Khám phá paris – Kỳ 1

Ở Paris, dạo theo bất cứ con đường nào, đi đến bất cứ góc phố nào, bạn cũng có thể gặp lại lịch sử và truyền thống. Dù dành cả tháng trời, chúng ta cũng khó có thể thăm hết các viện bảo tàng, thư viện, các công trình nghệ thuật cùng các di tích lịch sử chủ yếu của Paris.

đến Paris, tôi để ra nhiều ngày, tay cẩm bản đồ metro, sử dụng xe điện ngầm để tự đi đến bất cứ nơi nào mình thích, lang thang hết khu phố nọ sang khu phố kia. Mỗi lần như thế, tôi lại có những khám phá mới về Paris, thu nhận thêm nhiều hiểu biết về nền văn hóa và lịch sử nước Pháp.

Cậu học trò trong vườn Luxembourg

Lúc nhỏ, khi học ở trường trung học thời Pháp thuộc, tôi rất có cảm tình với Paris qua những trang trích trong tác phẩm Quyển sách của bạn tôi (Le lovre de mon ami) của đại văn hào Anatole France(1844 – 1924). Những trang gây ấn tượng sâu sắc nhất tả cảnh một em học sinh đep cặp trên lưng, tung tăng như con chim sẻ đi ngang qua vườn Luxembourg vào ngày tựu trường, khi những lá cây platane (một loại cây ngô đồng) từ từ rồi lên các bức tượng trong vườn. Lối hành văn giản dị, trong sáng và đầy hình tượng khiến người đọc liên hệ đến tác giả khi còn là cậu học sinh bé bỏng và cũng cảm thấy hình ảnh của bản thân mình trong cậu học sinh đó.

kham_pha_paris2

Tôi đã không thất vọng khi tận mắt thấy vườn Luxembourg đẹp và giống như mình đã hình dung khi đọc Anatole France. Cảnh vật ở đây rất yên tĩnh, những hàng cây Platane được tỉa thẳng tắp thành những bức tường lá tuyệt đẹp. Cuối vườn là điện Luxembourg, được nữ hoàng Marie de Medicis (1573 – 1642) cho xây cất vào đầu thế kỷ 17. Hiện nay, nó là trụ sở của Thượng viện Pháp.

Nằm giữa trung tâm Paris lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt, khu vườn tuyệt đẹp này là một nơi nghỉ ngơi thư giãn lý tưởng. Ở Paris, có vườn (jardin) và có công viên (parc). Vườn chiếm diện tích rộng lớn, có nhiều cây to tỏa bóng mát và rất yên tĩnh. Công viên thì có nhiều hoa, vì là nơi công cộng nên lúc nào cũng đông người.

Ngoài ra, Paris còn có hai cảnh rừng ở hai đầu phía đông và phía tây thành phố: rừng Vincennes và rừng Boulogne.

Vườn Luxembourg được thiết kế theo phong cách vườn Pháp, nghĩa là rất ngay hàng thẳng lối. Trên các lối đi, có nhiều bức tượng ngoài trời, chủ yếu là tượng các hoàng hậu và những phụ nữ nổi tiếng của nước Pháp. Ngoài du khách nước ngoài, những người dân thường đến đây nhiều nhất là các bà mẹ đẩy xe nôi hoặc dắt con đi dạo và các sinh viên đến đây thư giãn sau khi ra khỏi giảng đường đại học. (Vườn Luxembourg nằm gần các trường đại học nổi tiếng trong khu Quartier Latin, trong đó có đại học Sorbonne lâu đời nhất)

Xem thêm: Tour du lịch Châu Âu

Những quầy sách cũ bên bờ sông Seine

Cũng trong tác phẩm Quyển sách của bạn tôi, Anatole France còn nhắc đến những người bán sách cũ (bouquiniste) bên bờ sông Seine với tất cả lòng biết ơn sâu sắc. Ông cho rằng họ đã góp phần nâng cao trí tuệ của ông, đã truyền lại cho ông những di sản của tiền nhân với những tư tưởng đẹp đẽ, khiến cho ông dần dần thấm nhuần một triết lý nhân văn cao cả.

kham_pha_paris4

Tôi đã đi dọc bờ sông Seine, nhìn những quầy gỗ đựng sách báo cũ đặt trên những lan can bên bờ sông. Tôi có cảm giác như mấy trăm năm nay, nó vẫn tồn tại như thế, không có gì có thể thay đổi. Trong quầy không có nhiều sách, chỉ một số tác phẩm văn học quen thuộc Xuất bản cách nay đã 50 – 70 năm. Thêm một vài tờ báo cũ, vài tranh quảng cáo cũ. Người xem thì nhiều, những người mua thì chẳng có mấy ai. Tôi hỏi anh bạn việt kiều rằng làm sao người bán sách cũ (phần lớn là người cao tuổi) có thể sống được với nghề này. Anh bạn cho biết họ sống bằng trợ cấp của nhà nước, họ làm thêm nghề này cho vui vì bản thân họ là những người yêu sách. Chính quyền thành phố Paris cố gắng duy trì những quầy sách báo cũ bên bờ sông Seine (có tất cả là 200 quầy),vì đây là một truyền thống đẹp, một hình ảnh về sinh hoạt văn hóa và tinh thần từ lâu đời của Paris.

Công trình cổ xưa nhất ở Paris

kham_pha_paris3

Hầu hết những công trình kiến trúc nổi tiếng ờ Paris đều được xây cất từ thời Trung cổ (thế kỷ 13 – 14) hoặc thời kỳ phục hưng (thế kỷ 15 – 16) và kéo dài về sau. Riêng hai công trình từ thời kỳ đô hộ của đế chế La Mã được xem là cổ xưa nhất thì chỉ được phát hiện rất tình cờ sau này.

Trước hết là Đấu trường Lutece (Lez Arenes de Lutece). Ở đây, tôi xin phép nhắc lại một chút lịch sử của Paris. Vào khoảng 200 năm trước công nguyên, một số người gaulois (người dân xứ bản xứ Gaule, tên gọi của nước Pháp ngày xưa) thuộc bộ tộc Patisii, đến trú ngụ tại vùng sông Seine thuộc Paris ngày nay. Năm 52 trước công nguyên, hoàng đế La Mã là Cesar chi quân xâm chiếm xứ Gaule và đặt tên cho cái xóm dân ở vùng Seine đó là Lutece, biến nó thành một thành phố với nhiều công trình kiến trúc La Mã. Đến thế kỷ thứ 3 sau công nguyên, Lutece đổi tên thành Paris (theo tên các bộ tộc Parisii đã đến trú ngụ đầu tiên ở đây).

Đấu trường Lutece nằm bên cạnh đường Monge ở quận 5. Khi tôi bước vào đây, thấy quang cảnh thật vắng vẻ tĩnh mịch. Cạnh một gốc cây, hai cụ già mỗi cụ ôm một chú chó con, ngồi trên băng gổ trò chuyện với nhau. Ở một góc sân, có mấy người đàn ông trung niên đang chơi trò ném bi sắt (petanque). Kiến trúc ở đây mô phỏng theo đấu trường Coloseum ở Rome, nhưng quy mô nhỏ hơn. Tuy vậy, nó vẫn cón sức chứa được 2 vạn người. Các chỗ ngồi (khán đài) được xây theo hình tròn, chia làm nhiều bậc từ trên cao đến tận mặt đất ở sâu bên dưới. Đây là nơi mà nhà cầm quyền cho các chiến sĩ giác đấu (thường tuyển chọn trong những người nô lệ) ra giao chiến với nhau cho đến khi một bên bị giết chết mới thôi. Hoặc là cho người giao đấu với thú dữ như hổ và sư tử và thường là người bị thú dữ ăn thịt luôn. Đó là trò tiêu khiển của quý tộc La Mã thời xưa. Đấu trường Lutece bị chôn vùi dưới lòng đất hàng nghìn năm, cho đến khi vào đầu thế kỷ 19, chính quyền Paris cho đào đất để làm đường mới phát hiện ra nó. Tôi lần theo các bậc khán đài, nhìn vào những cái chuồng nhốt thú dữ có rào sắt mà thấy rờn rợn khi nghĩ đến cảnh xưa kia người ta nuôi sư tử để sử dụng vào trò chơi ăn thịt người.

Di tích thứ hai là Nhà tắm La Mã (Thermes romaines). Cũng ở gần đấu trường Lutece. Người ta phục hồi được trong khuôn viên Viện bảo tàng Cluny. Trong đó, còn giữ lại một phòng tắm nước lạnh, một phòng tắm nước nóng và một phòng tắm hơi. Rất tiếc là khi tôi đến đây thì Viện bảo tàng đóng cửa.

BÀI VIẾT KHÁC

Thông Tin Tư Vấn

Vui lòng điền chính xác thông tin
để được đội ngũ Du lịch Hoàn Mỹ hỗ trợ tốt nhất