Chuyến bay của Thai Airways đưa đoàn chúng tôi đến Ấn Độ vào một ngày hè rực rỡ nắng vàng. Ở Ấn Độ, có lẽ nơi mà ai cũng muốn khám phá và tìm hiểu là Tứ Đại đồng tâm gắn liền với cuộc đời Đức Phật Thích Ca. Trong số những điểm đến Phật tích đó, Bodhgaya là nơi đặc biệt hơn cả vì đây không chỉ là Đệ nhị Đại đồng tâm, nơi Đức Phật đã giác ngộ chánh quả nên gắn liền với Phật tích này, mà còn có ngọn tháp Bồ Đề đạo tràng linh thiêng thu hút du khách bốn phương. Tháp được xây dựng từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên, và trong một ngàn năm đầu đã chứng kiến hàng triệu lượt người đến chiêm bái cho đến khi đạo Phật suy tàn tại Ấn Độ. Tháp cao 52m, hình chóp nhọn in bóng trên nền trời xanh. Bốn mặt tháp được trang trí những họa tiết sống động dựa trên hai chủ đề Tôn giáo và Thiên văn.
Trời đã về chiều. Ánh nắng mùa Hè vàng đượm tỏa lên trên ngọn tháp khiến nó mang vẻ đẹp vừa cổ kính vừa uy nghiêm. Từng dòng Phật tử từ khắp mọi nơi nối bước nhau đi lên những bậc tam cấp để tiến vào trong tháp. Người Sri Lanka đi thành từng đoàn nhỏ, cấm trên tay cây nến đang cháy và niệm Phật. Những đoàn Phật tử đến từ các nước châu Á thì đi thành nhóm vòng quanh chân tháp, chắp tay cầu nguyện. Không khí trang nghiêm và thanh tịnh tỏa khắp không gian, tạo cảm giác thật nhẹ nhàng.
Bên trong tháp không khí càng linh thiêng hơn khi chúng tôi đứng trước tượng Đức Phật Thích Ca bằng đá mạ vàng, cao khoảng 2m, được tạc vào khoảng năm 380. Nét mặt Đức Phật bình an, thanh thản, dáng ngồi nhẹ nhõm, thoát tục, mặt hướng về hướng đông, đúng như tư thế Ngài đã ngồi dưới gốc bồ đề năm xưa.
Dưới chân tháp là một cội bồ đề già cõi tỏa bóng mát xuống một vùng sân rộng. Gốc cây được bao quanh bởi một vòng tường bằng đá, dưới gốc cây là một phiến đá đã được phủ khăn đỏ. Đây chính là Kim Cương tòa, nơi Đức Phật đã ngồi thiền và giác ngộ. Theo nhà khảo cổ học Elexander Cunnigham, người đã vận động công cuộc trùng tu khu Thành tích này vào năm 1871, cây bồ đề này được chiết ra từ một nhánh của cây bồ để tại Sri Lanka, vốn là một nhánh của cây bồ đề nguyên thủy được trồng tại nơi này 2.500 năm trước. Khoảng sân rộng phía trước cây bồ đề có hàng trăm người đang ngồi thiền tịnh, trong họ rất thư thái, thảnh thơi.
Và sáng hôm sau, chúng tôi đến Linh Khướu Sơn. Đỉnh Linh Khướu Sơn nhìn từ xa thấy có hình dáng như mỏ một con chim kền kền. Nắng chan hòa trên từng bậc thang dẫn lên đỉnh núi, không gian quang đãng, không khí trong lành. Từ trên đỉnh núi cao nhìn xuống, những rặng cây lúp xúp bao quanh những ngọn đồi thấp nối tiếp nhau trải dài ngút ngàn với một màu xanh thẳm. Ở lưng chừng núi là một hang đá, nơi Đức Phật đã trải qua nhiều mùa mưa trong suốt thời gian thiền tịnh và thuyết giáo tại Venuvana.
Hành trình của chúng tôi càng thú vị hơn khi buổi chiều đến với Nalanda, nơi được xem là Viện Đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới. Được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ V, hoàn thiện vào thế kỷ thứ XII, Nalanda đã trải qua biết bao biến cố, thăng trầm. Nơi đây thời kỳ cực thịnh từng thu nhận đến hơn 10 ngàn tỳ kheo ở khắp nơi trên thế giới đến tu học, trong đó có cả ngài Huyền Trang, một bậc cao tăng đời Đường, cũng đã đến đây trọ học trong khoảng 15 tháng vào khoảng năm 637.
Vanarasi với Đệ tam Đại đồng tâm và sông Hằng huyền thoại.
Vanarasi là Thánh địa Đệ tam Đại đồng tâm, là vườn Lộc uyển Sarnath, là nơi Đức Phật đã chuyển pháp luân, giảng bài đầu tiên cho các tỳ kheo và đệ tử của mình vào khoảng năm 530 trước Công nguyên. Chiều xuống rất nhanh, ngọn tháp Dhamek cao 33m, nơi Đức Phật thuyết pháp buổi đầu tiên với kinh Chuyến Pháp Luân và Kinh Vô Ngà Tướng, đứng đầu trầm mặc. Ngôi chùa Mulafandhakuti với kiến trúc độc đáo in bóng lên nền trời, đây cũng chính là nơi thành lập Giáo hội Phật giáo đầu tiên với đầy đủ ba ngôi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng)
Vanarasi còn trở thành dấu ấn đặc biệt của chuyến đi khi tại đây chúng tôi được chiêm ngưỡng bình minh trên sông Hằng nguồn sữa mẹ linh thiêng của người dân Ấn Độ. Tờ mờ sáng, chúng tôi đã lên đường. Bên bờ sông Hằng, không khí nhộn nhịp của một ngày mới đã bắt đầu từ rất sớm. Trên bến, thuyền bè tấp nập đợi người xuống bến dạo chơi. Thuyền chuyến tôi ngao du trên sông Hằng trong buổi bình minh mát lạnh. Người Ấn tỏa xuống bờ sông tắm mát, trò chuyện và vui đùa bởi họ quan niệm, nếu được tắm sông Hằng vào buổi ban mai, họ sẽ gặp được những điều tốt lành trong ngày mới.
Thành câu Thi Na xưa và vườn Lâm Ti Nì linh thiêng
Chúng tôi tiếp tục đến với Kushinagar, cũng là Thánh địa của Đệ tử Đại đồng tâm. Quãng đường gần 300km đưa chúng tôi đi qua những cánh đồng lúa mạch vàng óng, những làng mạc đơn sơ, những hàng cây cọ thẳng tấp dưới ánh nắng. Vùng thôn quê Ấn Độ cũng hiền hòa và thanh bình, khá giống với nông thôn Việt Nam.
Thành Câu Thi Na xưa là nơi ghi dấu Kim thân Đức Phật được hỏa thiêu. Còn có Đền Bát Đại Niết Bàn linh thiêng với bức tượng phật dài khoảng 6m, đang nằm trong tư thế nhập diệt. Phía trước đền là hai cây Shala thân thẳng tấp, lá tươi xanh.
Lại miệt mài trên chặng hành trình khoảng 300km nữa để đến với vùng biên giới Ấn Độ – Nepal. Đây là một khu vực sầm uất, giao thương nhộn nhịp của người dân địa phương Vườn Lâm Tì Ni nằm sâu vào lãnh thổ Nepal khoảng 40km tính từ biên giới – chính là Đệ nhất Đại đồng tâm – nơi ghi dấu sự kiện Đức Phật đản sanh. Con đường dẫn vào khu vườn chan hòa ánh nắng, nhưng vào tới bên trong vườn thì có cảm giác thật dễ chịu vì những bóng cây bồ đề tỏa mát khắp sân. Ở giữa khu vườn là ngôi Đền Mahamaya Devi nằm khiêm nhường và lặng lẽ. Hàng năm lượt du khách đến để tận mắt chứng kiến một dấu chân bằng đá, là bước chân của Hoàng hậu Mahamaya khi bà đến đây hạ sinh Thái tử. Phía trước đền, trụ đá Asoka do vua Asoka xây dựng từ năm 244 trước Công nguyên giờ vẫn đứng lặng giữa trời, chứng kiến biết bao đổi thay theo thời gian.