“Ngôi làng Hà Lan” được bắt đầu từ năm 1985 và sau 25 năm tổ chức, sự kiện văn hóa này đã đi qua nhiều quốc gia: Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Pháp, Áo, …từ 22 đến 31/10/2010 vừa qua, ” ngôi làng Hà Lan” đã có mặt tại Việt Nam. Nhân cơ hội này, chúng ta hãy tìm hiểu thêm về phong tục tập quán và văn hóa kinh doanh của xứ sở cối xay gió.

battaytronggiaotiep-1

Gặp và chào hỏi

Bắt tay là kiểu chào phổ biến của người Hà Lan. Khi chào, bạn nên giới thiệu tên của mình.

Khi gặp nhau lần đầu tiên, thường chủ và khách đều tự giới thiệu, nói chuyện nhiều, quan sát kỹ, cố gắng hiểu về nền văn hóa của đối tác, sau đó mới đi vào công chuyện làm ăn. Người Hà Lan đánh giá cao khả năng thực hiện và tính quyết đoán của đối tác.

Trong xưng hô, người Hà Lan có thể rất nhanh chóng chuyển từ sử dụng đại từ nhân xưng khách sáo sang thể thân mật. Thường đối tác cao tuổi hơn sẽ là người đề nghị chuyện này.

Những chủ đề thường được đề cập đến khi gặp nhau làm quen là về vấn đề đất nước, quê hương, chuyến bay đến Hà Lan, chỗ ăn ở và chính trị. Chủ đề cần hết sức tránh là thu nhập và tài sản cá nhân, phê phán hoàng gia Hà Lan, tôn giáo và đảng phái chính trị. Người Hà Lan rất thích tranh luận và coi trọng những đối tác thể hiện hiểu biết về đất nước và tình hình Hà Lan

Giao tiếp trong công việc

Khi làm việc với đối tác người Hà Lan, bạn không nên nói vòng vo mà nên đi thẳng vào vấn đề, thể hiện rõ quan điểm. Họ rất thẳng tính và có thể sẽ phản ứng nếu bạn không đi thẳng vào vấn đề.

Việc đúng giờ như đã thỏa thuận là rất quan trọng. Nếu đến muộn, bạn nhất định phải thông báo qua điện thoại và nêu lý do thỏa đáng
.
Quá trình làm ăn được thực hiện một cách chậm rãi. Người Hà Lan rất quan tâm đến chi tiết và họ có xu hướng muốn hiểu tất cả những hàm ý trước khi quyết định một thỏa thuận

Việc đưa ra quyết định là sự nhất trí giữa những người có ảnh hưởng. Một khi quyết định được đưa ra thì không thể thay đổi.

Người Hà Lan thường sử dụng cách hành văn rất chính thức và quy chuẩn trong các văn bản giao dịch. Đối tác người Hà Lan thường để các chuyên gia trao đổi với nhau trước, sau đó mới đến cuộc gặp của người có quyền quyết định cuối cùng.

Giao tiếp khi dùng bữa

Bữa ăn làm việc với đối tác người Hà Lan thường đơn giản, rất hiếm khi với thực đơn dài và sang trọng. Nếu đối tác người Hà Lan không nói rõ là họ mời thì thường ai trả tiền cho phần của người đó. Một khi đã mời cả phu nhân hoặc phu quân của đối tác thì trong bữa ăn không đề cập đến chuyện làm ăn.

Mời nhau về nhà là chuyện rất đặc biệt. Khách được mời nên đến dự với bó hoa, sôcôla hoặc chai rượu ngon. Người Hà Lan rất sành rượu vang nên bạn nhớ chọn loại rượu vang ngon

Nếu bạn được họ mời đến nhà sau 8g tối thì có nghĩa là không có bữa ăn tối.

Nếu bạn được mời đến nhà uống cà phê sáng vào cuối tuần thì nên chủ động tạm biệt sau ly cà phê thứ hai

Tặng quà

Bạn nên thận trọng với chuyện tặng quà cho đối tác người Hà Lan. Với họ, nhận quà đắt tiền hay được ưu đãi cũng có nghĩa nhận trách nhiệm đối với bạn, hối lộ hoặc mất công bằng đối với người khác. Vì thế, bạn chỉ nên bắt đầu với một món quà nhỏ, điều đó sẽ không khiến đối tác người Hà Lan khó xử.

Nếu tặng hoa thì bạn phải tặng số lẻ, nhưng không tặng số 13, được cho là số không may mắn.