Hai hàng cau đón mời ở lối vào và vườn hai bên toàn cây xoài đang mùa đơm bông đua với bưởi bòng cùng hoa cảnh. Bên phải, từ cổng vào là nhà khách, nơi đội ngủ phục vụ có thể cống hiến bà con xa gần một bữa ăn thịnh soạn bất kỳ giờ nào, từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm, tức là đến khi đoàn hát bội ngưng diễn. Đoàn hát có khoảng 40 người mà chỉ nhận có bảy trăm ngàn đồng cho một suất diễn kéo dài một giờ. Nhà khách đặt mười bàn, cứ mười người đến đủ là được phục vụ ăn uống ngay, hết lớp này đến lớp khác.
Loại hình nghệ thuật nào cũng tạo cơ hội cho mọi người gần gũi với nhau. Thỉnh thoảng, nhóm này đi ra thì có nhóm khác đi vào. Trong cái nóng bắt đầu gay gắt, dưới tấm bạc che, bà con vẫn hứng khởi theo dõi Tiết Đinh San bị Phàn Lê Huê hành hạ nhất bộ nhất bái. Các nghệ sĩ son phấn dày, áo quần nhiều lớp, mang vớ, trên đầu trâm cài lược giắt nặng chình chịch quả là công phu. Hai cái trống to được một cụ ông và một cụ bà cầm chầu. Một cụ bà khác ngồi cạnh để theo tiếng trống hài lòng của bà bạn cầm chầu thì thảy lên sân khấu một nhúm, có khi cả bó thẻ tre. Mỗi thẻ giá hai ngàn đồng, đến khi vãn tuồng cứ đếm thẻ để cụ bà trả tiền. Nếu người cầm chầu gõ bên cạnh mé trống kêu lắc cắc là chê diễn viên hát mắc lỗi gì đó, chẳng hạn bị trúng tên phía vai trái mà lại diễn tả phía vai phải. Vì vậy người cầm chầu là người phải am hiểu tuồng tích biết thưởng thức điệu bộ và giọng ca, lại có tiền để hào phóng trả theo số thẻ ném thưởng. Thế là người đánh trống hát bội vẫn bị liệt vào danh sách những người không…khôn ngoan cho lắm:
Ở đời có một sự ngu,
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu…
Đình có gian chính và gian bên phải đối diện với nhà khách, rất khang trang, tươm tất. Trong đình có nhiều bàn thờ, đặc biệt có tấm bia vua Tự Đức ban cho cụ Nguyễn Thị Hiếu để ca ngợi công đức gia đình cụ đã giúp đình, giúp dân, mà theo tài liệu của ông Nguyễn Đình Lực – thành viên ban tổ chức lễ hội của đình thì đó là tấm bia bằng đá Non nước của Quảng Nam, được chạm trổ rất công phu. Bia có hình chữ nhật đặt đứng, hai góc trên vạt xéo, chiều dài 102cm, chiều rộng 71.5cm, chiều cao tính từ chân bia khoảng 140cm.Lòng bia lõm ở giữa, có kích thước 91.5×51.5 (cm), khắc 529 chữ Hán nôm.
Xưa kia , đình được dùng làm nơi hội họp việc làng, xét xử, họp chợ…Nay đình không còn chức năng đó nên thỉnh thoảng mới hoạt động. Vậy nên khi có sinh hoạt thì đình Ngọc Hội trở nên quang trọng và thiêng liêng, giúp cho dân làng tưởng nhớ thánh thần của làng, lại có cơ hội hàn huyên và thưởng thức nghệ thuật hát bội công phu đang ngày càng mất dần vị thế.
Bài : Xuân Sương
Theo: DNSGCT – ngày 15/04/2011