Khi tôi còn làm Tổng Giám Đốc cho Công ty Gốm sứ của Nhật tại Sài Gòn, có một lần sau khi cùng làm việc với một nhóm khách hàng đến từ Nhật xong chúng tôi cùng họ đi ăn trưa. Sau bữa ăn, với tính cách hiếu khách của người Việt Nam tôi gọi trả tiền và coi như chiêu đãi khách vì họ đến làm ăn với mình. Đây là một việc bình thường đối với các Doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng đối tác người Nhật của tôi đã cản lại. Ông ta nói rằng, hành động này của tôi sẽ khiến các khách hàng người Nhật kia hiểu lầm là trong quan hệ này, tôi là người được lợi so với họ cho nên tôi mới bỏ tiền chiêu đãi và như thế họ sẽ xem xét lại các điều kiện thỏa thuận.
susongphang-01

Tôi đã làm theo lời khuyên đó và để cho họ góp tiền tự trả theo kiểu “hồn ai nấy giữ”. Đồng thời vào buổi chiều khi đàm phán giá, tôi đã tính với họ đến từng xu lẻ. Kết quả thật bất ngờ, các vị khách đều đặt hàng với giá cả trên cả sự mong đợi. Sau này tôi có hỏi Ông bạn người Nhật đối tác thì thì được biết toàn bộ khách hàng đều thỏa mản vì họ cho rằng giá cả đã thỏa thuận là hợp lý vì tôi phải mặc cả với họ đến từng xu.

Còn một chuyện nữa là trong làm ăn, người Nhật luôn đi tham quan tìm hiểu thực địa để đánh giá đồi tác và nơi mà họ quan tâm đầu tiên là cái toilet của Công ty bạn. Những Doanh Nghiệp Việt nam nào có toilet dưới chuẩn sẻ bị trừ điểm trong mắt của họ. Bởi vì theo họ, điều cần thiết nhất ảnh hưởng đến bạn hàng ngày mà bạn làm chưa tốt thì làm sao bạn có thể làm tốt thứ khác.

Trên đây là một vài câu chuyện mà tôi từng trải nghiệm với Khách hàng Nhật. Còn rất nhiều câu chuyện khác về phong tục tập quán, cách thức chào hỏi, trao danh thiếp,… của người Nhật mà một đối tác cần thông hiểu. Với xu hướng của một làn sóng đầu tư mới từ Nhật đang tìm đến Việt Nam, tôi tin sẽ có những cơ hội cho những ai biết nắm bắt.

Theo Thời Báo kinh tế Saigon số ngày 19/5