Lây lất bên biền cát

Đến thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), hỏi chị Nguyễn Thị Nhì thì ai cũng tỏ vẻ ái ngại, thương cảm. Đến nhà, chứng kiến cảnh khổ nhọc của bà mẹ 54 tuổi này, mới hay dù khó nghèo, bất hạnh đến mấy con người cũng vẫn mong đợi ở ngày mai…

Giữa trưa, lê chiếc chân thương tật, chị Nhì len mình dưới rừng dương liễu bên bờ biển cố cào hốt mớ lá khô cho vào bao. “Phải ráng kiếm bao lá khô về nấu cám heo. Bữa cơm nhà mình sơ sài, củi lửa chẳng tốn bao nhiêu. Ngặt là phải nấu nồi cám heo, phải đốt nhiều lá khô lắm…”, chị Nhì nói, trườn mình vào lùm dứa dại đầy gai để hốt mớ lá rụng.

Nỗi niềm chồng con

Vừa mang vừa kéo bao lá khô về đến nhà, chị Nhì lại nhìn đống khoai lang để sẵn bên hiên mà hai đứa con nhỏ – trong đó có một đứa bị bệnh mắt và trì độn, đã gọt vỏ chờ chị xắt phơi khi trời đang nắng mạnh. Nhìn vào bàn thờ chồng, chị nói bốn năm nay đôi tay chị phải làm gấp đôi, cả chiếc chân thương tật cũng ráng lê bước nhanh hơn cho kịp công việc.

Ấy là khi chồng chị lâm bệnh, phải nằm một chỗ hai năm bởi liệt chân, cuối cùng chết vì bệnh ung thư hồi cuối năm 2008. Trước đó, chồng chị cũng trải nhiều khổ ải bởi chứng gù lưng và teo tóp đôi chân ở tuổi 50, phải lê lết đào gốc cây và bửa củi thuê cho người trong làng hơn mười lăm năm để phụ chị nuôi con.

Đến năm 2007, thêm một tai ương giáng xuống mái nhà chị: giữa lúc người chồng đang trên giường bệnh, đứa con trai 23 tuổi của vợ chồng chị bị tai nạn khi đang bốc cá thuê cho một tàu buôn. Thoát chết khi hai đồng nghiệp bị tử nạn vì bình gas trên tàu cá phát nổ, nhưng con trai chị lại bị bệnh tâm thần và động kinh từ đó. “Thằng Ba thì bị bệnh, ba nó thì mất, tui điếng người. Nhưng quây vô quây ra thấy còn lại có mình là trụ cột, tui quên cái chân đau, quên hết buồn phiền, phải ráng làm để nuôi sắp nhỏ…”, chị Nhì giãi bày.

Nhưng bất hạnh của người mẹ tật nguyền, nghèo khổ này đâu chỉ có thế. Chị Nhì kể chị nghèo, dốt, què một chân vì bom đạn, ở tuổi 30 lấy được người đàn ông tuổi 40 cũng nghèo khó, mù chữ, họ mừng đến chảy nước mắt khi sinh được chút trai đầu lòng. Nhưng niềm vui chưa được bao ngày thì vợ chồng chị đau xót nhận ra con mình bị to đầu, mắt lồi, chỉ bò lết, không biết đi, không biết nói.

Nuôi hy vọng, vợ chồng chị lại sinh đứa nữa. Nhưng đứa trai thứ nhì cũng là bản sao tật bệnh của đứa đầu, tệ hại hơn, nó chỉ nằm một chỗ. Không than thân trách phận, vợ chồng chị ráng làm lụng nuôi con bởi “chúng có tật nguyền cũng là con mình rứt ruột đẻ ra”. Lại nuôi hy vọng, vợ chồng chị sinh tiếp ba đứa con trai, trong khi hai đứa lớn tật nguyền lần lượt ra đi – đứa đầu mất ở tuổi 15, đứa kế mất ở tuổi lên 10. Và trong số ba con trai còn lại giờ chỉ có đứa trai út là bình thường, nhưng 15 tuổi chỉ mới học lớp 7.

Nỗi lo nợ nần

Quên khổ cực, bất hạnh, chị Nhì có vẻ tươi lên khi nói về đứa con trai lớn: “Mấy tháng nay thằng Ba nó lên cơn động kinh thưa hơn hồi trước. Hơn mươi bữa nay nó theo người quen đi làm phụ hồ ngoài Đà Nẵng. Nó kiếm được miếng cơm cho nó là quý rồi. Chỉ sợ làm cực, bệnh nó nặng trở lại…”.

Dường như đã quen với cực khổ, thiếu thốn đeo bám từ nhỏ, chị Nhì nói chị sợ nhất là bị ốm đau sẽ không có ai thay mình lo cho hai đứa con tật bệnh và đứa nhỏ ăn học. Ròng rã mấy năm rồi, tự một tay chị cuốc xới trên ba sào (1.500m2) ruộng cát nước trời mỗi năm chỉ một vụ lúa, mong kiếm được mỗi sào chừng 100 ký thóc để có gạo ghé với củ lang ăn qua bữa. Ba sào vườn cát trắng trồng khoai lang cũng tự chị đứng trên chiếc chân què vun xới, bón phân và thu hoạch.

“Khoai lang là chỗ cậy dựa của nhà tui đó. Cái củ lớn mình xắt măng luộc ăn hay ghế cơm, củ nhỏ mình cho heo. Cái dây lang cho heo ăn tốt lắm. Bởi vậy năm nào khoai lang mất mùa là heo đói, mình đói, lo lắm…”, chị Nhì giải thích.

Nhưng lo nhất với chị Nhì hiện nay là khoản nợ ngân hàng mà đứa con trai lớn của chị liều vay để làm mái nhà cấp 4. Bức bách khi thấy mái nhà cũ của mình xiêu vẹo, đổ nát quá, ngày chưa lâm bệnh đứa trai lớn của chị đem sổ đỏ nhà mình và mượn cả sổ đỏ của người dì ruột để vay 50 triệu đồng làm nhà. Mấy năm qua, nhờ nuôi con bò nái của chương trình xoá đói giảm nghèo mà chính quyền thôn ưu tiên cho nhà chị được nuôi liền bốn năm, chị đã có được mấy con bê để nuôi lớn, bán trả cho ngân hàng được 20 triệu đồng, còn nợ 30 triệu đồng.

“Tui què quặt lại dốt nát không biết chi, chỉ tại con nó đi vay liều. Nghĩ đến khoản nợ ngân hàng tui lo quá, trả đồng lãi hàng quý đã khó huống chi là trả vốn. Ước chi mình có được con bò nái nuôi kiếm con bê để nuôi lớn bán trả nợ…”, chị Nhì chỉ tay vào chuồng bò trống không, sắp ngã, nói.

Quen khó nghèo, chịu đựng chứ không quen thở than, chị Nhì chỉ biết lam lũ trên mảnh đất trắng cát để qua ngày. Nhưng cái chân tật nguyền gần năm nay hay sưng phù, đau nhức như là có mủ ở bên trong. Chịu đau không nổi, tháng trước chị lên bệnh viện huyện khám, xin tháo khớp để tra chân giả nhưng bác sĩ la, bảo ráng giữ lại.

Ông Nguyễn Hữu Nhánh, trưởng thôn kiêm phó bí thư chi bộ thôn Tây Sơn Đông nói về gia cảnh của chị Nhì trong nỗi ái ngại:

“Thấy tình cảnh của chị Nhì, thôn day dứt lắm. Quê đây ai cũng khó khăn, năm xưa khi chồng chị Nhì mất, tui phải điện vô một người trong làng hiện sống ở Sài Gòn quyên hai triệu đồng để giúp chôn cất. Cho chỉ nuôi con bò nái bốn năm liền cũng là du di chứ mỗi hộ nghèo ở đây chỉ được nuôi một năm mà thôi. Về nợ ngân hàng, thôn chỉ còn có cách đề nghị ngân hàng cho chỉ gia hạn nợ gốc để chỉ lo trả lãi. Cái chúng tôi lo là sức khoẻ của chỉ, mấy năm nay gia đình gặp nhiều việc, chỉ xuống sức nhanh quá. Chỉ mà đau nằm xuống là mấy đứa con còn khổ nữa”.

BÀI VIẾT KHÁC

Thông Tin Tư Vấn

Vui lòng điền chính xác thông tin
để được đội ngũ Du lịch Hoàn Mỹ hỗ trợ tốt nhất