
Bình thường, khi ở trạng thái thức, các cơ vùng họng, mũi, miệng giữ cho đường thở của chúng ta mở rộng và chúng ta thở một cách dễ dàng. Nhưng khi ngủ, các cơ này dãn ra, làm cho đường thở bị xẹp đi một phần, do đó không khí ra vào khó khăn hơn. Khi ta cố gắng thở, các mô mềm vùng họng sẽ rung lên và phát ra tiếng ngáy. Đây là tiếng ngáy sinh lý và ai cũng có thể ngáy, cả trẻ em lẫn người lớn. Tiếng ngáy này thường nhỏ và không nguy hiểm.
Nguy cơ ngáy nhiều và to hơn người khác xuất hiện khi chúng ta bị cảm, nghẹt mũi hay uống bia rượu nhiều. Ngáy to có thể do di truyền (trong gia đình có nhiều người đều ngáy to như nhau), do tuổi tác (từ tuổi trung niên trở lên tiếng ngáy thường lớn ra), giới tính (nam ngáy to hơn nữ vì vùng họng của nam bẩm sinh vốn đã hẹp hơn của nữ) hoặc do béo phì, hút nhiều thuốc lá (cơ vùng họng bị dãn và nhão).
Thông thường, người ngủ chung mới biết rõ tiếng ngáy của bạn như thế nào và có nguy hiểm hay không. Nếu tiếng ngáy đều, thở đều thì bạn chỉ bị ngáy thông thường và tiếng ngáy này có chăng chỉ làm phiền hà những người xung quanh thôi. Chuyện sẽ khác đi nếu tiếng ngáy không đều, có nhiều đợt ngưng thở trong khi ngủ, thậm chí nấc lên. Ấy là những dấu hiệu báo động về một bệnh rất nguy hiểm: hội chứng ngưng thở lúc ngủ.
Hội chứng ngưng thở lúc ngủ là một rối loạn hô hấp trong khi ngủ mà theo đó, các cơ vùng họng dãn ra rồi xẹp lại làm tắc nghẽn đường thở, gây ra nhiều đợt ngưng thở ngắn trong đêm, kết quả là dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong máu. Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng trên, chẳng hạn tình trạng bị dãn và yếu cơ vùng hầu họng (do tuổi cao, khói thuốc lá, rượu…) hay tắc nghẽn vùng hô hấp trên (do amiđan to, lưỡi gà dài, màn hầu chùng, đáy lưỡi to, vẹo vách ngăn).
Người bệnh thường có thêm triệu chứng nhức đầu lúc thức dậy, cảm thấy mệt mỏi, mất tập trung khi làm việc và rất buồn ngủ ban ngày, từ đó dễ bị tai nạn lao động hay tai nạn giao thông. Nếu hội chứng này không được phát hiện và điều trị sớm thì sẽ có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng tim mạch (cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim), thần kinh (tai biến mạch máu não), đái tháo đường typ 2…
Khi nghi ngờ bị hội chứng trên, bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa về giấc ngủ để được tư vấn. Bác sĩ sẽ khám tai mũi họng của bạn để tìm các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường hô hấp và đo đa ký giấc ngủ để chẩn đoán.
Nếu tiếng ngáy to nhưng vẫn thuộc loại ngáy thông thường, bạn có thể áp dụng một số cách dưới đây để giảm độ lớn của tiếng ngáy:
– Giảm cân để giảm lớp mỡ quanh vùng họng, nhờ đó đường thở rộng ra.
– Ngưng hút thuốc.
– Tránh dùng một số thực phẩm trong vòng bốn giờ trước khi ngủ, bao gồm rượu, sữa và các sản phẩm từ sữa, các loại bánh, thức ăn có nhiều mỡ, thuốc ngủ và thuốc chống nghẹt mũi.
– Vệ sinh mũi trước khi ngủ.
– Tránh nằm gối quá cao (vì cổ bị gập sẽ gây ngáy nhiều hơn).
– Nằm nghiêng khi ngủ (tư thế nằm ngửa dễ làm lưỡi rớt ra phía sau họng, gây tắc nghẽn đường thở).
– Tăng cường dùng một số thực phẩm có lợi cho việc thở như tỏi, hành tây, trái lê, mật ong.
– Giữ cho không khí trong phòng ngủ không quá khô.
Nếu các biện pháp trên chưa có hiệu quả, bạn có thể dùng thử một vài dụng cụ chống ngáy như gối chống ngáy, dây kéo cằm (hiện chưa có bán ở Việt Nam nên có thể gửi mua ở nước ngoài), nhưng không phải lúc nào chúng cũng hữu hiệu.
Trường hợp bạn bị hội chứng ngưng thở lúc ngủ thì tùy theo kết quả của đa ký giấc ngủ của bạn mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp theo thời gian.
Xin chớ xem thường tiếng ngáy vì về mặt xã hội, nó có thể gây nhiều hậu quả xấu trong quan hệ vợ chồng (ngủ riêng, ly thân…), còn về mặt y khoa, nó có thể là một trong những triệu chứng của hội chứng ngưng thở lúc ngủ – bệnh lý nguy hiểm có nhiều biến chứng và có thể gây đột tử trong đêm (do rối loạn nhịp tim nặng). Vì vậy, hãy đến bác sĩ xin tư vấn nếu bạn ngáy to, có cảm giác ngộp thở trong khi ngủ và ban ngày thường buồn ngủ vào những lúc đang cần làm việc, dễ gặp nhất là khi đọc tài liệu, hội họp, lái xe…
BS Nguyễn Xuân Bích Huyên
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần