Nếu FIFA tổ chức cuộc thi tìm người hâm mộ bóng đá tiêu biểu của thế giới, hẳn chúng tôi sẽ giới thiệu Nguyễn Sơn Lâm làm đại diện cho Việt Nam. Chắc chắn chàng trai 27 tuổi này sẽ có giải.
nguoicuongsibongda1
Sơn Lâm đá bóng với đôi nạng gỗ – Ảnh: Nguyễn Á

Đi trên đường phố Hà Nội, bạn bắt gặp một anh chàng tí hon cao khoảng 80cm, gương mặt thông minh, cưỡi chiếc Yamaha “độ” thành gắn máy ba bánh phóng vèo vèo thì đó là Nguyễn Sơn Lâm. Còn tại TP.HCM, hôm khai mạc triển lãm ảnh Họ đã sống như thế của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á, rất nhiều người đã túm tụm quanh anh chàng tí hon này để nói chuyện… bóng đá!

“Những CLB bóng đá nổi tiếng thế giới”

Cách đây vài tuần, trên các quầy sách báo lớn, người ta thấy xuất hiện một cuốn sách mang tên Những CLB bóng đá nổi tiếng thế giới. Sách được in khá đẹp. Tư liệu được sưu tầm công phu, hình ảnh phong phú, văn phong thể hiện chỉn chu, mượt mà. Đó thật sự là một cuốn sách đáng có trên kệ của những ai ghiền bóng đá.

Nhưng thú vị hơn cả ở cuốn sách chính là tác giả của nó – Nguyễn Sơn Lâm, biên tập viên bóng đá quốc tế, “chuyên trị” Giải ngoại hạng Anh của trang web bongda24h.vn, một trong 90 nhân vật khuyết tật đã vượt lên số phận mà nghệ sĩ Nguyễn Á giới thiệu trong bộ ảnh làm xôn xao Sài Gòn những ngày gần đây. Trong phần mở đầu cuốn sách đầu tay của mình, Lâm viết: “Có nhiều người yêu bóng đá nhưng không phải ai cũng “cuồng” như tôi. Tôi yêu bóng đá một cách điên dại! Với tôi, bóng đá là cuộc đời khi trái bóng lăn theo nhịp đập của những con tim đồng cảm trong và ngoài sân cỏ; bóng đá hàn gắn con người, hàn gắn thế giới; bóng đá cũng là niềm đam mê, một món ăn tinh thần không thể thiếu của hàng triệu triệu người”.

“Bắt trúng đài” bóng đá, Lâm có thể thao thao bất tuyệt cả ngày trời. Từ chuyện giải này giải kia đến những thông tin hậu trường của các vụ chuyển nhượng anh đều rành rẽ.

Yêu nghề bình luận viên nên Lâm luôn lắng nghe như nuốt những lời bình luận bóng đá trên truyền hình. Anh phân tích cái đúng cái hay cũng như cái chưa được của từng bình luận viên để rút kinh nghiệm cho bản thân. Cũng vì vậy mà Lâm khá bức xúc trước tình trạng “nói không đâu ra đâu” của nhiều bình luận viên bóng đá hiện nay. Lâm nói: “Một số bình luận viên thiếu kiến thức bóng đá lẫn tiếng Việt để bày tỏ ý mình. Họ quá hời hợt với nghề nghiệp của mình. Tôi xem đó là một sự xúc phạm đối với khán thính giả”. Bức xúc của Lâm cũng là của nhiều người hâm mộ bóng đá, vốn lâu nay thường xuyên gửi thư từ, điện thoại về trang thể thao Tuổi Trẻ để phản ảnh.

nguoicuongsibongda2
Công việc hăng ngày của Lâm gắn với chiếc máy vi tính – Ảnh: Nguyễn Á

“Đèo cao thì mặc đèo cao”

Thật ra Lâm không phải là một phát hiện lạ. Cách đây ba năm, tại một cuộc thi tuyển chọn bình luận viên bóng đá của VTV, người ta đã lao xao về chuyện một chàng thí sinh có kiến thức rộng về bóng đá, giọng nói truyền cảm, ngôn ngữ chỉn chu. Thế nhưng anh vẫn không được chọn, lý do không nói ra nhưng ai cũng biết: hình thể.

Không được chọn vào nghề mình yêu thích thì buồn thật, nhất là khi mình không thiếu khả năng – một điều mà rất nhiều người thừa nhận. Nhưng cái buồn ấy chẳng ảnh hưởng một tẹo nào đến Sơn Lâm, bởi đời anh là một cuộc marathon với vô vàn chướng ngại vật và “đèo cao thì mặc đèo cao”…

Do bố bị ảnh hưởng chất độc da cam trong những năm đi bộ đội đánh Mỹ, hậu quả là trong số bốn anh em, Lâm bị loãng xương, teo đôi chân nên không đi được (Lâm có một người anh suy nhược thần kinh). Cha mất năm Lâm 14 tuổi khiến mọi gánh nặng đè lên vai người mẹ. Bức tranh cuộc sống quá ảm đạm từng khiến mẹ Lâm nảy ý định ôm con tự vẫn.

Nhưng Lâm không bi quan. Ngay từ nhỏ anh đã có suy nghĩ mình vẫn còn may mắn khi ông trời không đang tâm lấy luôn cả bộ óc và đôi tay. Lâm quan niệm mình đã có hai thứ quý giá nhất ấy của mỗi con người thì việc gì phải đau buồn. Vì thế dù thân thể có dị dạng nhưng Lâm vẫn sống, vẫn học và vẫn chơi như bao bạn bè đồng lứa. Lâm cười bảo: “Nói thế chứ phải luôn nhớ ơn bạn bè, họ đã thay nhau cõng tôi, đèo tôi đi học suốt những năm phổ thông”.

Nói về Lâm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á bảo trong những ngày gắn bó để thực hiện bộ ảnh về anh chàng độc đáo này, ấn tượng đọng lại lớn nhất là sự thông minh và khéo léo lạ kỳ khi anh đá bóng bằng đôi nạng gỗ.

Nhắc lại nhận xét của Nguyễn Á, Lâm pha trò: “Tiếc cho bóng đá VN, nếu ông trời không bắt tôi phải mang thân xác này thì đội tuyển đã có được một tiền đạo xuất sắc”.

Nhưng chơi mà nói nhiều làm gì! Điều đáng nể nhất ở anh chàng này là sự học hanh thông, thi đâu đậu đó. Sau bốn năm rời Quảng Ninh, một mình lầm lũi lên Hà Nội học cùng lúc hai đại học (ĐH Ngoại ngữ Hà Nội và ĐH dân lập Phương Đông), anh đã lấy hai bằng cử nhân tiếng Anh và tiếng Nhật.

Một lần thất bại trong cuộc thi làm bình luận viên bóng đá nhưng Lâm vẫn không bỏ cuộc. Anh tin rằng rồi sẽ đến lúc mình lọt vào mắt xanh của một nhà đài nào đó không câu nệ chuyện hình thể. Vì vậy, anh vẫn tiếp tục trau dồi ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức bóng đá và luyện giọng hăng ngày.

TẤN PHÚC (Theo TTCT)