Đó là cuộc hành trình của một gia đình nghèo ở Krông Păk, Dăk Nông với hy vọng tìm lại ánh sáng và sự sống cho cô con gái năm nay mới 15 tuổi.
Người mẹ lặn lội đưa con vào Nam ra Bắc, rong ruổi khắp các bệnh viện để chữa trị cho con. Người cha tất bật mưu sinh tại quê nhà, gom góp viện phí. Và người chị, đang là sinh viên, sau mỗi buổi học lại chạy đôn chạy đáo gõ cửa khắp nơi tìm kinh phí để em lại được đến trường…
Vái tứ phương
Sài Gòn nắng. Người phụ nữ quày quả mua một hộp cơm tại quán ăn đối diện bệnh viện Chợ Rẫy rồi tất tả trở lại viện. Đó là chị Thái Thị Hạnh. Con chị, Trần Thị Hoàng, đang điều trị tại khoa nội thần kinh và được chẩn đoán xơ hoá não tuỷ. Bệnh nhân tại căn phòng lầu ba này thường chứng kiến cảnh hai mẹ con ăn chung một hộp cơm. Con ăn xong, nằm nghỉ, mẹ ăn phần còn lại rồi lại lui cui với việc giặt giũ, chuẩn bị thuốc men và hồi hộp chờ tiền từ quê gửi vào. Những hình ảnh ấy từ trước đó rất lâu đã gắn với hành trình qua các bệnh viện của hai mẹ con…
Hoàng học lớp tám trường THCS Hoà An, Krông Păc. Con nhà nghèo mà học giỏi có tiếng. Rồi một ngày cuối năm 2008, gia đình phát hiện mắt Hoàng bị nhoè đi. Nghĩ đơn giản “có thể do bụi bay vào mắt” nên mua thuốc về nhỏ, nhưng mãi không hết. Khám ở bệnh viện địa phương, bác sĩ lắc đầu vì không phát hiện được nguyên nhân, cho chuyển viện. Chị Hạnh đưa con gái tức tốc xuống bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM. Điều trị gần một tháng, chị xin đưa con về vì mắt có vẻ đỡ và tiền sắp hết. Về được ít lâu, mắt Hoàng lại mờ đi, lần này chị Hạnh dẫn con xuống bệnh viện Mắt TP.HCM. Nằm gần 20 ngày ở đây, bác sĩ chẩn đoán mắt bình thường nhưng phát hiện triệu chứng xơ cứng rải rác não tuỷ. Hai mẹ con được chuyển qua Chợ Rẫy với thời gian điều trị gần hai tháng, mắt trái Hoàng vẫn chỉ thấy bóng tối. Rồi hai mẹ con về quê, bác sĩ cho thuốc uống và hẹn tái khám mỗi tháng. Mắt đau nhưng đôi chân thì cứ muốn tới trường, gia đình buộc phải chiều ý Hoàng. Nhưng vui với trường lớp không được lâu thì hai mắt em mờ hẳn.
Suýt chết oan
“Thấy ở Sài Gòn bác sĩ chữa mãi không hết bệnh, tui đưa con bé ra bệnh viện Mắt trung ương, bệnh viện Mắt quốc tế Việt – Nga ngoài Hà Nội với hy vọng bác sĩ sẽ chữa hết”, chị Hạnh nhớ lại. Nhưng bệnh không hết, người ta lại chỉ dẫn chị tới bệnh viện Bạch Mai. “Hai năm đó tui và con bé sống trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Lúc mới điều trị, Hoàng ốm nhom, nặng 29kg. Giờ uống thuốc, tiêm thuốc người nó bị phù, nặng hơn 40kg”, chị Hạnh nghẹn ngào. Ra Hà Nội, điều làm chị khấp khởi trong bụng là tiền cơm… rẻ hơn Sài Gòn. Nỗi lo bệnh tật tiếp tục giằng xé người mẹ. Mỗi khi con chợp mắt chị lại cầm kết quả chẩn đoán của con lên xem. Hai mắt con vẫn chưa nhìn thấy gì và có nguy cơ dẫn đến bại liệt toàn thân. Chị khóc. Khóc vì đây là căn bệnh hiếm gặp và những bác sĩ chị từng cầu cứu đã lắc đầu. Chị càng áy náy khi trong giấc mơ, cô con gái vẫn thổn thức: “Mẹ ơi, cho con tới trường!”
Đã lường trước mọi khó khăn, nhưng chị ngất lịm khi hay tin con bị truyền nhầm máu. Đó là một ngày đầu tháng 1.2010, y tá thông báo Hoàng chuẩn bị truyền máu. Người mẹ ra ngoài, giặt khăn để lau mặt cho con. “Năm phút sau quay lại, thấy con bé kêu ngộp thở, sau đó người tím tái. Chạy hỏi y tá nhưng họ nói không sao. Con bé đi tiểu ra máu tươi. Lúc đó tui kiểm tra thì thấy trên bịch máu ghi tên bệnh nhân khác, giường khác!”, người mẹ nhớ lại. Con được đưa vào phòng cấp cứu thì ở ngoài chị lịm đi. Tỉnh dậy, người ta thừa nhận do bất cẩn nên truyền nhầm máu! May mà con chị tỉnh lại ngày hôm sau… 27 tết, hai mẹ con về quê, Hoàng vẫn chưa nhìn rõ…
Chết mòn
Niềm vui sum họp ngày tết kéo dài không được lâu, mắt Hoàng mờ hẳn, thái dương đau nhức và chân bị bại liệt. Đưa con lên bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để châm cứu, bệnh không hết hai mẹ con lại đón xe đò ra bệnh viện 108 Hà Nội. Ở đây được 20 ngày, Hoàng bắt đầu tập đi. Nhưng điều khiến gia đình chị lo lắng, đó là mỗi lần phát bệnh, sức khoẻ của Hoàng lại tệ hơn. “Tui có cảm giác con bé đang chết dần chết mòn”, chị Hạnh nghẹn ngào.
Hy vọng loé lên khi một bác sĩ tại bệnh viện 108 cung cấp thông tin đã có bệnh nhân mắc chứng bệnh tương tự được chữa khỏi khi qua Singapore. Gọi điện cho người thân bệnh nhân này, họ cung cấp tất cả thông tin, cách làm thủ tục, nhưng khi nghe đến chi phí chữa trị – 400 triệu đồng – tay chân chị rụng rời. Hành trình rong ruổi qua gần mười bệnh viện đã ngốn hết 300 triệu đồng. Ở quê, anh Trần Trung Cầu, bố Hoàng tất bật với công việc và lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng để đi vay tiền. Ngoài lo cho Hoàng, còn có hai chị học đại học và một đứa em đang học tiểu học. Nhà có ba sào đất, trông cậy cả vào đám càphê cùng công việc tay trái là làm bún. Nơi có thể vay tiền thì đã vay hết, cơn đau cột sống lại hoành hành vì làm việc quá sức nên người cha phải cắt đất vườn bán. Tiền bán đất vơi dần, căn nhà cũng được mang ra thế chấp để lấy tiền lo cho mấy đứa con. Kinh tế gia đình kiệt quệ. Trần Thị Kiều Ni, người chị lớn trong gia đình, sau mỗi giờ học hay những buổi dạy thêm lại chạy khắp nơi gõ cửa, tìm nguồn tài trợ cho em. Đã có sự tiếp sức của nhà trường, bè bạn hay phụ huynh, nhưng số tiền thu được chưa đủ mua vé máy bay đi lại.
“Tháng này đã đến kỳ ra Hà Nội tái khám mà chưa xoay đủ tiền để đi. Đi trong nước mà còn khổ vậy, kiếm đâu ra mấy trăm triệu để đi nước ngoài. Thời gian còn lại của con bé đang được tính từng ngày nhưng hết cách rồi nhà báo ơi…”, chị Hạnh tắc nghẹn câu nói, bật khóc.