Niềm đam mê cổ vật khiến anh dành hẳn một khu đất rộng ở Q.Gò Vấp, TP.HCM để làm một viện bảo tàng cá nhân nhỏ trưng bày, bảo quản cổ vật. Tới đây, chúng tôi thấy hàng ngàn cổ vật được anh bài trí rất ngăn nắp, gọn gàng. Anh Dũng phân bố chúng theo từng thể loại, từng chủ đề. Anh cho biết mình dành 2 năm để thiết kế, hoàn thành khu trưng bày độc đáo này.
Các món binh khí bằng đồng anh Dũng sưu tầm có nhiều dao kiếm, đầu mũi tên, trong đó anh đặc biệt ưu ái những khẩu súng thần công. Hiện anh có hơn 40 khẩu súng thần công bằng đồng đủ loại, từ khẩu to nhất dài gần 2 mét đến khẩu rất nhỏ, chỉ 5 tấc đủ để một người có thể mang vác dễ dàng. Những khẩu súng được chế tạo tuy đơn sơ nhưng cũng đầy đủ quai mang xách, lỗ nhồi thuốc, lỗ mồi lửa và cả hoa văn trang trí… Trong đó có một khẩu thời Tây Sơn còn nguyên vết tích chiến tranh với một đoạn nòng súng bị nứt toác vì sức ép của thuốc nổ. Anh tâm sự: “Càng tìm hiểu về những món vũ khí này, tôi lại càng tự hào về người Việt Nam. Việt Nam ta có danh tướng Hồ Nguyên Trừng, người được cho là đã sáng chế súng thần công từ đầu thế kỷ XV”.

Có lẽ truyền thống binh nghiệp của gia đình đã khiến anh chọn đi sâu vào sưu tầm binh khí. Theo anh Dũng, binh khí cổ xưa là bằng chứng sống động cho tinh thần chiến đấu oanh liệt của ông cha ta trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ và mở rộng bờ cõi. Hiện tại anh đang lưu giữ một chiếc nỏ, đặt nó trang trọng trong một chiếc khung kính. Nhìn chiếc lẫy nỏ được chế tác rất công phu, rất tinh xảo được dự đoán có từ hơn 2.000 năm trước, anh không giấu vẻ tự hào. Anh đùa: “Khi nhìn thấy chiếc lẫy nỏ này, kẻ thù nào không muốn gửi con sang ở rể để đánh cắp”.
Dũng còn sưu tầm cả những vật dụng thông thường khác như tiền đồng, đồ gốm sứ, cồng chiêng. Trên một gian tường nhỏ, anh treo hơn trăm chiếc nồi đồng nhỏ, có quai treo được cho là nồi mà quân đội Tây Sơn từng sử dụng, “vừa đi vừa nấu cơm” trong cuộc hành quân thần tốc ra Bắc góp phần làm nên chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa lịch sử vào năm Kỷ Dậu 1789. Hoặc những chiếc trống đồng đặc biệt, được làm với hình dáng như chiếc chậu thông thường nhưng khi lật úp lại, chúng lập tức trở thành những chiếc trống rất đẹp với hoa văn hình ngôi sao đặc trưng ở giữa. Đây là cách vô cùng độc đáo mà ông cha ta dùng để đối phó với lệnh nghiêm cấm chế tạo trống đồng của quân xâm lược phương Bắc vốn thường khiếp sợ tiếng trống đồng xông trận của dân Âu Lạc.
Anh Dũng cho biết, trước đây do mò mẫm tự sưu tầm nên có lúc tưởng chừng như tán gia bại sản vì đồ giả. Tuy nhiên, bản lĩnh nhà binh cùng với lòng đam mê cổ vật lớn lao giúp anh đứng dậy và gần như làm lại từ đầu. Sau một thời gian, cùng với sự giúp đỡ, tư vấn của bạn bè trong giới, đến nay anh khá hài lòng với bộ sưu tập của mình.
Bài & ảnh: Miên Thảo – Thanh Xuân Huy (Theo Thanh Niên)