Đừng muốn quá nhanh tất cả mọi thứ

william_hamilton_whyteTrước khi đến Việt Nam, William Hamilton Whyte đã làm việc cho Nokia trên 14 năm tại châu Âu, châu Á, và từng giữ chức tổng giám đốc Nokia Philippines. Được biết đến như một nhà quản lý sáng tạo, William chinh phục mọi người bởi những ý tưởng luôn luôn mới, bằng sự am hiểu nhiều nền văn hoá khác biệt, và một cảm nhận tinh tế về con người.

Ông có thể cho biết nỗ lực để thay đổi chiến lược, tạo nên cuộc bứt phá mới cho nhiệm kỳ của mình, nhất là tháng tư này, khi giá cả tăng, tái lạm phát đang là nguy cơ, sức mua thì giảm sút nghiêm trọng?

Bức tranh kinh tế thế giới không được tốt, khủng hoảng toàn cầu đã và đang làm cho mọi người tiêu tiền ít hơn, thận trọng hơn, nhưng tôi nhìn thấy sự năng động của nền kinh tế Việt Nam, và tin Việt Nam trải qua thời kỳ khó khăn này tốt hơn một số quốc gia khác.

Chiến lược của chúng tôi trong năm năm tới là định vị lại hình ảnh của mình, tận dụng cơ hội khủng hoảng bằng cách coi lại tổ chức, đường lối hoạt động và quy trình vận hành. Sự kết hợp hài hoà tính hiệu quả, sự phù hợp và các chiến lược kịp thời để mang lại lợi ích cho khách hàng là lý do tôi có mặt tại đây. Khu vực Đông Dương là một thị trường đang phát triển nhanh, không chỉ là các thiết bị viễn thông, điện tử, chúng tôi đang tìm kiếm các dịch vụ và giải pháp mới để hỗ trợ con người trong cuộc sống hàng ngày, hướng đến việc tạo ra mối liên kết sâu sắc hơn giữa mọi người. Đặc biệt đối với các cư dân ở vùng sâu, vùng xa, chúng tôi sẽ tạo điều kiện kết nối họ với cộng đồng xung quanh nhiều hơn nữa, và tiếp cận các trải nghiệm di động nhiều hơn nữa.

Cách quản lý của ông có gì khác biệt, để biến những chiến lược ấy thành hiện thực? Ông coi trọng nhất phẩm chất nào ở thuộc cấp?

Tôi coi trọng nhất lòng tin, sự chính trực. Khi tuyển dụng một người nào đó, người đó phải giỏi hơn tôi rất nhiều về lĩnh vực chuyên môn. Còn nếu người đó phải học tôi thì tức là tôi đã tuyển nhầm người. Tôi phải nỗ lực nhiều để lôi kéo mọi người làm việc cùng nhau và thấy được hành trình mình phải đi qua để đạt được mục tiêu, tạo được bước đột phá mới ở thị trường Việt Nam. Khó khăn rất nhiều, nhưng tôi tin bằng sự quan tâm một cách kiên định, công bằng và quyết đoán, tôi sẽ giúp đội ngũ của mình thấy được vấn đề và lập kế hoạch chủ động hơn cho tương lai. Tôi may mắn có được đội ngũ lãnh đạo kinh nghiệm, có khả năng, biết hội tụ để cùng hướng tới sự thay đổi. Đó là tiềm năng lớn nhất, không thể để bị mất đi.

Ông có thể kể một chút về thời thơ ấu của mình, những nơi ông đã sống, điều thú vị nhất ông từng trải qua?

Tôi sinh năm 1964 tại Kenya, mẹ tôi là người Pháp, cha tôi người Scotland, tôi mang các quốc tịch Pháp, Anh và Kenya, thông thạo tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, từng sống ở Ai Cập, Campuchia, Thái Lan, Anh quốc, Tanzania, Philippines… và bây giờ là Việt Nam. Tính thích nghi trong con người tôi rất cao và tôi xem mình như một nhà thám hiểm toàn cầu. Tôi có thể tận hưởng dịch vụ cao cấp nhất ở khách sạn năm sao, nhưng cũng có thể sống rất thảnh thơi ở những nơi tận cùng thế giới, cách xa nền văn minh của loài người, hoàn toàn không điện, nước và các tiện nghi… Trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, người sản xuất cũng quan trọng như người quản lý, chỉ cần một mắt xích bị lỏng lẻo sẽ ảnh hưởng đến toàn công ty. Chính sự am hiểu thói quen văn hoá của nhiều dân tộc giúp tôi tiếp cận nhanh hơn, thấu đáo hơn với từng con người cụ thể. Tôi chịu ảnh hưởng rất mạnh thói quen của người Pháp, người Anh, nhưng lại khám phá ra những điều quý giá từ văn hoá phương Đông. Tôi là người… đa văn hoá, và nguồn gốc của tôi là tất cả những nơi tôi đã đến, đã sống. Đó là điều thú vị nhất, giúp tôi có những cái nhìn khác nhau về mỗi đất nước, mỗi con người, và học hỏi từ những điều tốt đẹp nhất của mỗi nền văn hoá khác nhau.

Con người đa văn hoá đã giúp ông vượt qua những khó khăn trong cuộc sống cá nhân như thế nào?

Giúp tôi nhìn rõ hơn, nhận diện nhanh hơn về bản chất của khó khăn, và thích nghi với mọi hoàn cảnh sống, có thể làm việc trong một môi trường thay đổi liên tục, không cố định ở một nơi nào. Tôi đã từng được gặp gỡ nhiều người, ở nhiều đất nước khác nhau. Với tôi, sức khoẻ là điều quan trọng nhất. Tiền bạc không thể mua được sức khoẻ.

Trong tình yêu, ông có phải là mẫu người “mỗi ngày là một câu chuyện khác” không?

(Cười hóm hỉnh) Tôi mới kết hôn lần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái khi đã 45 tuổi. Tình yêu là cảm xúc, không thể kiểm soát được.

Thời trai trẻ, ông có ước mơ được làm việc trong lĩnh vực thiết bị truyền thông đa phương tiện?

Giống như nhiều người trẻ tuổi ở châu Âu, tôi ước mơ trở thành bác sĩ thú y, vì tôi rất yêu động vật. Suốt một thời gian dài tôi mê đến nỗi không thể làm được công việc nào khác, mà suốt ngày chỉ quanh quẩn bên mấy chú cá heo. Số phận đã không cho tôi trở thành chuyên gia cá heo, mà chỉ trang bị cho tôi kỹ năng khoa học, để bước vào môi trường kinh doanh. Nhưng tổ nghiệp của cá heo vẫn đeo đuổi tôi, và tôi luôn làm hết sức mình để bảo vệ cá heo. Con cá heo có trí thông minh của một đứa trẻ sáu tuổi, và khi cá heo con bị vướng vào lưới, tôi hiểu nỗi đau đớn của cá heo mẹ như thế nào khi thấy người ta giết con mình mà không thể làm gì được. Tôi cũng từng chứng kiến những con khỉ con bỗng trở thành mồ côi vì cháy rừng, và tôi đã đem những con khỉ nâu mồ côi ấy thả vào khu rừng khác…

Tình yêu động vật đã giúp ông như thế nào trong cuộc sống?

Tình yêu ấy giúp tôi có được sự tinh tế, không mất đi sự nhạy cảm trong cách ứng xử với con người, cách nhìn nhận con người cũng khác đi, giúp tôi học cách kiểm soát tình cảm của mình, không để những cơn giận dữ bùng nổ. Tình yêu ấy cũng giúp tôi nhìn hành tinh và môi trường bằng một con mắt khác, biết tôn trọng những gì đang có, đang thấy.

Ông tận hưởng cuộc sống như thế nào?

Tôi thích ngắm mặt trời lặn, thích gặp gỡ bạn bè với những bữa ăn trưa dài ngày chủ nhật cùng rượu ngon, hoặc đi du lịch. Tôi thích mạo hiểm, thích khám phá động vật hoang dã châu Phi và rất thích môn lặn biển. Đáy biển là một bảo tàng thiên nhiên hoang dã tuyệt vời. Khi lặn xuống đáy biển, bạn có thể quên tất cả mọi thứ, chỉ có biển với mình, rất thú vị.

Phương châm sống nào ông muốn chia sẻ với mọi người?

Luôn nhìn về tương lai và không bao giờ nuối tiếc quá khứ. Biết nhìn xa trông rộng, chủ động nhìn về phía trước, tiên đoán để có thể tránh mọi rủi ro, đó là bài học quý với tôi cả trên thương trường và cuộc sống.

Là người phương Tây sống nhiều ở phương Đông, kinh nghiệm sống nào là quý giá nhất trong những năm ông ở Philippines và ở Việt Nam, để làm mới chính mình?

Quyết định mạo hiểm nhất trong đời tôi là khi chuyển cả gia đình từ Pháp đến Philippines, trong khi tôi đang có tất cả mọi thứ an toàn. Nhưng chính ở đây, tôi đã kết bạn được với nhiều người giỏi, sống cởi mở, dễ gần, không kiêu ngạo. Môi trường kinh doanh ở một đất nước mới phát triển giúp tôi phát huy sáng tạo nhiều hơn so với châu Âu, một môi trường đã phát triển. Nhưng điều quý nhất với tôi là thấy được tính nhân văn và những giá trị gia đình của người châu Á, để có trách nhiệm hơn, chín chắn hơn trong việc nuôi dưỡng tình yêu với vợ con, với cha mẹ già. Sau những thành đạt của người đàn ông, gia đình là quan trọng nhất. 80% thời gian của tôi là dành cho công việc, lại thay đổi môi trường sống liên tục, nên rất cần một người vợ hiểu mình, hiểu những công việc mình đang làm, để có thể giúp mình cân bằng cuộc sống và bảo đảm một hạnh phúc lâu dài.

Khi vợ tôi đến Việt Nam, công việc đầu tiên của cô ấy là đi chợ, sắm sửa mọi thứ vật dụng gia đình, và cô ấy hạnh phúc về chuyện đó. Bây giờ cô ấy biết về Sài Gòn còn nhiều hơn cả tôi nữa. Tết này tôi đã đưa vợ và bà ngoại của cô ấy đi nghỉ ở biển, dạo chơi trong rừng và cưỡi voi. Bà đã 85 tuổi, làm việc suốt đời, và bây giờ mới có cơ hội để nghỉ ngơi. Đây là lần đầu tiên bà được cưỡi voi trong một khu rừng rất đẹp. Tôi thích sống ở Việt Nam hơn ở Philippines, vì ở đây có một bờ biển dài tuyệt đẹp, với một lịch sử đầy bi tráng, thức ăn ngon, rau quả tươi… Chính ở đây, tôi mới có thời gian thực sự dành cho riêng mình, và cho gia đình. Tôi cũng đang học tiếng Việt, để có thể nói chuyện tốt hơn với người Việt Nam.

Vậy những tật xấu nào của người châu Á, nhất là Việt Nam, theo ông nên tránh?

Thói quen của người châu Á là không biết nhìn xa trông rộng, hay nghĩ về quá khứ, nên dễ bị đẩy lùi, dễ bị bỏ rơi trong khi người khác đang tiến về phía trước. Một đất nước tràn đầy sức sống, dân số trẻ, nhiều tham vọng, lao động chăm chỉ. Sự thay đổi, rung động rất mạnh mẽ. Tuy nhiên tuổi trẻ Việt Nam cần có thời gian để suy nghĩ và hành động một cách chín chắn hơn, nếu không rất có thể mắc lại những sai lầm của người Trung Quốc, Thái Lan, vì muốn quá nhanh tất cả mọi thứ.

Ở Việt Nam, nhu cầu về người tài rất lớn, lớn hơn thực tế hiện có, nên cơ hội với người trẻ rất nhiều. Nhưng thói quen nhảy việc liên tục đang làm cho những người trẻ mất đi cơ hội tạo dựng cho mình những giá trị thực. Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng đừng chạy theo mức lương một cách thuần tuý, khi làm việc trong một môi trường năng động, có một người sếp tốt, mang lại cho mình nhiều giá trị, giúp mình phát triển liên tục thì nên ở lại. Thành công sẽ đến một cách bền vững hơn.

BÀI VIẾT KHÁC

Thông Tin Tư Vấn

Vui lòng điền chính xác thông tin
để được đội ngũ Du lịch Hoàn Mỹ hỗ trợ tốt nhất