Chắc hẳn ai đã từng làm cha làm mẹ cũng còn nhớ như in cái cảm giác hạnh phúc khi lần đầu tiên nghe thấy con mình cất tiếng khóc chào đời và thêm một lần hạnh phúc nữa khi con mình bập bẹ cất tiếng nói ê, a, baba, mama… Giọng trẻ nhỏ thật dễ thương ríu rít như chim non, nhưng cũng thật đau buồn và nỗi bất hạnh rất lớn cho một số gia đình chẳng may có con bị bệnh câm điếc bẩm sinh. Thế nên mới thấy con người có được tiếng nói là niềm hạnh phúc lớn lao mà tạo hóa đã ban tặng.
Đó là thứ mà đôi khi con người ta có được lại không biết trân trọng nâng niu và tận dụng nó như một thứ công cụ làm đẹp thêm cho cuộc sống. Trong đời đã bao lần bạn uốn lưỡi ba lần trước khi nói chưa nhỉ? Chắc chắn là rất ít, thậm chí có người còn “muốn nói gì thì nói” không cần biết nó sẽ tác động như thế nào với người đối diện… Chính vì lẽ đó mà B.Pascal đã từng nói “Nguyên tắc thứ nhất là nói cho thành thật; nguyên tắc thứ hai là nói cho cẩn thận” và trong dân gian ta vẫn thường có câu “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hoặc nữa là “Chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.
Từ thuở nhỏ các em đã được cô giáo dạy học cách giao tiếp
Ông bà ta cũng thường có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở” cái gì cũng cần phải học cả… Cho nên ngay từ tuổi lên ba trẻ nhỏ đã được đến trường, rồi khi bước vào lớp một các em được học những bài học vở lòng, học những bài học đạo đức… Kiến thức thì mênh mông có lẽ chúng ta phải học cả đời vẫn chưa hết nổi. Nhưng phải thừa nhận một điều rằng đa số người có học bao giờ ăn nói cũng dễ nghe hơn người thất học…
Đề cập đến vấn đề lời nói ở đây chúng ta có thể nghĩ đến cái nghĩa sâu xa hơn đó là về văn viết chứ không riêng gì văn nói bình thường. Người nước ngoài có câu cửa miệng thường là “I’m Sorry” mặc dù đôi khi họ chẳng có lỗi gì còn MC của ta thì thường là vâng… vâng trong lúc dẫn chương trình. Còn trẻ nhỏ thì cô giáo vẫn hay dạy trước một câu trả lời với người lớn là từ “dạ”. Đó chính là những từ ngữ thể hiện văn hóa và lễ phép của con người.
Lời nói tưởng là chuyện đơn giản nhưng thật ra tác dụng của lời nói cũng thật mạnh mẽ. Trong chiến tranh hay hòa bình lời nói của các vĩ lãnh tụ luôn là động lực thúc đẩy sự thành công. Gần đây nhất chắc các bạn cũng biết “vụ giẫm đạp chết người ở Campuchia” cũng chỉ vì những lời nói “cầu sập, cầu sập” của một số người đã gây tác động và làm cho hàng ngàn người hoảng loạn tháo chạy và xảy ra vụ chết đau thương hơn 300 người và hàng trăm người bị thương nặng.
Trong cuộc sống quanh ta cách xử sự của từng thành viên cũng thế, đôi lúc chỉ vì những lời nói làm cho con người ta gắn kết lại với nhau hoặc có thể làm tan rã một mối quan hệ nào đó. Trong tình yêu đôi lứa và hôn nhân gia đình cũng vậy… Nếu như cả hai phía đều biết cách xử sự và biết suy nghĩ kỹ trước khi nói cũng như dùng những lời lẽ dễ nghe thì mối quan hệ ngày càng tốt đẹp và bền vững ngược lại nó sẽ dễ dàng làm rạn nứt… và với con người có lòng tự trọng họ sẽ chẳng bao giờ thấy dễ chịu khi người khác nói sai về mình.
Điển hình chẳng hạn có một anh chồng đi làm cả ngày mệt nhoài vì công việc về nhà thay vì cô vợ rót nước mời chồng uống và nói “anh làm cả ngày có mệt không anh?” thì anh chồng sẽ cảm thấy khỏe hơn thoải mái hơn và yêu vợ hơn đằng này bà vợ ghen tuông xỉa cho một câu “hôm nay chắc đi với con nào nên về trễ và thừ người ra như thế?”. Ông chồng đã mệt giờ càng thấy mệt mỏi hơn…
Dẫu biết rằng sự việc thực hư thế nào không biết nhưng biết cách lựa lời thường gây hiệu quả tích cực hơn là cứ nói bừa, nói đại. Trong tình bạn cũng thế có khi lời nói sằng bậy thiếu suy nghĩ cũng làm dần mất đi những tình bạn, ngược lại những lời nói chân thành những góp ý động viên cũng giúp con người ta lấy lại tinh thần, giảm đi phiền muộn và gắn kết lại với nhau… Ngay cả việc nói đùa cũng thế. Nói đùa, nói vui làm cho người ta giảm stress… Nhưng đùa vui quá trớn có khi cũng làm cho đối phương chạm tự ái nổi cáu, nổi giận đùng đùng…
Vậy cho nên bạn hãy thử tập thói quen suy nghĩ trước khi nói bạn sẽ thấy hiệu quả về lời nói của bạn hơn đấy… Mình cũng đã đôi lần thấy ngán ngẫm buồn chán vì những lời nói không ra chi của người khác và cũng nhiều lần thật vui vẻ khi các bạn nói đùa, và gần đây nhất là đã lấy lại tinh thần rất nhanh khi được các bạn động viên, an ủi, góp ý chân thành.
Sống ở trên đời có nhiều cách nói. Có đôi lần tôi phẩn nộ với với vài bloger vì những lời nói xấu thần tượng, nói xấu người khác đó cũng là bước ngoặc để tôi đến và gia nhập với gia đình Yume. Vào đây tôi càng thấy mến mộ và khâm phục mấy người bạn của mình; thật tình là họ có tài ăn với nói và viết lách, làm thơ nữa như: Ronney, Nim, Nemo, Saint, Tường rêu, Kid, Giản đơn, Hương Mùa thu, Xomzde, Tori, cùi chuối, Già làng, Ruby Phan, Bibi, Phạm Trình, CiN, GNBT, Dodidau, Chuvuamau, Tamtin, hakamA, Toàn, MXBCS, Hoàng chiến, Trà My, MeoZ… Chính những người bạn này đã giúp tôi có được niềm vui, bổ sung thêm kiến thức qua bài viết, quan tâm sự và sẻ chia của họ…
Có lúc tôi đã quên hẳn những phiền muộn, xóa tan những niềm đau mà tưởng chừng không thể vượt qua bởi lẽ họ luôn ở bên tôi và nói lên những lời nói yêu thương, dẫu biết rằng từ ngữ “yêu thương” thật mơ hồ mông lung, đó cũng không hẳn là tình yêu trai gái. Nhưng tôi vẫn tin rằng tình yêu thương mà các bạn đã giành cho tôi là có thật và trong ngàn lời yêu thương ít nhất tôi cũng được một lần có cảm giác hạnh phúc từ những lời nói chân thành mà các bạn đã giành cho ông anh “đáng yêu” này… hì hì
Vậy thì các bạn ơi sao chúng ta không bắt tay vào dùng lời nói của mình như một công cụ để đem đến cho cộng đồng và người thân những lời nói bổ ích và có giá trị nhỉ.