Dạy bằng hạt me, chiếc lá
Chú Drek – một người sống lâu năm ở làng Bluk Blui – nhớ rõ: “Nghe có cô giáo dạy chữ, dân làng vui lắm – như trời đang hạn gặp cơn mưa vậy. Dân làng cùng cô giáo lên rừng chặt tre nứa dựng lớp. Những người bệnh nặng, cô giáo không cho đi cũng đòi đi theo…”. Với sự giúp đỡ của những đôi tay không lành lặn của cư dân làng phong, lớp học ra đời. Ngày đầu tiên đi dạy, cô Siu H’Jel đã bật khóc vì xúc động khi nhìn hơn 60 học sinh dắt nhau đến lớp. Học sinh lớn nhất 20 tuổi, học sinh nhỏ nhất 5 tuổi cùng bắt đầu học mẫu giáo. Không đủ bàn ghế, học sinh cứ ngồi bệt xuống đất. Lá cây, hạt cây rừng là giáo cụ, nền đất và que cây là bảng – viết. Lúc mưa, bài học bị tạm ngưng vì lớp học dột nát. Khi giông bão, mái lá đơn sơ bị gió cuốn đi. Và dân làng lại lên rừng, chặt cây, tre nứa, gia cố lớp học. Từ năm này qua năm khác, bằng cái cách ấy, con chữ đã ươm mầm, nhọc nhằn lớn lên trên vùng đất khó… Hai mươi năm trôi qua, lớp học tre nứa ngày xưa giờ đã được thay bằng một lớp học tình thương tươm tất hơn. Cô Siu H’jel cũng được ký hợp đồng dạy mẫu giáo với mức lương hơn 1,2 triệu đồng/tháng khi đã lên chức “bà nội”. Từ tỉnh lộ, một con đường nho nhỏ dẫn vào làng Bluk Blui. Một màu xanh hiền hoà của cây điều và nhiều loài cây ăn trái gần như phủ xanh một vùng đất bazan. Cuộc sống của dân làng Bluk Blui đã phần nào đổi thay. Nhưng có một bóng người không hề thay đổi. Đó là cái dáng đi khập khiễng nhưng lúc nào cũng vội vàng của cô giáo H’Jel vẫn ngày ngày đến với dân làng. Không chỉ lau cho họ những vết thương thể xác, cô còn xoá bớt nỗi mặc cảm hằn sâu trong cuộc đời của họ.

Năm nay, cô Siu H’Jel đã bước vào tuổi 53. Nhưng ngày ngày, người phụ nữ gầy gò ấy vẫn lên rẫy cuốc đất vun từng gốc cà phê. Sau mỗi mùa thu hoạch, như hai mươi năm qua, cô lại trích một phần mua gạo, bột ngọt, đường và tập vở cho trẻ em làng phong. Bởi vì, cuộc sống dân làng có khá hơn nhưng cái nghèo vẫn còn đó, như cô giáo ấy đã tâm niệm: “Chừng nào dân làng còn nghèo, trẻ em còn thiếu thốn, tôi còn chưa nghỉ hưu, tôi quyết định rồi, sống chết gì tôi cũng ở lại đây, ở lại với dân làng!”. Những đứa trẻ làng phong từ ngày đầu, giờ đã lớn, học hết chữ của cô giáo Siu H’Jel rồi lên tỉnh. Có em đã trở thành y tá chăm sóc sức khoẻ cho dân làng. Có em đang chuẩn bị thi vào đại học. Chuyện quá đỗi bình thường ở nhiều nơi khác, thế nhưng, ở làng phong, đó là một câu chuyện cổ tích giữa núi rừng bao la…
Câu chuyện Hai mươi năm “gieo chữ” làng phong của cô giáo Siu H’Jel sẽ được chuyển tải bằng ngôn ngữ truyền hình qua chương trình Tiếp sức người thầy, phát sóng lúc 21h40 tối mai (thứ ba 9.6.2009) trên kênh HTV9 – đài Truyền hình TP.HCM. Mời các bạn cùng đón xem và chia sẻ. Hiện nay, chương trình Tiếp sức người thầy cần nhiều đồ dùng dạy học, đồ chơi, sách, tập, bút… cho trẻ em làng phong Bluk Blui – nơi cô Siu H’Jel đang giảng dạy. Mọi đóng góp xin gửi về chương trình Tiếp sức người thầy – báo SGTT, 25 Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TP.HCM, ĐT: 08.39307825 hoặc email: tiepsucnguoithay@sgtt.com.vn |