Với vai trò đạo diễn kiêm diễn viên chính vở nhạc kịch lịch sử về Lý Thường Kiệt mang tên Ngàn năm tình sử, Thành Lộc một lần nữa lại bước vào cuộc phiêu lưu mới. Ở đó, anh được thoả sức dùng nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, để có thể chia sẻ nhiều nhất với người xem về những giá trị nhân văn qua câu chuyện tình cay đắng của một anh hùng dân tộc. Đằng sau những vai diễn, những khóc cười, ẩn giấu một Thành Lộc trẻ trung, sâu sắc, luôn nỗ lực hết mình để mang lại chút hương thơm cho cuộc đời vốn khắc nghiệt và dằng dặc nỗi đau…
![]() |
Cơ duyên nào đưa anh đến với kịch bản Tình sử ngàn năm (tên gọi ban đầu) của nhà văn Nguyễn Quang Lập? Cảm xúc đầu tiên của anh khi đọc kịch bản này?
Tôi biết Nguyễn Quang Lập đã lâu, từ những mùa hội diễn sân khấu chuyên nghiệp trước, nhưng chưa có dịp làm việc với anh. Qua giới thiệu của diễn viên Hồng Ánh, tôi được anh cho xem đề cương kịch bản về Lý Thường Kiệt dài hai trang, và tôi đã quyết định đặt hàng ngay để anh viết cho Idecaf. Thực ra đây là đề cương kịch bản phim anh viết nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng rất tiếc là nó không được duyệt. Quả thực đọc đến dòng cuối cùng, tôi đã không cầm được nước mắt. Câu chuyện đi vào những góc tối của trái tim người. Chúng ta dường như có lỗi lớn với các bậc tiền nhân, và cả những anh hùng đương đại, vì chỉ đi theo nếp nghĩ đã được lập trình sẵn, tôn vinh họ như một vĩ nhân, mà quên đi phần “người” bình thường. Họ cũng có những nỗi đau riêng cần được chia sẻ. Khuynh hướng làm kịch lịch sử của tôi là trả lại vẻ đẹp đời thường của những nhân vật lịch sử, chia sẻ với họ nỗi cô đơn, có cái nhìn bao dung hơn, nhân ái hơn về đạo lý sống. Có như vậy, giá trị anh hùng của họ mới thực sự vĩnh cửu. Dĩ nhiên với một tác phẩm nghệ thuật, người nghệ sĩ có quyền hư cấu. Sự hư cấu của Nguyễn Quang Lập chỉ làm cho nhân vật người hơn, đáng kính trọng hơn.
Nghệ sĩ Thanh Thuỷ: Là một ngôi sao, nhưng hơn ai hết anh hiểu nghề diễn không thể đứng đơn độc, mà cần có cả bầu trời sao cùng chiếu sáng. Anh luôn quan tâm để xây dựng một cộng đồng ấm áp trong nghệ thuật. Trong ứng xử, ai chẳng có những lúc giận dữ, không kiềm chế, nhưng đáng yêu là Lộc luôn giữ được sự hồn nhiên.
![]() Lê Bá Thông, TGĐ công ty TTT Không biết bao nhiêu năm nữa sân khấu Việt Nam mới có một người như Thành Lộc. Một người thẳng tính, thương ghét rõ ràng, tính cách cực kỳ dễ thương. Với Idecaf, trong vai trò một doanh nhân làm nghệ thuật, anh đã thành công trong việc xây dựng và giữ vững phong độ của thương hiệu này trong nhiều năm qua. |
Trong quá trình khám phá nhân vật, anh có gặp nhiều thách thức?
Tác phẩm nghệ thuật không phải là minh hoạ lịch sử, tôi không muốn sa lầy vào đó, mà muốn nói những vấn đề mang tính con người, và tôi tin khi mình xuất phát từ lòng nhân, sẽ bắt gặp được nhiều lòng nhân khác. Cản trở duy nhất với tôi là do anh Lập viết theo khuynh hướng một kịch bản phim, nên rất nhiều chi tiết phải biên tập lại cho phù hợp không gian nhà hát. May mắn tôi đã tìm ra chìa khoá để chuyển tải thần thái và cảm xúc của câu chuyện, đó là nhạc kịch. Phần âm nhạc giao cho nhạc sĩ Đức Trí, với những đoản khúc mới sáng tác và hai ca khúc đang “hot” của anh là Nắng có còn xuân và Có một chút. Cũng không thể thiếu một hùng ca trong trường đoạn đề cập đến tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt.
Nếu không có gì thay đổi, 15.8 này vở diễn sẽ ra mắt ở sân khấu nhà hát Bến Thành. Nhưng được biết Nhà hát kịch Hà Nội cũng đang dựng vở này và ra mắt vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Tâm trạng của anh thế nào khi một nhà hát khác lại dựng cùng vở mà Idecaf đã đặt hàng và mua bản quyền?
Thực sự là tôi bị… sốc! Đây là một việc không nên và không đáng xảy ra. Nhưng tôi đã suy nghĩ sang hướng tích cực hơn, nếu hai đoàn cùng dựng một kịch bản, môi trường hoạt động nghệ thuật sẽ sôi động hơn, cạnh tranh hơn. Người được lợi nhiều nhất là công chúng và… anh Nguyễn Quang Lập. Trong thời buổi kịch bản hay rất khan hiếm, sự việc xảy ra, tôi chỉ còn biết chúc mừng cho anh Lập thôi.
Cũng có ý kiến cho rằng Thành Lộc chọn kịch bản vì nhân vật… là người đồng tính, và đưa âm nhạc đương đại vào khiến vở kịch nghiêng về khuynh hướng giải trí. Lộc nghĩ sao về điều này?
Sẽ rất bất công khi lên án chức năng “giải trí” của nghệ thuật. Cả hệ thống nhạc kịch Broadway của Mỹ từng được gọi là công nghệ giải trí, vẫn khiến cho khán giả khóc ròng, những tràng vỗ tay kéo dài cả nửa tiếng đồng hồ. Xin đừng xem thường nhu cầu giải trí của công chúng, vì chính họ mới là người bỏ tiền mua vé. Nhạc kịch đòi hỏi trang phục đẹp, nhạc hay, tầm nhìn hoành tráng. Chính vì thế chúng tôi chỉ bán 500 ghế ở phần giữa nhà hát. Không gian còn lại sẽ hiện lên như một cuộc triển lãm sắp đặt. Tôi hy vọng đây là món quà xứng đáng của Idecaf nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, hoàn toàn do “tiền nhà mình” bỏ ra. (Cười hóm hỉnh)
Tôi vô cùng thú vị khi phát hiện Lý Thường Kiệt là người Hà Nội gốc. Từ trước đến nay chúng ta mới chỉ biết đến một anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, nhà chính trị và ngoại giao tài ba… một người đồng tính! Nhưng ít ai biết được ông đã tự yểm mình, trở thành thái giám, để được vào cung hòng gặp lại người yêu. Cuộc đời lại dẫn ông đi theo một con đường khác, để rồi đến khi từ quan về ở ẩn, gặp lại người yêu cũ, thì nàng đã xuống tóc đi tu… Một câu chuyện tình rất buồn…
Dường như anh rất nhạy cảm với nỗi buồn? Làm thế nào để anh luôn giữ được sự lạc quan, hóm hỉnh như thế?
Suy cho cùng trong một kiếp người, mất tiền là nhẹ nhất, mất bạn thì buồn nhưng không đáng sợ. Nhiều khi mình không còn là mình nữa thì lại có rất nhiều bạn. Cái đó nó lừa mình. Sợ nhất là mất mình
Chia sẻ nỗi cô đơn là sẻ chia lớn nhất của con người với con người. Trong Bí mật vườn Lệ Chi, tôi không ca ngợi nhân cách Nguyễn Trãi, mà chỉ khắc hoạ nỗi cô đơn của ông và của cả những người hại ông. Đôi khi họ trở thành nạn nhân của chính quyền lực. Bản thân tôi cũng đã từng cô đơn, nhưng tôi không thích ai nói đến sự cô đơn của mình. Cô đơn là bệnh của con người. Mỗi người đều cần trải nghiệm nó, để có thể chia sẻ với người khác. Nếu không, rất dễ trở thành ích kỷ, hời hợt. Chia sẻ thuộc về phạm trù tình cảm, là công việc của trái tim, nên nó bao la và vô hình lắm…
Hơn mười năm nay tôi đã tập cho mình thói quen không được buồn lâu, những gì bực bội thì giải quyết ngay, để khi về nhà, tất cả ở bên ngoài cánh cửa. Nói như thế là vẫn còn giận, nhưng không giận lâu, cũng không đặt cho mình câu hỏi tại sao nữa. Cách sống khó nhất, và cũng dễ nhất, là sống bao dung. Nhờ có học yoga, học thiền, nên tôi có thói quen tốt là lên giường, hít thở sâu, và đi vào giấc ngủ dễ dàng.
Với nghệ thuật và trong đời thường, anh có được tự do để chia sẻ?
Trong nghệ thuật, tôi không cầu toàn, nhưng là người biết chọn lựa để cảm thấy mình được an ủi. Nhưng nghệ thuật là vô giới hạn, con chim trong lồng còn biết được những chiếc nan tre là vật cản, còn với chiếc lồng thuỷ tinh, thì mình có thể va đầu, gãy cánh bất cứ lúc nào.
Thời gian gần đây, người ta nói nhiều đến chuyện chia sẻ, làm từ thiện cũng nhiều. Nhưng chẳng hiểu sao càng ngày càng thấy nhiều người bất hạnh hơn. Những khu đô thị mới mọc lên càng nhiều, thì người nghèo lại càng nghèo hơn. Người ta có thể ăn cướp tiền từ thiện để bỏ vào túi riêng, biết bao kẻ phạm tội vẫn không bị trừng trị… Tất cả làm tổn thương những người có trái tim nhân ái, làm giảm nhiệt tình để sống và cho đi, làm tổn thất niềm tin. Mà đổ vỡ lòng tin thì sẽ chẳng làm được gì hết, nên bản thân mỗi người phải biết cách nuôi giữ niềm tin, tỉnh táo chọn cho mình cách sống để không thẹn với chính mình.
![]() |
Một vận động viên dù bơi giỏi, để thoát khỏi vùng nước xoáy cũng phải vất vả lắm, không tránh khỏi bị lôi theo vài vòng mới vượt ra được. Đôi khi, tôi phải thoả hiệp để tồn tại, để làm những việc khác tốt hơn. Nhưng nếu tôi là người thoả hiệp, bây giờ tôi đã giàu lắm rồi. Suy cho cùng trong một kiếp người, mất tiền là nhẹ nhất, mất bạn thì buồn nhưng không đáng sợ. Nhiều khi mình không còn là mình nữa thì lại có rất nhiều bạn. Cái đó nó lừa mình. Sợ nhất là mất mình.
Làm thế nào để đừng mất mình?
Thỉnh thoảng trong mình luôn có sự bừng tỉnh, nhìn lại tất cả những gì mình sống, mình làm, tự hỏi làm vậy để được gì? Nếu cái gì là phù phiếm, vô nghĩa thì loại bỏ dần ra. Cũng may là mình có những khoảng lặng, những phút tĩnh tâm như vậy để gạn đục khơi trong, loại bỏ những ảo giác, gạt ra những gì là rác, giữ lại những gì là ngọc.
Anh thường bắt đầu một ngày mới với tâm trạng như thế nào?
Tôi thích những buổi sáng trời mưa. Tôi xách cây dù và đi dọc đường Đồng Khởi, để nghe mưa lộp độp rơi trên đầu. Lúc ấy, con phố dường như là của tôi, tôi cảm thấy sảng khoái và yêu đời vô cùng. Những ngày gần tết, trời se lạnh, tôi đã nhắn tin cho rất nhiều người: “Hôm nay trời đẹp lắm. Chúc một ngày lành”. Họ trả lời tôi: “Bị điên hả?”. Vui nhất là người chia sẻ với tôi điều đó lại không phải là… nghệ sĩ. Tôi phì cười, mình điên thật, vì trời đẹp với mình chứ không phải với người khác. Dường như lãng mạn ngày càng trở thành… xa xỉ.
Ao ước lớn nhất của anh về cuộc sống?
Mong sao con người sống tử tế với nhau. Sống tử tế khó lắm…