Lê Đức Tuấn, ngoài công tác quản lý, hiện đang là giảng viên khoa địa lý môi trường, đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Từ một cán bộ trồng rừng, ông trở thành tiến sĩ khoa học với giấc mơ biến Sài Gòn trở lại là một “đô thị trong rừng” như cái tên nguyên thuỷ của nó.
![]() |
Ông là một trong những đội viên Thanh niên xung phong (TNXP) đầu tiên ở lại Cần Giờ và cùng với hàng ngàn con người nỗ lực khôi phục khu rừng ngập mặn này. Những năm tháng đó đã ghi dấu ấn trong ông như thế nào?
Trước tiên phải nói đến tầm nhìn sâu xa của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi đó là Bí thư Thành uỷ TP.HCM với tham vọng khôi phục hàng chục ngàn hécta rừng ngập mặn đang hoá bùn. Cũng nhờ ông Kiệt quyết mà TS Lê Văn Khôi, giám đốc lâm trường Duyên Hải, với cái nhìn của một nhà khoa học, ban đầu chỉ dám nhận 200ha/năm, khi ông Kiệt giao 4.000ha/năm cùng lời hứa sẽ huy động toàn lực lượng thì anh vẫn chần chừ không tin. Trước khi nhận dự án trồng lại rừng, TS Lê Văn Khôi đã đi khảo sát toàn miền Nam để tìm trái giống thì chỉ còn Cà Mau là nơi có thể cung cấp. Anh cho thành lập một tổ đi xuống tận Cà Mau thu mua. Mỗi ghe chở được cao nhất khoảng 30 tấn đi hết nửa tháng về đến Sài Gòn cũng chỉ dùng được 60%. Bên cạnh đó, anh Khôi cho thành lập các đội kỹ thuật xuống chỉ dẫn cho dân năm xã Thạnh An, Long Hoà, Cần Thạnh, Lý Nhơn và Tam Thôn Hiệp. Tổng cộng toàn bộ lực lượng là 3.000 người. Lúc đó, tôi mới 23 tuổi, là TNXP chuyển ngành nhưng từng học nông lâm nên được phân công vẽ sơ đồ cho việc gieo giống. Chúng tôi tiếp tục cho trồng thêm các loài cây.
Cây càng đa dạng thì rừng càng có tính bền vững. Sau khi rừng khép tán thì vài ba năm sau chúng tôi phát hiện cây dày quá do lúc gieo hạt không để ý. Thế là rủ nhau đi tỉa thưa. Có một kỷ niệm đáng nhớ, ấy là lúc chúng tôi bắt gặp một con mèo rừng to như con cọp làm ai cũng hồn vía bay lên. Khi nhìn lại biết chắc là mèo, ai nấy mới thở phào rồi cả bọn rú lên vì mừng: các loài thú đã quay về! Sau đó chúng tôi gặp cọp thiệt, thêm cả heo rừng, chồn, nhím… và các loại chim rừng cùng hằng hà sa số các loài cá. Còn bò sát cũng hàng trăm loài, kể cả những loài có tên trong Sách đỏ. Sau 22 năm, rừng Cần Giờ trở thành một khu rừng ngập mặn được phục hồi lớn nhất Việt Nam. Ngày 21.1.2000, uỷ ban MAB (Man and Biosphere programme) của UNESCO công nhận đây là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, cũng là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam.
Điều kỳ diệu là chính giới khoa học nước ngoài cũng đánh giá rất cao về tầm nhìn của các nhà lãnh đạo Việt Nam khi cho khôi phục lại cả một khu rừng bị tàn phá trong thời điểm mà các nước khác đang phá rừng. Còn nhớ lúc đó, TP.HCM còn có chính sách các nhà hàng, khách sạn phải phụ thu 8% để đưa vào quỹ xây dựng nguồn vốn cho việc trồng rừng ở Cần Giờ. Rồi không chỉ chính quyền tham gia mà ngay cả đến xã cũng thành lập ban chỉ đạo trồng rừng… tức huy động toàn nhân dân. Đó là sự gắn kết cộng đồng mà không phải nơi nào cũng làm được. Còn bây giờ, nói thật, chỉ chục năm gần đây, chúng tôi mới thực sự thấy gian khó vì muốn giữ được rừng, phải chống lại lòng tham của con người.
Có phải ông và những người đang làm công tác giữ rừng, phát động phong trào “đô thị xanh” đang phải đối mặt với rất nhiều dự án, quy hoạch xâm phạm đến “lá phổi” này và cả những mảng xanh khác của nội thành?
Ông bà mình ngày xưa biết con nào mùa nào đẻ trứng nên không cho đánh bắt, thậm chí còn dùng thần linh để giới hạn lòng tham của con người. Đất của mình, mình phải tính đến đời sau con cháu còn có ăn hay không |
Đúng vậy, nói đến đây phải nhắc đến công lao rất lớn của giáo sư Phan Nguyên Hồng và Nguyễn Hoàng Trí. Nếu những người trí thức ấy không nỗ lực để UNESCO công nhận di sản thì có lẽ rừng Cần Giờ cũng đã bị nhiều dự án xây dựng xâm phạm. Mới đây tuyến đường mở rộng sáu làn xe cũng gây nhức nhối cho chúng tôi khi nhìn những mảng xanh bị chia cắt. Có đến 80ha rừng bị mất đi. Từ nước ngoài, có người gửi email hỏi: “Chúng tôi nhìn thấy trên vệ tinh con đường lớn cắt ngang qua rừng, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái. Mục đích nhân văn nào khi chính quyền cho mở đường lớn như vậy xuyên qua rừng?” Chúng tôi trả lời với họ là đang tìm những nơi khác để trồng bù.
Con người luôn phải gắn với thiên nhiên, môi trường, không thể tách rời, vì giữa hệ thống thiên nhiên và con người luôn có sự trao đổi về chất. Ông bà mình ngày xưa biết con nào mùa nào đẻ trứng nên không cho đánh bắt, thậm chí còn dùng thần linh để giới hạn lòng tham của con người. Đất của mình, mình phải tính đến đời sau con cháu còn có ăn hay không.
Với xu hướng môi trường xanh toàn cầu hiện nay, ông có thể nói thêm về tầm quan trọng của việc giữ rừng Cần Giờ và hiện trạng ô nhiễm của TP.HCM?
TP.HCM có diện tích 209.000ha, tổng diện tích rừng hiện nay là 38.860ha, tức chỉ chiếm 18,5% diện tích tự nhiên. Rừng phân bố tập trung ở Cần Giờ, Bình Chánh và Củ Chi. Theo quy luật của tự nhiên thì độ che phủ cho một thành phố phải chiếm 40% mới cân bằng. Riêng rừng Cần Giờ chiếm 1/3 độ che phủ. Do yếu tố địa lý, khu rừng này lại nằm về phía đông nam của thành phố, ngay hướng gió biển thổi thẳng về đất liền, vì thế nó trở thành lá phổi sinh học khổng lồ, là món quà của mẹ thiên nhiên ban tặng cư dân thành phố. Nó còn là “nhà máy” điều hoà khí hậu cho Vũng Tàu, Đồng Nai. Vậy với 25% mảng xanh còn lại, TP.HCM phải có kế hoạch phủ lấp. Vì thế chúng tôi vừa làm xong dự thảo “Đề án bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh TP.HCM đến năm 2020 tầm nhìn 2025”. Trong đề án này, chúng tôi phân tích rất kỹ mức ô nhiễm của thành phố hiện nay từ môi trường đất, nước đến không khí. Đáng báo động là mức ô nhiễm do nhiệt và khói cùng với tốc độ đô thị hoá, bêtông hoá nhanh đã làm nhiệt độ bề mặt của đất gia tăng, cùng với bụi đã xuất hiện hiện tượng “đảo nhiệt” – làm cho nhiệt độ khu vực trung tâm thành phố gia tăng. Sài Gòn còn bị ô nhiễm mùi rất nặng. Tình trạng ô nhiễm môi trường quá mức đe doạ sự tồn vong của các khu rừng và mảng xanh đô thị. Nhà chức trách vẫn còn đánh giá thấp những đóng góp của ngành lâm nghiệp vào GDP của thành phố hiện nay. Chúng ta cần phải tính đúng và tính đủ các loại giá trị chức năng và giá trị đa dạng sinh học của rừng và mảng cây xanh vào GDP của TP.HCM.
Vậy theo ông, giải pháp tốt nhất cho tình hình không mấy khả quan này để tất cả chúng ta đều có thể thực hiện trước khi quá muộn là gì?
Ông Nguyễn Đình Quý, chi cục Lâm nghiệp TP.HCM “Tôi làm việc với anh Tuấn đến nay đã hơn 20 năm. Chúng tôi cùng chia sẻ những ngày tháng trong rừng. Điều làm tôi ấn tượng về “người bạn rừng” này chính là tinh thần cầu tiến. Từ người đang đi học, bỏ dở rồi đi học lại, đến nay Tuấn đã có những công trình khoa học đáng nể. Hiếm có cán bộ lâm nghiệp nào đầy nhiệt huyết và xả thân như thế” Đạo diễn Tường Phương: “Tuấn với tôi là bạn học thời sinh viên, cùng học điện ảnh. Hai đứa chơi thân với nhau từ hồi đó. Sau khi đất nước giải phóng, Tuấn vào TNXP. Rồi bặt tin. Quả đất quay tròn, Tuấn lấy vợ cũng là bạn học của tôi, Thanh Bình – nghệ sĩ hoá trang nổi tiếng cho những bộ phim, trong đó có phim của tôi. Điều tôi bất ngờ là khi gặp lại anh toàn nói về rừng. Tôi càng nể khi thấy bạn mình tham gia những hội thảo khoa học với báo cáo viết bằng tiếng Anh, mới nhớ ra Tuấn có trình độ ngoại ngữ rất tốt. Anh còn viết sách bằng hai thứ tiếng Anh, Pháp. Một người như anh thật đáng tôn vinh trong xã hội mà giới trẻ đang chạy theo những giá trị ảo” |
Nếu gọi việc trồng rừng, giữ rừng là một trong những giá trị để góp phần nâng cao chất lượng sống thì chúng ta đang dừng ở mức gây rừng để… thở thôi. Hiện nay dân số TP.HCM đang tăng nhanh, trong đó số hộ nông dân lại giảm dần, dự kiến đến năm 2020 là 9 triệu người nhưng chỉ có khoảng 450.000 nông dân. Sài Gòn trong tương lai tiếp tục phát triển công nghiệp, đô thị hoá, mở rộng các khu dân cư, môi trường xanh sẽ tăng cao. Do đó nhu cầu xây dựng các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, công viên, mảng cây xanh trong khu dân cư, mảng cây xanh đường phố phải là điều cấp thiết. Kinh phí cho việc nghiên cứu lâm nghiệp trước đây không được quan tâm nhiều. Có vẻ như năm 2010, trước sự thay đổi của khí hậu và trái đất nóng dần lên, người ta mới bắt đầu lo lắng và khởi xướng việc giữ rừng, trồng cây xanh.
Thành phố đã có chủ trương thành lập ban công tác chuyên ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngành nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Nếu nước biển dâng, rừng ngập mặn sẽ lấn sâu vào đất liền. Vì vậy phải có kế hoạch trồng cây chống sạt lở đê biển và các tuyến sông. Tuy muộn còn hơn không. Tóm lại kinh tế phát triển tới đâu phải nghĩ đến môi trường tới đó. Phát triển kinh tế thấy lợi nhuận trước mắt, nhưng muốn xây dựng môi trường bền vững cần vài chục năm. Tôi nghĩ, nếu hiểu thiên nhiên sẽ thân thiện với môi trường. Còn với chính cá nhân mỗi người, đem một cái cây về nhà chính là đã thêm khí thở cho mình và cả cho cộng đồng. Chúng tôi đang khuyến khích mọi người trồng cây ở khắp nơi có thể, từ sân thượng nhà mình đến phòng khách, phòng vệ sinh, nhà bếp… Làm sao cho ngôi nhà trọc của mình thành ngôi nhà xanh cũng là góp phần phủ xanh cho không gian thành phố. Thực tế hiện nay cho thấy chúng ta có nhân lực, có khoa học kỹ thuật nhưng tổ chức được hay không lại do trách nhiệm và lương tâm của con người. Cuối cùng thì mọi thứ cũng do con người cả thôi.
Ông nói những năm tháng ở rừng đã cho ông tình yêu và cả sự gắn bó với thiên nhiên như một “người bạn đời” thứ hai ngoài vợ. Tuy nhiên giấc mơ vào đời của ông lại là trở thành đạo diễn điện ảnh?
Năm đất nước giải phóng, tôi đang là sinh viên năm thứ hai trường Điện ảnh, khoa đạo diễn. Lúc đó, nhiều hoang mang và cả lo sợ, không biết sự thay đổi của lịch sử sẽ làm thay đổi cuộc đời mình thế nào. Thế là tôi đi TNXP, rồi gặp nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cho tôi lời khuyên: “Em đi thi lại đi, học ngành nông nghiệp là hay nhất, nghề này cần cho đất nước thời bình”. Học xong, tôi về ty Lâm nghiệp TP.HCM làm việc. Năm đó, ty thành lập lâm trường Duyên Hải. Nơi đây từng là khu rừng ngập mặn hiếm hoi của đất nước. Quân đội Mỹ rải chất độc hoá học khiến không có loài sinh vật nào sống được. Tất cả tàn lụi dần, trông thật kinh khiếp. Tôi đã quyết định ở lại đây ban đầu vì lòng thương cảm vùng đất này.
Ông yêu rừng như thế, vậy còn thời gian nào cho gia đình hay không?
Tôi yêu gia đình mình và hài lòng với cuộc sống hiện nay. Tôi không tin vào số phận mà tin vào những gì mình tạo ra cho cuộc đời mình. Có lẽ do sống với thiên nhiên, hiểu rõ quy luật của tự nhiên cho nên tôi cũng áp dụng nó vào quy luật của đời mình. Cuộc đời tôi cũng đã có lúc rơi vào tuyệt vọng như chuyện mấy năm trời đi tù oan chỉ vì mình tin là mình đúng, người ta sai. Nhưng giờ ngẫm lại, là do mình không có cách ứng xử phù hợp. Rồi tôi cũng không giận ai lâu. Khi ai chửi tôi thậm chí hại tôi, tôi tự hỏi vì sao. Nếu trả lời được thì không giận họ nữa. Tôi tự cân bằng mình bằng cách sắp xếp công việc cho mình và gia đình sao cho hợp lý. Bản thân tôi phải đi rừng suốt, lại còn làm quản lý, đi dạy học và ngồi viết nghiên cứu. Cũng có khi tôi tự cho phép mình ra khỏi quy luật một chút bằng những ngày làm việc liên tục và ngủ bù hai ba ngày triền miên. Thi thoảng rơi vào trạng thái “ngoài quy luật” cũng khiến tôi thấy thú vị và tạo cảm hứng cho đời sống. Với tôi, biết hưởng thụ cuộc sống cũng là cách hoàn thiện bản thân.
Cám ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này.
(nguồn: SGTT)