Cô giáo xương thuỷ tinh
Lớp tình thương và cũng là thư viện mini của cô Thảo Ảnh: Minh Tâm
Tháng 11.1986, Thảo chào đời trong trạng thái tay chân mềm nhũn, cong queo. Bác sĩ cho biết cô bé mắc chứng bệnh xương thuỷ tinh nên có thể suốt đời không đi đứng được.
Những năm sau đó, Thảo lớn lên nhưng tay chân vẫn nhỏ xíu, lồng ngực gồ lên. Các khớp xương thường xuyên sưng tấy, nhức nhối. Chỉ cần một cử động không khéo là gia đình phải đưa cô đi cấp cứu do bị gãy xương. Vì vậy, suốt chín năm đầu đời, cô phải nằm ngửa như một đứa trẻ sơ sinh. Khi bạn bè cắp sách tới trường thì Thảo mới bắt đầu tập lật, tập ngồi.
Cô Nguyễn Thị Xuân – mẹ Thảo nhớ như in: “Có lần đi ruộng về, thấy Thảo gượng ngồi dậy, mặt mày đỏ bừng, mướt mồ hôi. Khi con tưởng chừng sắp ngồi được thì lại ngã chúi xuống giường”. Từ đó, người mẹ ấy hiểu thêm nỗi khát khao của đứa con gái bé bỏng. Biết con không thể đến trường, cô Xuân mua sách rồi dạy bảng chữ cái và bốn phép tính. Có căn bản rồi, Thảo tự học ráp vần, đọc chữ, đặt câu qua sách báo và truyền hình.
Có vốn chữ kha khá, Thảo xin cha mở một tiệm tạp hoá nho nhỏ. Vừa coi quán, cô vừa dạy kèm mấy em hàng xóm cho đỡ buồn. Không ngờ, năm đầu tiên, học trò của cô giáo chưa một ngày đến trường ấy đều đạt học sinh giỏi. Cái nghề dạy học bén duyên với cô gái tật nguyền từ đó.
Lớp tình thương: có thương mới dạy
Mới đó mà lớp học ấp Ràng đã duy trì được mười năm. Cô giáo cũng đã bước qua tuổi 24. Nói theo cách của Thảo: “Lớp tình thương là có thương mới dạy, có thương mới học”. Chị Giang Thị Phượng, một phụ huynh học sinh, chia sẻ: “Đứa con lớn của mình được Thảo dạy cho những con chữ đầu tiên. Bây giờ cháu học lớp 11 rồi. Năm nào cháu cũng đạt học sinh giỏi. Đến khi sinh thằng thứ hai, học lớp một rồi mà không biết mặt chữ, mình lại gửi cho cô, năm sau cháu cũng đạt học sinh giỏi. Thảo dạy không lấy tiền. Có khi em còn giúp mình tiền đóng học phí cho con. Mình nghèo, không biết chữ, không có cô chắc con mình cũng dốt”.
Những học trò đầu tiên của Thảo đã trở thành thiếu nữ và sắp bước qua năm học cuối cấp ba. Riêng cô giáo của ấp Ràng vẫn nhỏ bé với chiều cao sáu tấc rưỡi. Lớp học vẫn chỉ có cái giường tre, cô ngồi, lúc nào mệt lả thì nằm dạy và học trò ngồi xung quanh. Cô giáo vẫn di chuyển bằng cách lật người, lăn từng chút khó nhọc như đứa trẻ vài tháng tuổi. Nhưng trên môi cô luôn là nụ cười và bao câu chuyện hóm hỉnh như xua đi những đau đớn và bất hạnh.
Kết thúc có hậu nào cho Thảo?
Mỗi ngày trôi qua, cô giáo nhỏ bé này phải chiến đấu sinh tử với những cơn đau buốt tận xương tuỷ. Tháng vừa rồi, cô phải nhập viện vì khó thở, các khớp xương lại sưng, nhức nhối. “Em cứ sợ một ngày nào đó, em không còn đủ sức dạy các em được nữa. Ngày đó chắc buồn lắm. Em không cam tâm”, cô giáo nhỏ nói trong nước mắt. Mắt còn đỏ hoe, cô lại cười: “Chị ơi, người ta nói quê em còn nhiều chất độc da cam trong lòng đất. Vùng này có mười mấy người bị nhiễm, chết gần hết rồi, hổng biết chừng nào tới em nữa!”
Nói vậy thôi, chứ vừa xuất viện, Thảo lại lên mạng quyên góp sách cũ để lập một thư viện. Sau nhiều năm vận động, thư viện mini nay cũng có gần 1.000 quyển sách, báo. Nhưng vì là truyện sách cũ cóp nhặt nên nhiều bộ cứ thiếu đầu thiếu đuôi. “Nhiều lúc thiếu ngay đoạn cuối truyện, học trò cứ hỏi kết thúc của câu chuyện thế nào, em bịa ra kể đại. Em cứ cho truyện kết thúc là hoàng tử và công chúa cưới nhau, ở hiền gặp lành. Em nghĩ, lỡ mai mốt học trò đọc được truyện gốc, biết cái kết thúc thật, chắc các em cho rằng em xạo”, Thảo cười giòn. Nhưng lúc nào cũng vậy, sau nụ cười, ánh mắt cô giáo ấy lại long lanh nước mắt.
bài Yến Trinh ảnh Minh Tâm
Theo SGTT (Tiếp sức người thầy) – Ngày 28-6-2010