Nếu muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Thụy Điển điều đầu tiên bạn cần làm là trang bị những hiểu biết nhất định về văn hóa kinh doanh của họ.

giaotiepcuanguoithuydien

Gặp và chào hỏi

Người Thụy Điển rất chú ý giữ khoảng cách, họ không vồn vã với người khác và không để người khác quá vồn vã với mình.

Nhưng hành động như chống tay ngang hông bị coi là hành động thách thức, khoanh tay trước ngực là biểu hiện của sự cự tuyệt. Dang rộng tay và cử động mạnh bị coi là lố bịch hoặc đe dọa.

Giao tiếp trong kinh doanh

Quan hệ tiếp xúc và làm ăn nên thông qua trung gian môi giới hoặc người quen, vì người Thụy Điển thường không trả lời thư của những ai không quen biết.

Doanh nhân Thụy Điển có lịch làm việc sát sao, vì vậy tốt hơn hết là hãy báo trước các cuộc viếng thăm của bạn. Tính đúng hẹn không những được coi là biểu hiện của sự tôn trọng mà còn thể hiện hiệu quả công việc. Việc đặt ra thời hạn để hoàn thành một công việc hay đưa ra một quyết định được coi là rất bình thường ở Thụy Điển.

Khi chào hỏi, người Thụy Điển bắt tay tất cả mọi người có mặt, tự giới thiệu cả tên gọi và tên họ, sau đó trao đổi danh thiếp. Chỉ được xưng hô bằng tên gọi khi thật thân thiết với nhau.

Thư từ trao đổi công việc phải ngắn gọn, không rườm rà.

Trong đàm phán, người Thụy Điển không thích bị thôi thúc hoặc dồn ép. Họ lựa chọn ngôn từ rất cẩn thận và không ngắt lời đối tác. Họ rất coi trọng thỏa thuận miệng, tránh tranh luận khi bắt đồng quan điểm. Để gây ấn tượng mạnh, bạn nên biểu hiện thông qua những bảng biểu, con số hơn là lời nói. Và trong quá trình đàm phán, cần giữ bình tĩnh, kiềm chế phản ứng vì người Thụy Điển coi những ai không làm chủ được bản thân là những người không đáng được tôn trọng và tin cậy.

Giao tiếp khi dùng bữa

Người Thụy Điển không có thói quen bàn công việc tại nhà hàng hay cùng ăn trưa với đối tác. Tuy nhiên, nếu có cùng nhau ăn trưa hay ăn tối thì chủ và khách ngồi cạnh nhau, những người khác không nhất thiết phải theo trật tự lễ tân nào.

Trong bữa ăn, thông thường chủ nhà sẽ nói đôi lời chào mừng khách, và cuối bữa ăn khách nên nói lời cảm ơn lòng hiếu khách của gia chủ.

Việc đi một vòng quanh bàn để chúc từng cá nhân là bình thường và sẽ là một cách thể hiện lịch sự khi trao đổi đôi lời, giao tiếp qua đôi mắt trong một khoảng thời gian hợp lý.

Tặng quà

Tặng quà không nằm trong văn hóa kinh doanh của người Thụy Điển. Tốt nhất bạn không nên tặng quà cho họ, trừ khi bạn đáp trả sau khi đã nhận được quà của đối tác.

Thiệp chúc mừng nhân ngày lễ thì được xem là hợp lý, đặc biệt là tấm thiệp cảm ơn về công việc kinh doanh của người nhận trong năm qua.

Trong các sự kiện xã hội thường có quà tặng, đặc biệt là để cảm ơn cho một bữa tiệc. nếu được mời đến thăm nhà, bạn nên tặng gia chủ hoa (theo số lẻ) hoặc một món quà nho nhỏ như rượu, bánh ngọt và sôcôla. Và bạn cũng nên mang theo kẹo cho trẻ em.

Rượu được xem là món quà được hoan nghênh nhất vì nó khá đắt ở Thụy Điển

Theo Doanh nhân Sài gòn cuối tuần – ngày 01/04/2011