Chúng tôi vẫn thường gọi đùa thôn Vân Hoàn là: sự trở về của mây”. Đồng bằng xứ Thanh bình yên và giản dị quá. Ngôi nhà gạch do Hội Nhà Văn xây tặng nhà thơ Hữu Loan bên cạnh ngôi nhà tranh cũ kỹ. Lối vào nhà Hữu Loan dưới vòm cây xanh. Khung cửa sổ thấp thoáng vườn cây ăn quả. Chiếc võng đong đưa, chiếc bàn cũ kỹ, giản dị nhưng không nghèo nàn. Bước vào ngôi nhà này, dù cái vỏ ngoài là nhà quê nhưng người ta nhận ra ngay đây là nơi chốn của người tri thức, của kẻ sĩ.
Từ một nhà thơ danh tiếng đang công tác ở thủ đô, bỗng dưng ông trở thành một người thồ đá kiếm tiền nuôi con tại quê nhà. Hữu Loan đã có một chọn lựa mà không dễ gì ai trong hoàn cảnh đó dám. Tuy vậy, ông sống không bần cùng chút nào, bởi ông là người biết sống, là người biết đủ.
Hữu Loan không hề muốn chuyển nhượng bài thơ Màu tím hoa sim, cho dù với số tiền 100 triệu đồng (năm 2004). Ông không bao giờ bị tiền bạc chi phối. Việc thương lượng này kéo dài đến một năm, ông thường chỉ cười không nói gì.
Khi đã đồng ý chuyển nhượng, mà tôi nghĩ có lẽ chỉ vì cả nể “phái đoàn thương thuyết” đi lại nhiều lần, Hữu Loan là người tỏ rất nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm. Bàn giao bản viết tay, ông cẩn thận giải thích các “dị bản” như ” chiến chinh” hay “chiến binh”, “áo cưới” hay “áo mới”…Ông có trí nhớ tuyệt vời, đọc lại bài thơ không sai một chữ. Đến khi đặt bút ký hợp đồng, cả nhà mới biết mắt ông đã kém, phải chạy ra chợ mua chiếc kính lão. Kính mua về không dùng được, người nhà đem ra miếng kiếng phóng chữ để ông đọc hợp đồng mà ký.

Cuộc đời của Hữu Loan thật sáng, thật đẹp, bởi ông đã để lại cho người đời một nhân cách cao thượng. Cho đến giờ ra đi, đám tang của ông cũng rất giản dị.