Tiền ai mà chẳng mê nhưng kiếm ra tiền thì không dễ. Nhưng bài viết này lại không đề cập đến việc đó mà sẽ nói đến số phận kỳ lạ của một người mê và chơi tiền cổ. Có nghịch lý là anh càng “tầm” được những tờ tiền độc thì cũng có nghĩa anh bị vét cạn túi, lại càng không có tiền…

xuan_vinhĐó là họa sĩ biếm độc đáo của làng cười Nha Trang được biết đến với bút danh NOX, X.Vinh. Tên thật của anh là Nguyễn Hoàng Xuân Vinh, người ngoài nổi tiếng về chơi tiền còn khét tiếng với hơn mười lăm giải thưởng về vẽ tranh và biếm họa.

Từ trò chơi phát hiện thú đam mê

Vinh kể anh mê sưu tập tiền từ nhỏ. Khi mới lên 8, 9 tuổi. “Ngày xưa, trẻ con không có nhiều trò chơi như bây giờ và một trong những trò chơi đó là ném xu, táng xu. Đó là những đồng xu làm bằng ni-ken, tiền Pháp. Ở cạnh nhà tôi có một lò thu mua ve chai. Chủ vựa mua vào những đồng xu bằng bạc không còn có giá trị sử dụng để tái chế. Và những đồng bằng chất liệu ni-ken ông vất ra. Một ngày tôi nhận ra sao đồng xu ấy đẹp quá! Trên mặt nó còn có hình người, hoa văn, phong cảnh. Một nét gì đó thật kỳ công. Không ngờ đam mê ấy khởi nghiệp chơi tiền của tôi…”.

Vinh nói địa hạt này “vô thiên lủng” cách chọn, cách chơi. Để có được một bộ tiền giá trị thì phải bỏ công săn tìm từng tờ cho đến khi đầy đủ là kỳ công. “Quan trọng nhất vẫn là duyên. Báu vật tìm người chứ người không thể tìm vật. Tôi nhiều lần mất ăn mất ngủ vì lần theo được dấu tích của đồng tiền mình đang khuyết, đang cần nhưng khi gặp đành thua vì không có tiền để mua lại nó. Tiếc ngẩn, tiếc ngơ hàng tháng trời…”.

bo_suu_tap_cua_vinh

Một số mẫu tiền cổ trong bộ sưu tập quý giá của Vinh

Đến bộ sưu tập tiền Đông Dương có giá trị

Vinh cho biết anh tâm đắc nhất vẫn là bộ sưu tập tiền Đông Dương. Để chơi bộ này phải am hiểu ba chặng cơ bản. Giai đoạn một từ năm 1875 đến 1903, tiền in khổ lớn gồm 3 thứ tiếng Anh, Pháp và Tàu. Tiền được phát hành sau khi Pháp chiếm Lục tỉnh Nam kỳ nên rất khó tìm vì các lý do: mệnh giá quá cao, thời đó địa chủ mới có. Mệnh giá chia 4 loại: 5đ, 20đ, 100đ và 1đ. Giai đoạn hai có thể xem từ năm 1903 – 1945, loại tiền này được chia thành nhiều bộ. Tờ hiếm nhất tên “nướng bánh tráng” vì có hình ảnh người đàn bà nướng bánh. Tờ “Vịnh Hạ Long” cũng được xem là “của độc” vì hiếm khi gặp được tờ mới.

Còn tờ “5 ông sư” bởi có hình 5 ông sư thì gắn với câu chuyện lịch sử ly kỳ: Chúng được in tại Nhật Bản và do chính phe Nhật phát hành lúc chiếm đóng bán đảo Đông Dương. Chiếc tàu chở đồng tiền này bị máy bay phe Đồng Minh oanh tạc, cháy trên biển nên đến Việt Nam chỉ lưu hành được một số ít. Giai đoạn ba của bộ tiền được cho phát hành sau khi Bảo Đại lên làm Quốc trưởng vào những năm 1945-1954. Loại tiền còn được gọi là “tiền liên hiệp” bởi 3 nước bán đảo Đông Dương dùng chung.

Phác họa chân dung những kẻ “tiền hành”

Giới chơi tiền cổ đã so sánh niềm đam mê của mình với “ma túy” vì đã lỡ “lậm” vào thì thật khó mà từ bỏ. Và để bỏ được cũng phải “cai”, “dứt cơn từng bước đến chấm dứt vĩnh viễn” chứ không phải ngày một ngày hai mà được.

Với riêng Xuân Vinh thì số phận như thử thách hơn khi “giữa cuộc chơi” anh phát hiện vợ ngã bệnh tiền ung thư buộc phải chọn lựa giải pháp trước ngã ba: giữ “tiền cổ” hay bán “bộ sưu tập” để có tiền chạy chữa cho vợ? Để đi đến quyết định, anh đã mất ăn mất ngủ hơn 2 tháng, bởi đau và tiếc như “thằn lằn tiếc của”.

Vì không dứt được “kiếp đam mê” nên Xuân Vinh mới nảy ý định viết một cuốn sách về thú chơi tiền của mình để nếu bộ sưu tập “lỡ may” phải bán đi thì vẫn còn đây những kỷ niệm, những hình ảnh “nợ đời”, để đọc lên và nhìn ngắm. Đây cũng là cách Vinh học được từ một bậc tiền bối, giờ đang sống với con cháu vẫn hứng thú khi xem lại “thời oanh liệt” qua hình ảnh chụp lại từ bộ sưu tập tiền cổ. Vậy đó. Đam mê không dễ gì dứt nghiệp. Không còn thực thì vẫn dâng trào trong mộng những ngả đi về điên loạn của muôn kiếp đam mê…

(nguồn: thanhnienonline)