay (với giá này, nếu mua dâu tây Đà Lạt xứ mình có thể được 1 kg). Với loại đặc biệt, như dâu tây trắng chẳng hạn, đơn giá còn cao hơn gấp nhiều lần.

Ở Nhật, quy định về truy xuất nguồn gốc hàng hóa rất nghiêm ngặt, mặt hàng dâu tây cũng tuân thủ chặt chẽ việc này. Trên mỗi thùng dâu đều ghi cụ thể đó là loại dâu gì và nơi trồng ra nó, giúp người tiêu dung, nhất là du khách ngoại quốc, an tâm thưởng thức. Hầu như mỗi năm người Nhật đều cho ra đời một giống dâu tây mới.

japstraw10 zps1fc7d13c

Bánh Daifuku nhân dâu tây

Tuy nông nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng khiêm tốn trong cơ cấu kinh tế của Nhật Bản, với khoảng 2% dân số là nông dân, nhưng chẳng vì thế mà lĩnh vực này không được chú trọng. Bằng chứng là nhiều loại nông sản của Nhật Bản trở nên nổi tiếng toàn cầu, trong đó có quả dâu tây.