“Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, với những đứa trẻ khiếm thị ở cơ sở Bừng Sáng khái niệm giàu nghèo vẫn chưa vướng bận, nhưng những thiệt thòi của tuổi thơ thì hẳn đã nhiều. Không thể nhìn ngắm bầu trời rộng mở, không thể biết màu sắc chiếc lá, bông hoa, vệt nắng, thế giới của các em gói gọn trong khái niệm hình dạng, cuộc sống được lần dò bằng đôi bàn tay. Ánh sáng duy nhất các em có thể tìm thấy chính là tri thức…
Ánh sáng tri thức kỳ diệu của những đứa trẻ ấy đang được thắp sáng bởi tấm lòng của người thầy khiếm thị Nguyễn Tấn Huyến, người mà những đứa trẻ ở cơ sở Bừng Sáng thân thương gọi là bố Huyến.
Vượt qua bóng tối…
Từng là trẻ khiếm thị rồi mất dần ánh sáng, thầy Huyến đã trải qua quãng đời khó khăn để có thể hoà nhập được với cộng đồng. Tháng ngày chiến thắng sự tuyệt vọng để tìm lại ánh sáng tri thức cho bản thân mình với thầy Huyến là những ngày thật gian khó. Khi mới chào đời, thị lực của thầy chỉ kém hơn người bình thường, nhưng đến năm học lớp sáu thì thế giới xung quanh với thầy chỉ còn là một màn trắng đục. Mất đi ánh sáng nhưng ý chí và sự hiếu học thì chưa bao giờ tắt đi trong lòng cậu bé Huyến ngày ấy. Cơ may đã đến, khi trường dành cho người khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu cũng vừa thành lập và chiêu sinh. Từ đó, cậu bé Huyến bắt đầu làm quen với những con chữ nổi. Những bài thơ, phép tính của một học sinh lớp sáu giờ phải xuất phát lại từ những ký hiệu ban đầu dành cho người khiếm thị. Năm 1988, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, giấc mơ trở thành thầy giáo của Huyến lại một lần nữa mất hy vọng vì ngày đó các trường đại học và cao đẳng không nhận hồ sơ của người khuyết tật.
Giữa lúc chán nản và tuyệt vọng thì thầy giáo khiếm thị Đào Khánh Trường, giáo viên dạy nhạc của trường đã luôn động viên và khích lệ tinh thần cho Huyến. Không thể để đứa học trò giàu nghị lực của mình chấp nhận đầu hàng số phận, cũng chính thầy Trường là người đưa Huyến đến gặp thầy Cao Minh Thì, lúc ấy đang là hiệu trưởng trường cao đẳng Sư phạm TP.HCM để trình bày nguyện vọng. Quyết định đặc cách của thầy hiệu trưởng dành cho Huyến vào học tại khoa nhạc hoạ ngày ấy không chỉ mở ra một cánh cửa mà còn thắp thêm niềm tin cho những người khuyết tật nhưng giàu nghị lực và mang đến cho trẻ khiếm thị hôm nay một người thầy tận tuỵ.
Thắp sáng niềm tin
Hiểu được nỗi lòng và cả những thiệt thòi của người khiếm thị trong cuộc sống, đồng thời cũng để tri ân thầy Trường – người thầy đã hết lòng dìu dắt và nâng đỡ mình, thầy Huyến đã chọn đi tiếp con đường mà thầy Trường đã chọn là duy trì cơ sở Bừng Sáng để dạy nghề và hướng nghiệp miễn phí cho người khiếm thị. Ngôi nhà 266/5 Nguyễn Tri Phương, quận 10 là nơi thầy giáo Nguyễn Tấn Huyến ngày ngày kiên trì truyền chút ánh sáng từ trái tim mình. Ngôi nhà của những đứa trẻ không thể cảm nhận ánh sáng bằng đôi mắt, nhưng ở đó chúng cảm nhận được tình thương và sự tận tâm của người thầy. Ánh sáng chỉ ánh lên từ tình thương, từ những nụ cười và ở đôi bàn tay cần mẫn của thầy giáo Huyến. Bởi lẽ, ngày ngày thầy đã kiên trì giúp những đứa trẻ nắn nót, lần dò từng con chữ nổi, từng nốt nhạc trầm bổng để cuộc sống các em có ngày được tươi sáng hơn. Một người không thể nhận biết ánh sáng phải tự lo cho mình đã khó, để duy trì sinh hoạt cho vài chục con người và nhất là việc học hành cho hơn mười đứa trẻ thì sự khó đó không thể kể hết bằng lời, nhưng trái tim người thầy, tình yêu dành cho bọn trẻ và trên hết là niềm tin cuộc sống đã giúp thầy Huyến vượt qua tất cả.
Những đứa trẻ ở cơ sở Bừng Sáng, mỗi đứa mỗi quê, mỗi đứa mỗi cảnh nhưng khát khao thì chỉ có một – khát khao được sống có ích như bao người bình thường. Mỗi ngày, ở ngôi nhà ấm áp của “bố Huyến” lời ca tiếng hát trong trẻo, hồn nhiên và rộn ràng niềm tin vẫn vang lên giai điệu của ước mơ và khát vọng. Những ước mơ bé mọn đang được thầy giáo Nguyễn Tấn Huyến thắp sáng bằng tình thương và chính tấm gương nghị lực của mình.