“Sau khi ba mất, tài sản quý giá nhất mà ba để lại cho các con là chữ nghĩa. Khác với tiền bạc, của cải, chữ nghĩa không bao giờ mất. Các con hãy nhớ lấy điều đó mà cố gắng học hành”. Đó là lời dạy của ông ngoại, mẹ truyền lại cho chúng tôi…

Một gánh hai con

nau-xoi
Mẹ đang chuẩn bị cho nồi xôi độ nhật

Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình nho phong. Ông ngoại tôi mất lúc bà mới mười ba tuổi. Chưa hết lớp tám, mẹ đã phải nghỉ học, hàng ngày gánh rau cải ngồi bán ngoài chợ Long Khánh. Rồi mẹ gặp ba tôi. “Hồi đó ba mày đi bán thúng dạo. Chưa biết gia cảnh ổng ra sao, nhưng mẹ thấy ổng hiền, dễ thương mà còn biết chịu cực, lại thêm mấy bà bạn hàng nói vô… nên ưng đại”, mẹ tôi kể lại.

Năm 1988, đám cưới xong ba dắt mẹ tôi về quê chồng – xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi này – ông chỉ căn chòi lá rộng khoảng sáu mét vuông, bốn vách dựng bằng tấm mê bồ và nói: “Nhà của mình đó!” Trong căn chòi “chó ngồi ló đuôi” ấy, hai chị em tôi lần lượt cất tiếng khóc chào đời. Tôi sinh năm 1990, cha mẹ đặt cho tên Hồng Linh. Em tôi, Hồng Loan, ra đời sau đó hai năm.

Có lẽ cuộc sống lần hồi cũng khá hơn nếu ba tôi không đột ngột ngã bệnh, vào giữa năm 1993. Chứng bệnh bướu não hành hạ ba tôi suốt bốn năm. Trong ngần ấy thời gian là biết bao cực nhọc truân chuyên chồng lên đôi vai mẹ.

Một năm trước khi ba mất, tôi vào lớp một. Trong lúc tôi đang bập bẹ đánh vần trên ghế nhà trường thì mẹ tôi lại ngồi bên gánh xôi, miệng mời mọc người qua đường còn tâm trí để ở nhà, nơi ba tôi đang nằm liệt trên giường bệnh.

Còn nhớ những ngày đầu tiên em Loan chập chững đến trường, gánh xôi trên vai mẹ thêm nặng. Vừa đi bán về, mẹ lại cắp rổ ra đồng bắt ốc, hái rau… Dọc đường, mẹ nhặt nhạnh từng cành củi khô rồi về nhà lo việc cơm nước. Chưa kịp tắm rửa, mẹ đã tất tả xắn quần ống thấp ống cao chạy ra sau vườn với lũ heo đói ăn. Đêm, ngủ chưa thẳng giấc thì ba giờ sáng mẹ phải thức dậy, lục tục nhóm lửa nấu xôi. Trời vừa rạng mặt, mẹ đã kĩu kịt gánh xôi ra đường trong lúc chị em tôi tung tăng đến lớp.

Thương mẹ, sau buổi học chị em tôi lén mẹ ra đồng be bờ, tát từng vũng nước bắt những con cá sặt, cá lòng tong để mẹ khỏi tốn tiền mua. Những đêm khuya khoắt, giật mình trở dậy thấy mẹ thui thủi một mình bên bếp lửa xôi, chị em tôi bèn ra sau xin mẹ đứa canh lửa, nạo dừa, đứa rọc lá chuối, lau sạch để mẹ gói xôi cho khách… Sau này, chị em tôi còn là những “bà đỡ” rất mát tay cho những cô nàng… heo nái. Và mẹ rất tự hào về việc này. Chúng tôi cứ thế lớn lên, nhưng cái nghèo vẫn luôn đeo đẳng.

Tôi bây giờ đã bước sang năm hai đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Em Loan của tôi đang dốc sức cho năm cuối trường THPT Quang Trung ở Củ Chi. Còn ở tuổi học trò nên chúng tôi chưa làm được gì để báo hiếu cha mẹ, nhưng mỗi năm đến mùa bãi trường, trông mẹ dường như trẻ lại khi cầm tấm bằng học sinh giỏi do tôi mang về – liên tiếp trong 12 năm. Em Loan là đứa hiền ngoan và rất thông minh. Từ cấp một đến cấp hai, em luôn nằm trong năm hạng đầu của lớp, nhưng hai năm đầu của cấp ba, em bị tụt hạng còn “tiên tiến”. Tôi nhói lòng tự hỏi: có phải từ ngày lên thành phố vào đại học, tôi đã sang một phần gánh nặng gia đình lại cho em?

“Hãy trông theo tấm gương của mẹ”

Tháng 4.2006, mẹ từ bệnh viện huyện trở về và thẫn thờ với kết quả xét nghiệm: suy thận mãn tính! Giật mình nhớ lại khoảng hai năm về trước, cơ thể mẹ đã có nhiều dấu hiệu khác lạ: thỉnh thoảng bị phù nề, thường hay thở mệt và váng đầu. Có lúc về chưa kịp vào nhà, mẹ đã quỵ ngay bậc cửa. Xôi, đường rơi vãi tung toé. Thấy chúng tôi lo lắng, sợ hãi thì mẹ trấn an, bảo do làm lụng quá sức nên sinh ra mệt mỏi. Mẹ đã giấu căn bệnh của mình trong suốt hai năm! Bác sĩ bảo mẹ còn may, nếu trễ một tháng nữa thì vô phương cứu chữa. Kể từ đó bác sĩ cấm không cho mẹ đi bán xôi, và hàng tuần mẹ phải đi bệnh viện ba lần để “chạy” thận, đến suốt đời!

Rồi một năm sau, tôi thi đậu vào đại học. Từ Củ Chi vào nội thành có xa xắc gì, nhưng rời bỏ mẹ trong lúc này, tôi có phải là đứa con bất hiếu? Mẹ tôi chưa phải đã già, nhưng cũng không còn trẻ nữa. Biết mẹ còn cầm cự với căn bệnh bại thận này được bao lâu nữa? Thấy tôi lưỡng lự trong chuyện đi hay ở, một hôm mẹ gọi hai chị em tôi đến và lặng lẽ thắp hương trên bàn thờ gia tiên, một việc rất hiếm khi, bởi nhà tôi theo đạo Công giáo và chỉ thắp nhang vào những dịp cúng, giỗ. Một lúc sau, mẹ nói: “Ông ngoại con ngày xưa là thầy giáo giỏi nhất vùng, nói và dịch được cả ba thứ tiếng. Lúc sinh thời, ông thường nói với các con: “Sau khi ba mất, tài sản quý giá nhất mà ba để lại cho các con, là chữ nghĩa. Khác với tiền bạc, của cải, chữ nghĩa không bao giờ mất. Các con hãy nhớ lấy điều đó mà cố gắng học hành để sau này làm vinh hiển cho dòng họ và được ấm tấm thân…” Việc học của mẹ đã bị gãy gánh giữa đường. Cũng vì nghèo. Mà cũng vì quên lời cha dạy. Bây giờ các con hãy trông theo tấm gương của mẹ mà lấy đó làm bài học cho mình”. Vậy là tôi đi.

Ngày xưa, khi còn ở bậc tiểu học tôi thường nghe những lời “thuyết giảng”, rằng “hãy gắng học để sau này phụng sự đất nước”. Bây giờ lớn lên, càng lúc tôi càng hiểu thêm đất nước, đó là ông bà, cha mẹ, là quê hương và tôi phải cố gắng học cho thật giỏi, học nhiều hơn nữa cho những điều đó, trước nhất là cho mẹ tôi.

bài và ảnh Phan Trường Giang
(ghi theo lời kể của Lê Thị Hồng Linh,
con chị Phạm Thị Hồng Lam,
ấp Mỹ Khánh B, xã Thái Mỹ,
huyện Củ Chi)

Ký sự sẽ được chuyển tải bằng ngôn ngữ truyền hình trên sóng VTV9, phát vào 21g thứ hai 8.2; phát lại vào lúc 9g50 sáng thứ năm 11.2 trên sóng VTV9. Mọi ý kiến chia sẻ, giúp đỡ cho nhân vật xin gởi về chương trình Vượt lên số phận, báo Sài Gòn Tiếp Thị, 25 Ngô Thời Nhiệm, phường 6, quận 3 – email: vuotlensophan@sgtt.com.vn hoặc gọi về số 08.39307825.

Dulichhoanmy.com (theo sgtt)