Con đường từ một chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu trở về với những suy tư triết học của Hà Dương Tuấn cũng là cách tiếp cận rất khoa học với thế giới bên ngoài, và rất thiền với thế giới bên trong. Sống và làm việc ở Pháp, đi về giảng dạy tại quê nhà, tâm huyết của anh dành cho khoa học, cho quê nhà vẫn tràn đầy.
Gia đình tôi có một nền tảng khá vững về văn hoá, còn tôi lại có thiên hướng về toán học. Chọn ngành toán học đại cương, nhưng như bao chàng trai khác thời đó, ám ảnh tôi nhất là những suy tư về tình yêu và những suy tưởng siêu hình. Tôi mê triết gia Pháp Gaston Bachelard từ nhỏ, và đọc gần hết những tác phẩm của ông, nhưng phải đến khi sang Pháp tôi mới có dịp khám phá tác phẩm bằng nguyên gốc. Cho đến bây giờ, đọc lại ông tôi vẫn thấy mê, lại khám phá ra một phong vị khác, thú vị hơn nhiều.
Thời điểm năm 1963, chiến tranh bùng nổ tại quê nhà, làm thế nào anh vừa hoà vào môi trường học vấn ở trình độ cao, vừa tham gia tranh đấu trong phong trào sinh viên tại Pháp, rồi viết báo, biểu tình?
Cảm giác đầu tiên khi đặt chân đến Pháp cũng hơi mặc cảm, vì so với độ tuổi của mình, văn hoá của sinh viên Pháp cao hơn nhiều, họ nghe nhạc cổ điển, bàn cãi sôi nổi về triết học, văn học… Từ môi trường học bị bưng bít, sách vở thiếu thốn, nhiều lúc tôi tự hỏi: Mình sẽ làm gì với đời mình đây khi đã hoàn toàn tự do? Lúc ấy quả thật mình chưa đủ hiểu biết để sử dụng tự do. Cảm giác ấy cũng ngắn thôi, rồi chiến tranh, đời sống thực dụng đã dồn lấp câu hỏi đó…
Hàng ngày xem trên truyền hình, báo chí, thấy đất nước đang dầu sôi lửa bỏng, những cuộc dội bom B52… lòng chúng tôi đâu có yên được, học hành cũng chẳng thể toàn tâm. Là thanh niên, ai chẳng yêu nước theo kiểu của mình. Vì tham gia tranh đấu nên năm thứ nhất tôi bị mất quyền nhận tiền từ gia đình. May có hai ông anh học trước mình ở Pháp cưu mang nên tôi cũng đủ tiền học hết cử nhân. Bốn năm đại học của tôi là vừa học, vừa làm thêm. Nhiều khi nghĩ lại, thấy mình cũng dại, theo đuổi sự nghiệp khoa học tốt hơn là tối ngày biểu tình, vác gậy đánh nhau với đám sinh viên bạn cũ… nhưng mình không làm khác được, vì con người tình cảm của mình.
Anh chịu ảnh hưởng thế nào từ giáo dục của gia đình, của cha?
Khi đến với văn hoá khoa học, tinh thần con người không bao giờ trẻ. Nó quả thực rất già, vì nó mang tuổi của tất cả những thành kiến. Thấu đạt khoa học chính là sự cải lão hoàn đồng nhận thức, sự thay da đổi thịt đột ngột, có ý nghĩa phủ định quá khứ |
Cha tôi cũng từng du học ở Pháp, thấm nhuần văn hoá Pháp, nên cách dạy con của ông vừa gia giáo, vừa rất tự do. Gia đình tôi có sáu anh em, tôi là thứ năm, đam mê lớn nhất của chúng tôi là đọc sách. Thực sự cha mẹ tôi không phải lo nhiều về chuyện học hành của con, ông cụ luôn có hai ưu tiên dành cho con cái là cho đi chơi, và cho tiền mua sách.
Tiếp cận sớm với nhiều trào lưu triết học phương Tây, phương Đông, tư tưởng nào tác động đến anh nhiều nhất?
Đạo Phật. Cuốn sách thực sự khai tâm tôi về triết học, khoa học luận, phân tâm học… ám ảnh tôi suốt cả cuộc đời là Tư tưởng Phật học của Walpola Rahula, do Thích Nữ Trí Hải dịch. Chính Tư tưởng Phật học giúp tôi hiểu rằng triết học phải tương thích với khoa học, có những phương pháp luận riêng của nó, đó cũng là nội dung Sự hình thành tinh thần khoa học của Gaston Bachelard. Việc tìm hiểu hiện thực của một nhà khoa học là không ngừng, sẽ luôn luôn có những cái không đạt đến được. Ông chỉ ra các nhà khoa học đã sai như thế nào, tại sao sai. Con người đã nhầm lẫn rất nhiều, nhưng giáo dục chỉ dạy người ta cái đúng. Khi đến với văn hoá khoa học, tinh thần con người không bao giờ trẻ. Nó quả thực rất già, vì nó mang tuổi của tất cả những thành kiến. Thấu đạt khoa học chính là sự cải lão hoàn đồng nhận thức, sự thay da đổi thịt đột ngột, có ý nghĩa phủ định quá khứ.
Say mê Sự hình thành tinh thần khoa học của Gaston Bachelard từ thời trai trẻ, vậy mà phải trải qua bao thăng trầm, trải nghiệm, đến bây giờ anh mới có thể dịch trọn vẹn và đưa tác phẩm này đến với bạn đọc Việt Nam. Để dịch cuốn sách này, điều khó nhất là gì?
Tôi muốn giữ cho mình sự tự do. Không thể suy nghĩ nếu thiếu tự do. Điều kiện lớn nhất của tự do là hiểu biết, nếu bị trói buộc trong những sai lầm thì chỉ có ảo tưởng về sự tự do mà thôi |
Phải hiểu biết nhất định về nguồn gốc của nhiều nền văn hoá mới có chọn lựa đúng về dịch thuật. Dịch thuật là chuyển tải hai nền văn hoá, chứ không phải giở từ điển ra để áp dụng. Không thể bám chặt vào ngôn ngữ một cách hình thức được, mà phải dựa trên những hiểu biết chung, cho mọi người đều chấp nhận. Triết gia sau những giải thích dài dòng rất khó hiểu lại tóm gọn bằng một câu rất hóm hỉnh, rất hay. Dịch được chuẩn xác những câu này cũng là thử thách. Ông dùng cả một số thuật ngữ bằng tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Latinh, tiếng Pháp cổ bằng nguyên bản. Rất may người bạn đời của tôi là giáo sư dạy văn, hiểu rõ về cổ ngữ Pháp, tiếng Latinh. Gần như ngày nào tôi cũng phải hỏi một hai chữ từ những người bạn Đức, đặc biệt một số thuật ngữ triết học được học hỏi từ anh Bùi Văn Nam Sơn… Phần hiệu đính của bạn cố tri Nguyễn Văn Khoa, người cùng đam mê Gaston Bachelard với tôi, đã chỉ cho tôi rất nhiều khiếm khuyết để diễn đạt dễ hiểu hơn.
Tác phẩm đã phân tích một số chướng ngại rất có ích cho văn hoá, khoa học, đặc biệt có ích cho những nước đang phát triển, nơi sự tương thích khoa học chưa được phổ biến một cách rộng rãi. Tôi nghĩ đây là một tác phẩm cần coi trọng trong môn lịch sử khoa học và khoa học luận. Đó là hình thức kế thừa bằng giáo dục qua sách vở. Ở phương Tây, sinh viên được sống trong phòng thí nghiệm, họ học khoa học kỹ thuật một cách tự nhiên, và sử dụng máy móc, phương tiện công cộng rất chủ động. Còn ở ta, một bà lão nhà quê cũng có thể dùng điện thoại di động, nhưng chẳng hiểu gì về nó cả. Ở Pháp, những câu nói của Bachelard được dùng làm đề thi trung học ban triết. Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần đầu tư cho các học giả, để có thể dịch những cuốn sách khoa học cơ bản, sách công cụ cho sinh viên, nhằm lấp đầy khoảng trống nguy hiểm trong nhận thức luận của lớp trẻ.
Tham gia giảng dạy, tiếp xúc với sinh viên Việt Nam, anh đánh giá thế nào về ưu – khuyết của những người trẻ?
Lớp trẻ hiện nay rất chịu khó học hỏi, nhưng chỉ tập trung vào các ngành kinh doanh, ít sinh viên nào chịu đi sâu vào các ngành khoa học. Cách làm việc, nghiên cứu nhóm, thảo luận và chia sẻ kiến thức, phản biện nhau còn kém. Ngoại ngữ cũng là một trở ngại lớn, nhưng tôi muốn nhấn mạnh một điều, họ không thể giỏi ngoại ngữ nếu không giỏi tiếng Việt. Tiếng Việt hiện đang mất dần tính chặt chẽ. Thuật ngữ bị dịch lung tung, câu cú không thành văn thì làm sao hiểu được tiếng nước ngoài một cách sâu sắc. Chẳng lẽ chúng ta sẽ dạy đại học bằng tiếng Anh hết chăng? Chúng ta cũng cần thống nhất với quy ước chung của thế giới về cấu trúc văn bản. Những nỗ lực của NXB Tri Thức thời gian qua nhằm xây dựng tủ sách tinh hoa thế giới rất đáng quý, nhưng chỉ như muối bỏ biển. Các phương tiện truyền thông, các tờ báo lớn, các trường đại học phải cùng nhau đánh thức sự khao khát về tinh thần khoa học của giới trẻ, mới mong mười năm, hai mươi năm nữa có được một đội ngũ nghiên cứu khoa học, nghệ thuật nghiêm túc, đó là trách nhiệm lớn của toàn xã hội.
Từng là chuyên gia trong một tập đoàn nước ngoài, cố vấn về công nghệ thông tin cho Việt Nam, làm thế nào anh gìn giữ trong mình một tình yêu khoa học lâu bền đến thế?
Lấy nghiên cứu cơ bản để nuôi dưỡng ý tưởng cho nghiên cứu ứng dụng là vấn đề sống còn đối với người làm khoa học, nó đòi hỏi khả năng tự học và dạy lẫn nhau, học từ cuộc sống, kinh doanh, học từ bạn bè. Cơ chế bằng sáng chế là cơ hội thúc đẩy khoa học tiến nhanh và bảo vệ kiến thức, nhưng ở ta, việc vi phạm bản quyền đang là vấn nạn. Mặt khác, đăng ký bằng sáng chế quốc tế cũng rất đắt tiền và không đơn giản. Việt Nam phải tập dần thói quen này cho người làm khoa học trong nước trước, mới có thể bước ra quốc tế, đó là văn hoá khoa học kỹ thuật. Còn văn hoá làm dỏm, ăn xổi ở thì không thể đi xa được.
Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Trọng: “Nhiều năm nay tôi cũng có mối quan tâm đến vấn đề khoa học luận giống như anh Tuấn. Tôi được đọc một số bài viết rất sâu sắc của anh Tuấn về chủ đề này. Những bài viết ấy gây ấn tượng rất nhiều cho tôi vì chiều sâu văn hoá Đông Tây của anh gợi mở nhiều suy nghĩ cho những người quan tâm đến lĩnh vực này. Trong bối cảnh khủng hoảng của giáo dục đại học Việt Nam, tôi rất mong tập hợp các bài viết của anh Tuấn về chủ đề khoa học luận để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Tôi tin rằng những bài viết ấy sẽ góp phần làm sáng tỏ những khía cạnh văn hoá rất quan trọng cho sự nghiệp tiếp thu và phát triển khoa học ở nước ta” Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn: “Thụ hưởng thành quả của công nghệ cao là một chuyện, thực sự có được tinh thần khoa học lại là một chuyện khác! Cái trước dễ thôi: bỏ tiền mua hoặc đi vay để mua, và cứ thế tiếp tục. Cái sau mới khó: cần có óc tự cường và một nền giáo dục vững vàng. Anh Hà Dương Tuấn dịch quyển Sự hình thành tinh thần khoa học rất khó và rất hay của Gaston Bachelard mới đây chắc hẳn cũng nằm trong dòng suy nghĩ ấy. Không chỉ là một chuyên gia điện toán lão luyện mà còn say mê nghiên cứu khoa học luận, tinh tường cả trong thẩm định văn chương và… rượu nho, anh là mẫu người trí thức thật đa năng và hấp dẫn” |
Tôi chỉ là người sử dụng những thành quả của toán học và tin học để làm ra những sản phẩm công nghệ thông tin, chứ không phải là một nhà khoa học. Sống ở nước ngoài, trong môi trường cạnh tranh khoa học quyết liệt, đòi hỏi mình phải có sự tìm hiểu thường trực, để hiểu hết những chuyện xảy ra ở tuyến đầu. Nếu không, sẽ bị đào thải. Làm công cho người ta để học hỏi thôi, vấn đề đặt ra với tôi là làm công đến bao giờ? Tôi đã bỏ “chiếc mũ” chuyên gia công nghệ thông tin rồi. Sau một quãng thời gian dài lao về phía trước, tôi phản tỉnh, và muốn làm những việc cho đầu óc mình vui hơn. Tôi muốn xả hơi, viết báo, dịch thơ, và dịch những tác phẩm hay sang tiếng Việt, cho đỡ nhớ…
Anh có phải là người luôn bị day dứt về sự nhớ?
Khi tôi nói với sếp của mình ý định trở về Việt Nam, ông ấy bảo rất thẳng thừng: “Anh từng biết tôi là một thằng ngoại quốc sống ở Pháp, khi mình đã là một thằng ngoại quốc mười mấy năm rồi thì ở đâu cũng vẫn là một thằng ngoại quốc”. Tôi đau kinh khủng. Bây giờ tôi sống ở Pháp, nhưng đi về Việt Nam liên tục. Tôi là người vừa hoài cổ, vừa luôn chấp nhận những chuyện mới, ở đâu cũng sống được. Tôi là công dân toàn cầu rồi.
Khuyết điểm của tôi là ngay từ nhỏ đã có suy nghĩ khá sai lầm: không cần nhớ, chỉ cần suy luận. Nhưng ở tuổi này, tôi hiểu phải có một sự nhớ căn bản. Đó là về học thuật. Còn trong cuộc sống, tôi nhớ nhiều lắm. Nhớ tuổi thơ, nhớ bạn bè anh em, nhớ Sài Gòn. Nhớ những buổi chiều 16 tuổi, đạp xe lạng qua các trường nữ trung học ngắm những nàng tiên áo trắng ùa ra như những cánh bướm. Sài Gòn hôm nay không còn những con đường vắng vẻ, yên bình, những hàng me… Tôi biết không thể quay lại quá khứ. Nếu quay lại được một cuộc sống an bình, đẹp, thảnh thơi cho mọi người thì cũng là một an bình hoàn toàn khác. Để đạt được trình độ đó, khoa học kỹ thuật phải tiến lên nhiều nữa, và cần sự cố gắng của tất cả mọi người. Nhiều người lo ngại sự phát triển quá nhanh về kinh tế gây hụt hẫng về văn hoá, tôi nghĩ đừng bi quan quá như vậy, phải dùng phương tiện của sự phát triển như truyền hình, internet để truyền bá văn hoá đến mọi gia đình chứ không thể quay lại ngày xưa, có như vậy giới trẻ mới có được bộ lọc tốt.
Là một người rất sành rượu vang, anh có thể tiết lộ một chút về nghệ thuật thưởng thức rượu vang và những thú vui khác của gia đình? Làm thế nào để giữ được hạnh phúc khi trong nhà toàn là những “công dân toàn cầu”?
(Cười hóm hỉnh) Đó là nhờ ông già vợ dạy đó. Ông là người khá sành rượu vang. Tôi cũng có thú mua rượu vang và tàng trữ trong hầm rượu, đó là tập quán của những gia đình trung lưu Pháp. Chúng tôi thường đi xem kịch, nghe nhạc với nhau, và cố gắng đi bộ mỗi ngày một tiếng. Vợ tôi chuyên dạy cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn nên cũng cực lắm. Hoà hợp là chấp nhận sự khác biệt của nhau. Tôi biết ơn người bạn đời của mình, vì cô ấy đã giáo dục bốn đứa con rất tử tế, các cháu đều thành đạt, làm việc trên khắp thế giới, có cháu về Việt Nam. Từ nhỏ tôi luôn nói với con: “Con muốn làm gì, đó là câu hỏi con phải luôn suy nghĩ”. Một người chỉ phát huy hết khả năng khi làm việc mình thích thôi.
Bây giờ, anh đã có thể trở lại với câu hỏi đầu đời của mình chưa: sẽ làm gì khi hoàn toàn tự do?
Cố gắng giữ được khả năng diễn đạt và khả năng hiểu, để giúp cho mọi người. Ráng làm những việc dài hơi cho tử tế, viết những bài báo tử tế, và biết chối bỏ những việc ngắn hạn. Từ đây đến cuối đời, tôi chỉ mong dịch được hết những tác phẩm của Bachelard, chia thành hai dòng trước tác song song, một là những nghiên cứu văn học, những mơ mộng và suy tưởng, hai là mảng khoa học luận. Tôi chưa bao giờ tu hết, vì còn quá nhiều đam mê. Tôi muốn giữ cho mình sự tự do. Không thể suy nghĩ nếu thiếu tự do. Điều kiện lớn nhất của tự do là hiểu biết, nếu bị trói buộc trong những sai lầm thì chỉ có ảo tưởng về sự tự do mà thôi. Tôi rất thích một câu trong kinh Phật: “Vô minh thì vọng động”.